Đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục tăng cao

ngày 19/02/2021

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ liên tục tăng cao do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Cũng theo Bộ này, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng 13.000 đơn so với tuần trước đó (848.000 đơn). Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng. Các nhà kinh tế trước đó đã kỳ vọng số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần này sẽ giảm xuống còn 765.000 đơn.

Các bang California, Illinois và Ohio là các bang ghi nhận số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhất. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ hồi tháng 3/2020, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần không bao giờ vượt ngưỡng 700.000 đơn, ngay cả trong thời kỳ suy thoái từ năm 2008-2009.

Nhà kinh tế Lydia Boussour tại Oxford Economics cho biết: “Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm”.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nước này đã mất hơn 20 triệu việc làm do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ riêng trong tháng 12/2020, nước này đã mất 140.000 việc làm. Cũng theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo ra 6,6 triệu việc làm vào cuối năm ngoái.

Quốc hội Mỹ hiện đang xem xét gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Trước đó, nước này đã chi ra khoản kích thích tài chính bổ sung trị giá 900 tỷ USD vào cuối tháng 12/2020.

Tính đến hiện tại, khoảng 12,3 triệu trong số việc làm bị mất do đại dịch COVID-19 đã được phục hồi. Dù vậy, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã ước tính thị trường việc làm của nước này sẽ không thể phục hồi trở lại mức tiền đại dịch trước năm 2024.

Ngày 27/1 vừa qua, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ đầu năm 2021, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0% - 0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng trong bối cảnh sự phục hồi nền kinh tế Mỹ đang diễn ra chậm chạp do tác động của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo, “nền kinh tế còn cách xa các mục tiêu của chính sách tiền tệ và lạm phát, và có khả năng sẽ mất một thời gian dài để nền kinh tế đạt được tiến triển đáng kể".

“Đường đi của nền kinh tế Mỹ tiếp tục phải phụ thuộc lớn vào diễn biến của dịch bệnh, bao gồm cả các bước tiến của hoạt động tiêm chủng”, ông Jerome Powell nói và cho biết: “Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang tiếp tục tạo ra áp lực lên hoạt động kinh tế, việc làm, lạm phát và tạo ra rủi ro đối với triển vọng kinh tế…”.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, Mỹ hiện vẫn tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến sáng ngày 19/2 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 58.463 ca lây nhiễm và 2.201 ca tử vong vì đại dịch trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 28.512.285 ca và 504.749 ca./.


Nguồn: Báo t/h