Biến chủng Omicron, phát biểu của ông Powell, cuộc họp OPEC+: Những nhân tố chi phối thị trường toàn cầu tuần này

ngày 29/11/2021

Biến chủng mới Omicron của Covid-19 có thể tiếp tục gây hoảng sợ trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần này. Các tài sản rủi ro như dầu thô và tiền ảo đã bị bán tháo trong khi những tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ được nhà đầu tư gom mua...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Ngoài ra, giới đầu tư còn chờ phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cuộc họp chính sách sản lượng của liên minh dầu lửa OPEC+, và báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ.

Thị trường chứng khoán từ châu Á tới châu Âu và Mỹ, cùng các tài sản rủi ro như dầu thô và tiền ảo đã bị bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi có tin biến chủng Omicron được phát hiện ở Nam Phi và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là biến chủng đáng lo ngại. Ngược lại, những tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ được nhà đầu tư gom mua.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 2,5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ số S&P 500 mất 2,3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm.

Giá dầu thô giảm hơn 12% trong phiên ngày thứ Sáu và giá Bitcoin mất 8%. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm sụt về 1,47%, từ mức cao thiết lập hôm thứ Tư là 1,69%.

“Tuần này có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, nhưng tôi cho rằng biến chủng Covid mới sẽ khiến nhà đầu tư đứng ngoài thị trường cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn”, giám đốc dầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định.

Báo cáo kinh tế Mỹ được chờ đợi nhất tuần này là báo cáo việc làm tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Theo Dow Jones, các chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 581.000 công việc mới trong tháng này, sau khi có thêm 531.000 công việc trong tháng 10. Các chuyên gia tin rằng nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi đợt giảm tốc do biến chủng Delta, và tăng trưởng kinh tế quý 4 có thể mạnh hơn quý 3.

Nhà quản lý quỹ Scott Redler của T3Live.com nói rằng có một số ngưỡng chủ chốt mà thị trường cần duy trì để tạo ra một đợt tăng điểm cuối năm. “Ở thời điểm hiện tại, thị trường có đuối đi, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa đứt gãy. Đà tăng sẽ được đẩy mạnh trở lại nếu S&P 500 giữ được ngưỡng bình quân 50 ngày trong tuần tới”, ông Redler nói.

Với sự xuất hiện của Omicron, một số nhà đầu tư bắt đầu đảo ngược sự đặt cược trước đó rằng phục hồi kinh tế mạnh và lạm phát leo thang sẽ buộc Fed phải đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuần này, thị trường quan tâm đến phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện vào ngày thứ Ba. Giới đầu tư kỳ vọng trong lần xuất hiện này, ông Powell sẽ đưa ra những đánh giá mới về tình hình kinh tế và lạm phát, cũng như ảnh hưởng của Covid đến nền kinh tế.

Theo nhà sáng lập Barry Knapp của Ironsides Macroeconomics, mối lo hiện nay là biến chủng mới có thể lây lan rộng và khiến các hoạt động kinh tế chậm lại, làm cho tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng thêm phần tồi tệ. Trong bối cảnh như vậy, lạm phát có thể tăng nóng hơn trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Theo ông Knapp, rủi ro đối với giá cổ phiếu ở thời điểm này là không hề nhỏ và nhà đầu tư nên thận trọng khi bắt đáy. Vị chuyên gia nói rằng Fed vẫn có thể đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản, và tiếp đó là đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất.

Thị trường dầu lửa cũng là một tâm điểm chú ý trong tuần này, khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối, thường gọi là nhóm OPEC+, họp vào ngày thứ Năm. Tuần vừa rồi, Mỹ và một loạt nước tiêu thụ dầu lớn đã nhất trí xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm kéo giá dầu xuống, trong đó Mỹ sẽ xả khoảng 50 triệu thùng dầu.

Tuyên bố xả dự trữ được đưa ra sau khi Mỹ nhiều lần kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn mức tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng mà nhóm này đang áp dụng.

Theo bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC, với việc Mỹ và một loạt nước phối hợp xả dự trữ chiến lược dầu, có khả năng OPEC+ sẽ tạm dừng việc nâng sản lượng.

“Câu hỏi đặt ra trước cuộc họp của OPEC+ vào ngày thứ Năm tuần này, không chỉ là liệu họ có dừng tăng sản lượng hay không, mà còn là họ có thể giảm sản lượng hay không, vì họ đang phải đối mặt với cả biến chủng mới của Covid-19 và động thái xả dự trữ của Mỹ”, bà Croft nói.

Nguồn: https://vneconomy.vn/bien-chung-omicron-phat-bieu-cua-ong-powell-cuoc-hop-opec-nhung-nhan-to-chi-phoi-thi-truong-toan-cau-tuan-nay.htm