Ngân hàng đầu năm: Lãi suất giảm, tỷ giá USD tăng cùng cổ phiếu

ngày 07/01/2015

 Những ngày đầu năm 2015, ngành ngân hàng gây chú ý khi đẩy mạnh giảm lãi suất trong khi tỷ giá USD ngân hàng đua tăng cùng cổ phiếu.

Giảm lãi suất


Trong nửa năm trở lại đây, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Nếu trước đây, mỗi khi công bố biểu lãi suất mới, các ngân hàng thường “trống rong, cờ mở” nhưng bây giờ, hầu hết các ngân hàng đều âm thầm điều chỉnh.

“Mở hàng” cho 2015 là Eximbank. Kể từ ngày 5/1, tại các địa bàn lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và Nha Trang, lãi suất thấp nhất tại Eximbank chỉ còn là 4,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Mức lãi cao nhất 7,7%/năm trước đó giảm xuống chỉ còn 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Ngày 5/1 cũng là thời điểm Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi tại tất cả các kỳ hạn đều giảm nhẹ. 6,86% là mức lãi cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng với các khoản tiết kiệm thông thường.

ngân hàng
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất (Ảnh minh họa)

Kể từ ngày cuối cùng của năm 2014, TPBank cũng thay đổi biểu lãi suất. Cùng chung xu hướng với toàn hệ thống ngân hàng, lãi suất tại TPBank giảm nhẹ. Kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm.

Trước đó, ngày 19/12/2014, Vietcombank nhanh tay giảm lãi suất huy động. Lãi suất thấp nhất tại Vietcombank chỉ còn 4%/năm tại kỳ hạn 1 tháng. Lãi suất cao nhất chỉ là 6,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tới 60 tháng.

USD tăng kịch trần

Trái ngược với xu hướng lãi suất, giá USD tại hệ thống ngân hàng rục rịch tăng nhẹ từ đầu năm 2015. Nhưng phải đến ngày 6/1, đồng bạc xanh mới bứt phá. Tại rất nhiều ngân hàng, USD bất ngờ tăng kịch trần.

Giá USD bán ra tăng dần theo từng nhóm ngân hàng thương mại. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD được niêm yết mua vào 21.345 đồng/USD và bán ra 21.405 đồng/USD, tăng khoảng 10 đồng/USD so với ngày đầu tuần.

Tại Eximbank, USD tăng 20 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 13 đồng/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá niêm yết ở mức 21.400 – 21.453 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tại ACB niêm yết ở mức cao hơn một chút 21.418 – 21.458 đồng/USD. Giá bán ra tại ACB tăng lên mức kịch trần.

Tại OCB, giá bán giá cũng leo lên mức kịch trần. Tỷ giá giao dịch ở mức 21.430 đồng/USD - 21.458 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tại Vietcombank có vẻ trầm lắng hơn. Sau những đợt biến động trong ngày, cuối ngày 6/1, giá USD lại không đổi so với cuối ngày 5/1 và niêm yết ở mức 21.375 đồng/USD – 21.405 đồng/USD.

Tại BIDV, giá USD cũng không “nóng” như tại các ngân hàng thương mại khác. Cuối ngày 6/1, tỷ giá niêm yết ở mức 21.380 đồng/USD – 21.405 đồng/USD. 21.380 đồng/USD – 21.405 đồng/USD cũng là tỷ giá được Vietinbank áp dụng.

Cổ phiếu tăng vọt

Ngày 6/1, không chỉ USD tăng kịch trần, cổ phiếu ngân hàng cũng có phiên giao dịch rất sôi động và góp công lớn giúp VN-Index đảo chiều đi lên.

Đầu phiên, VN-Index có thời điểm mất tới 5 điểm nhưng nhờ sự bứt phá của cổ phiếu ngân hàng, cuối phiên, toàn sàn chứng khoán lấy lại được sắc xanh. Dẫn đầu nhóm ngành ngân hàng là cổ phiếu VCB của Vietcombank.

Chốt phiên 6/1, VCB tăng 2.100 đồng/CP lên 34.000 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần đúng 100 đồng/CP. Đây có thể xem là thành tích rất lớn vì suốt thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng “nhường” thị trường cho các cổ phiếu đầu cơ khi giao dịch khá trầm lắng.

VCB suýt tăng trần khiến vốn hóa thị trường của Vietcombank được cải thiện đáng kể. Chỉ trong ngày 6/1, giá trị của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam có thêm 5.597 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường Vietcombank đạt 90.610 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng có được đà tăng khá. EIB tăng 200 đồng/CP lên 13.000 đồng/CP. STB tăng 300 đồng/CP lên 17.800 đồng/CP. ACB tăng 200 đồng/CP lên 15.500 đồng/CP. MBB tăng 400 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP.

Theo VTC News