Làn sóng sa thải đã 'thức tỉnh' Thung lũng Silicon như thế...

ngày 10/01/2023

Nếu 2022 là năm kết thúc quãng thời gian tốt đẹp đối với các công ty công nghệ, thì năm 2023 sẽ định hình cho một giai đoạn khó khăn hơn nhiều đối với các 'đại gia' ở Thung lũng Silicon.

Làn sóng sa thải nhân sự chưa từng có ở Thung lũng Silicon (Ảnh: Ukteck)

Ngay trước Lễ Tạ ơn, Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã xác nhận nhiều bộ phận của gã khổng lồ thương mại điện tử đã bắt đầu sa thải nhân viên đồng thời sẽ cân nhắc về nhu cầu nhân sự trong năm mới.

Jassy cho biết, Amazon đang cắt giảm hơn 18.000 việc làm, gần gấp đôi so với con số 10.000 việc làm đã được báo cáo trước đó. Đây cũng là đợt sa thải kỷ lục từng được ghi nhận trong thời kỳ suy thoái.

Từ nửa cuối năm 2022, Amazon và một số công ty công nghệ khác đã bắt đầu việc ngưng tuyển dụng, đồng thời sa thải nhân viên.

Cùng ngày Amazon tuyên bố sa thải, công ty điện toán đám mây Salesforce cho biết đã cắt giảm khoảng 10% nhân viên –tương đương với con số có thể lên tới hàng nghìn người.

Nền tảng chia sẻ video Vimeo cũng tiết lộ 11% nhân sự hãng này cũng bị sa thải.

Đây là hệ quả tất yếu sau khi các công ty công nghệ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2022: lãi suất tăng cao, cạn kiệt nguồn tiền do chi phí đổ vào các dự án chưa sinh lợi nhưng vô cùng tốn kém, mức định giá công ty sụt giảm.

Nhu cầu với các dịch vụ kĩ thuật số bùng nổ trong thời kì đại dịch khiến các đợt tuyển dụng trở nên bận rộn. Và khi đại dịch được kiểm soát, nhu cầu làm việc trực tuyến giảm sút, các công ty công nghệ lại đối mặt với tình trạng thừa lao động.

Bước sang năm 2023, nỗi lo suy thoái kinh tế và những bất ổn kinh tế vẫn đè nặng lên tâm trí người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách, đồng thời việc tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên bị sa thải ngày càng tăng cũng có thể mang lại cho một số công ty công nghệ một số vỏ bọc để thực hiện các bước cắt giảm chi phí nghiêm ngặt hơn so với những gì họ có thể đã làm.

Mặc dù gần đây, lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng đã xuất hiện một số đợt sa thải. Nhiều dấu hiệu cho thấy, những đợt cắt giảm nhân sự cũng sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhưng tình hình ở Thung lũng Silicon vẫn hoàn toàn trái ngược với toàn bộ nền kinh tế.

Thung lũng Silicon 'thức tỉnh'

Báo cáo việc làm mới nhất của Bộ Lao động Mỹ vào tuần trước đã chỉ ra một năm tăng trưởng việc làm phi thường vào năm 2022, đánh dấu năm tốt thứ hai đối với thị trường lao động kể từ năm 1939.

Trong khi đó, một báo cáo riêng từ công ty cung cấp việc làm cho người thuê ngoài Challenger, Grey & Christmas cho thấy, tỷ lệ sa thải công nghệ đã tăng 649% vào năm 2022 so với năm trước, trong khi đó tỷ lệ cắt giảm việc làm chỉ tăng 13% trong toàn bộ nền kinh tế trong cùng kỳ.

Về phía Amazon, Jassy đã chỉ ra nhu cầu cắt giảm chi phí đáng kể tại Amazon là do “nền kinh tế không chắc chắn và chúng tôi đã tuyển dụng nhanh chóng trong vài năm qua”.

Những công ty công nghệ khác cũng lặp phải sai lầm tương tự và đã đưa ra các chính sách giải quyết khác nhau.

Trong một loạt lời xin lỗi được đưa ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon từ Mark Zuckerberg của Meta đến Marc Benioff của Salesforce đã đổ lỗi cho làn sóng cắt giảm việc làm là do họ đã hiểu sai về mức độ ảnh hưởng của nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ do đại dịch gây ra.

Patricia Campos-Medina, giám đốc điều hành của Viện Công nhân tại Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp của Đại học Cornell, đã chỉ trích hàng loạt lời nhận lỗi sai lầm này là “những lời xin lỗi suông” đối với những người lao động hiện đang phải trả giá cho những tính toán sai lầm của họ.

“Mặc dù sẽ có rất nhiều điều không chắc chắn trong ngắn hạn đối với những nhân sự công nghệ này, cũng như một tác động kinh tế lớn đến cuộc sống của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một lực lượng lao động rất lành nghề. Họ sẽ tìm ra cách để tham gia trở lại vào nền kinh tế", Campos-Medina nói.

Campos – Medina cũng đưa ra dự đoán, nhân sự chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ sẽ sớm quay trở lại - với một công việc ổn định và lâu dài.

Tuy nhiên, làn sóng sa thải chưa có điểm kết. Tuần trước, Dan Ives, một nhà phân tích tại Wedbush Securities cho biết, việc cắt giảm nhân sự ở Salesforce và Amazon “cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 khi lĩnh vực công nghệ điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu về ngành suy giảm trên thực tế.”

Ông bổ sung, ngành công nghiệp hiện đang buộc phải cắt giảm chi phí sau khi “tiêu tiền như những Ngôi sao nhạc rock năm 1980 để theo kịp nhu cầu”.

Và mặc dù thị trường lao động nói chung đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều lo ngại rằng tình trạng sa thải nhân viên công nghệ có thể lan rộng ra các lĩnh vực khác.

“Tôi nghĩ chúng ta đang nhìn thấy một sự thay đổi. Tốc độ tăng trưởng việc làm đang chậm lại và rất nhiều vụ sa thải công nghệ mà chúng ta đang nghe nói đến, tôi nghĩ sẽ bắt đầu hiện thực hóa trên toàn bộ nền kinh tế rộng lớn hơn vào cuối quý đầu tiên”, John Leer, nhà kinh tế trưởng tại Morning Consult, nói./.

Nguồn: viettimes.vn