Máy bay Vietnam Airlines chảy dầu: Cảnh báo thật

ngày 30/10/2019

PGS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa, TP.HCM đánh giá, sự việc máy bay A321/VN-A604 của Vietnam Airlines bị chảy dầu nhiên liệu từ cánh phải của tàu bay được phát hiện tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa qua là sự việc nghiêm trọng.

Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họ a

Vị chuyên gia phân tích, theo miêu tả, sự cố chảy dầu nhiên liệu được phát hiện từ cánh phải của tàu bay khiến mặt sân bay lênh láng vệt dầu loang. Mặc dù, đây không phải sự cố kỹ thuật nghiêm trọng nhưng lại là lỗi nghiêm trọng trong vận hành, không được phép xảy ra trong khu vực bay vì nguy cơ gây cháy nổ rất lớn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo PGS Nguyễn Thiện Tống có thể là xảy ra trong quá trình bảo dưỡng, bảo trì, vận hành tàu bay mà nhân viên đã quên khóa van hoặc đóng van chưa chặt khi đổ nhiên liệu, khiến dầu nhiên liệu đã chảy ra.

"Cũng giống như một bình nước bị quên khóa van, nước sẽ chảy tới hết mới thôi.

Rất may vì máy bay đang được bảo dưỡng, bảo trì nên sự cố mới được phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu sự cố xảy ra mà không được phát hiện thì khi chảy ra cháy nổ sẽ có thể là một thảm họa rất nghiêm trọng", PGS Nguyễn Thiện Tống cảnh báo.

Đáng nói, sự cố trên cũng từng xảy ra với máy bay A321 của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hồi tháng 1/2019.

Vị chuyên gia cho rằng, những sự cố trên xảy ra rất dễ tạo những ấn tượng không hay, không tốt về một hãng hàng không quốc gia mà liên tục vướng vào những lùm xùm không mong muốn.

Từ câu chuyện vận chuyển hàng hóa của hành khách, khiến hàng hóa bị đổ vỡ, mất cắp, bị ném như hòn gạch, cho tới dầu nhiên liệu bị chảy tại sân bay... đều xuất phát từ vấn đề con người, nhân sự, văn hóa hàng không.

Nhắc lại sự cố xe thang của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam - VIAGS đâm thủng thân máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines hồi tháng 8 vừa qua và coi đây là một ví dụ về chất lượng điều hành có vấn đề, vị chuyên gia khẳng định, là do những con người thuộc ngành hàng không trong quá trình sửa chữa, vận hành đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra kỹ lưỡng mới dẫn tới những sự cố trên.

Do đó, khi sự cố xảy ra các cơ quan quản lý phải tiến hành thanh, kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, hậu quả, trên cơ sở đó xác địnhh rõ trách nhiệm của những người liên quan và phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Lấy từ câu chuyện có bôi trơn trong đào tạo phi công được báo chí nhắc nhiều trước đó, hay tiêu cực trong tuyển chọn nhân sự, nhồi nhét "con ông cháu cha" để nhấn mạnh vai trò của "con người" trong điều hành quản lý mang tính quyết định tới chất lượng, hiệu quả của ngành hàng không, PGS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh "con người" chính là căn nguyên khiến chất lượng điều hành trong lĩnh vực này thời gian qua không tốt.

Máy bay Vietnam Airlines chảy dầu lênh láng ở Tân Sơn Nhất

"Đào tạo phi công thì bị tố cáo có tiêu cực, tuyển dụng con người thì xuê xoa, dựa trên quan hệ, người thân mà chưa chú trọng tới chất lượng, chuyên môn... thì những sự cố như trên xảy ra là dễ hiểu " - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Nhìn từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải cải thiện chất lượng đào tạo, siết chặt khâu tuyển dụng nhân sự, nâng cao ý thức trách nhiệm trong điều hành quản lý, có như vậy mới nâng cao được chất lượng dịch vụ hàng không, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành hàng không Việt Nam.

"Vấn đề trách nhiệm phải được xử lý minh bạch, nghiêm khắc, ai sai phải xử lý, ai làm không được việc phải bị sa thải, có như vậy mới bảo đảm được công tác điều hành, quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tại các cảng hàng không Việt Nam", vị chuyên gia nhận định.


Nguồn: Báo Đất Việt