Xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, để tái cơ cấu ngành ngân hàng, xử lý nợ xấu được triệt để, cần những hành động rất cụ thể của chính sách chứ không chỉ trên giấy.
"Hái thuốc trong vườn nhà" trị nợ xấu
Câu chuyện nợ xấu của ngành ngân hàng được nói đến nhiều trong thời gian qua, nhưng tốc độ xử lý nợ xấu dường như chưa được giải quyết như mong muốn.Vậy theo ông, xử lý nợ xấu hiện nay đang vướng điều gì?
Chúng ta không phủ nhận tác động của nợ xấu trong quá trình lan tỏa dòng vốn vào nền kinh tế. Nhưng không phải vì có một khối u trong cơ thể mà bệnh nhân không nuốt được nước cháo. Nói thế là không đúng. Cơ thể đó còn bị nhiều vấn đề khác nữa khiến bệnh nhân bị tê liệt chứ không phải chỉ vì khối u.
Nếu bệnh nhân có khối u mà tinh thần minh mẫn, vẫn điều khiển được hành động thì vẫn nuốt được nước cháo chứ. Chúng ta phải xem xét nợ xấu trong nền kinh tế theo hướng này.
Bất động sản nằm phơi mưa nắng lại là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu trong không ít ngân hàng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Về giải pháp, trước hết phải xử lý các vấn đề của ngành ngân hàng. Nhưng nói một cách công tâm, có những cái tự thân ngành ngân hàng phải làm, có những cái nền kinh tế phải làm, các bộ, ngành khác phải làm.
Chúng ta đang bàn tăng tổng cầu, bàn xử lý khối nợ xấu. Mà nợ xấu của hệ thống ngân hàng tuyệt đại đa số gắn liền với tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy, phải tạo sức cầu mới. Trước hết là thị trường bất động sản để tạo lan tỏa kéo thị trường tài chính chuyển động. Khi đó sẽ có những dòng vốn từ bên ngoài vào.
Cùng đó, phải sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Cần phải hành động cụ thể và nhanh chóng vì nền kinh tế này đã “mất máu” quá nhiều rồi. Việc nữa phải làm là kê thuốc cho thị trường bất động sản. Đó mới là cái đích quan trọng trong xử lý nợ xấu.
"Hệ thống ngân hàng không có sự chuyển động của thị trường bất động sản thì vấn đề của ngành ngân hàng còn lâu mới xử lý được". Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước |
Hệ thống ngân hàng không có sự chuyển động của thị trường bất động sản thì vấn đề của ngành ngân hàng còn lâu mới xử lý được. Trong khi chúng ta không có mấy chục tỷ đô la mua thuốc đặc trị để chữa bệnh thì ta phải dùng ngay những thứ thuốc nam hái trong vườn nhà trị bệnh. Vậy phải sửa ngay quy định pháp luật về bất động sản và đất đai, cho người nước ngoài nắm giữ nhiều hơn.
Nếu thị trường bất động sản chuyển động, tổng cầu sẽ được cải thiện và tăng trưởng GDP khả quan hơn nhiều. Tuy nhiên, đừng nhìn gỡ bất động sản là để cứu ngân hàng. Không phải.
Ở Việt Nam bất động sản gắn liền với từng gia đình, từng doanh nghiệp và những khoản vay cuối cùng ở ngành ngân hàng. Việc của chúng ta là phải lưu động hóa bất động sản. Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) đứng ra mua nợ xấu là một ý tưởng lưu động hóa nhưng là trên giấy.
Vấn đề thứ hai, là trách nhiệm của Nhà nước, phải xây dựng ngay thị trường mua bán nợ và hệ thống pháp luật phục vụ cho mua bán nợ để sau này khỏi đổ thừa nhau. Ta phải tính bài toán xử lý thị trường mua bán nợ như thế nào để tạo ra dòng tiền mới.
Đừng quá sợ lạm phát
Vậy ngoài những đầu việc đã nêu trên, cần có thêm các biện pháp hay hỗ trợ tài chính gì khác?
Nền kinh tế hiện nay cần tiếp các giải pháp tăng tổng cầu. Tổng cầu không tăng được rồi lúc nào đó lạm phát rơi vào mức thấp và chúng ta rơi vào suy thoái. Đừng quá sợ sệt lạm phát.
Nói gì thì nói Việt Nam vẫn phải theo đuổi con đường tăng trưởng kinh tế cao.Nhiều chuyên gia nói, kinh tế Việt Nam nghiện tăng trưởng nhưng thử hỏi không tăng trưởng có được không. Việt Nam phải chạy nhanh hơn các nước khác rất nhiều. Ta phải chạy nhanh hơn nhiều nhưng chạy phải cẩn thận và khéo léo trên đường gập ghềnh để không sập ổ gà.
Ngoài ra, trong lĩnh vực ngân hàng, cần kéo dài thời hạn trái phiếu VAMC từ 5 năm hiện nay lên 10 năm. Xử lý căn bệnh nợ xấu không nhanh được. Dục tốc bất đạt.Nợ xấu là căn bệnh khó chữa và muốn chữa cần có thời gian. Cần nuôi dưỡng các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tài chính để họ khỏe đã. Cơ thể có khỏe, mới chống chọi được với vi trùng nợ xấu. Tổ chức tín dụng có khỏe mới đủ sức tiếp nhận thuốc mạnh để chữa nợ xấu.
Hỗ trợ tài chính ở đây không phải Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa tiền ra mà là hỗ trợ thông qua chính sách. Cụ thể, cần giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí tài chính, giảm trích lập dự phòng. Nợ xấu đã xấu rồi vậy giờ cần thời gian để khắc phục nó một cách tương đối. Ta còn giảm thuế nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cơ mà. Nếu VAMC kéo dài thời gian trích lập dự phòng bắt buộc sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng rất nhiều.
NHNN cần tái cấp vốn với liều lượng nhiều hơn cho các tổ chức tín dụng. Có bơm ôxy thì họ mới thở được, mới có sức để hồi phục. Nếu cơ thể yếu mà chích thuốc liều cao quá thì có khi sốc thuốc mà chết.
Không tái cấp vốn thì tiền vẫn nằm trong NHNN. Khi bệnh nhân nhúc nhích ăn được thìa cháo thì họ sẽ có sức ăn được miếng cơm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu cần tiền tươi, thóc thật. Có thể xử lý được nợ xấu mà không cần tiền?
Hiện ta đang đụng tới lằn ranh: Tiền đâu để xử lý nợ xấu, để kích cầu. Giờ cứ “dọa” vay nợ để xử lý nợ xấu thì con cháu phải trả nợ. Nói thế thì không ai làm gì được.
Tôi xem tổng cầu nền kinh tế như hệ thống giao thông đang tắc nghẽn. Tín dụng ngân hàng như những chiếc xe trên đường. Giờ có 2 chuyện: Thủ tướng nói: “đưa tiền ra” tức là Thủ tướng giục chạy xe đi sao cứ đứng hoài thế .
Vấn đề là kẹt đường không nhúc nhích được. Vậy xe muốn chạy thì giao thông cũng phải nhúc nhích. Xử lý nợ xấu bằng vốn ngân sách đòi hỏi phải tính toán. Vấn đề hiện nay là nói hoài mà không làm.
Cũng cần xem lại quản lý nợ công. Nợ công là một vấn đề nhưng vấn đề trong xử lý nợ xấu là hiệu quả sử dụng vốn chứ không phải sợ đụng trần hay không đụng trần.
Phải tập trung vào vấn đề làm sao để đồng vốn đó được sử dụng hiệu quả, luật pháp phải thật sự nghiêm minh. Như Nhật Bản trần nợ công bằng 200% GDP mà họ có sao đâu. Vấn đề là sử dụng vốn hiệu quả.
Cảm ơn ông.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:Hoạt động của VAMC vẫn chưa hiệu quả Để hoạt động của Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) hiệu quả hơn, VAMC phải thay đổi trong cách tiếp cận nợ xấu, dứt khoát và xử lý nhanh các tài sản đảm bảo, đặc biệt là với bất động sản. Nhà nước phải trao quyền độc lập hơn cho VAMC. Hiện hoạt động của VAMC bị lệ thuộc rất lớn vào Ngân hàng Nhà nước. Lệ thuộc cả về cơ chế chính sách, đến nhân sự. Cùng đó, Nhà nước cần trao cơ chế đặc biệt cho VAMC để có thể xử lý nhanh các vướng mắc hiện nay. Việc tăng vốn điều lệ cho VAMC lên 2.000 tỷ đồng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nên cần phải tăng tiềm lực tài chính cho VAMC. Một giải pháp khác để tăng hiệu quả hoạt động của VAMC là phải tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ hiện nay. Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để mang lại luồng tiền sạch cho nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ. Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực:Chấp nhận thu hồi bạc lẻ Ở các nước, khi xử lý nợ xấu qua công ty mua bán nợ thì nguồn lực ít nhất cũng từ 0,5-2% tổng số nợ. Vì vậy cần nâng vốn điều lệ của VAMC lên gấp 4 lần. Trong thực tế, khi xử lý nợ xấu, nhiều nước chấp nhận việc bán nợ chỉ thu hồi được một phần vốn. Như ở Hàn Quốc, giá nợ xấu được bán ra chỉ đạt 40-50% so với giá trị sổ sách. Việt Nam mà phấn đấu được như Hàn Quốc cũng đã là rất tốt rồi. Đổi lại, các ngân hàng sẽ không còn phải nặng gánh với nợ xấu. TS Lê Đăng Doanh:Bao nhiêu "kho lá khô" trong nợ xấucủa các ngân hàng? Câu chuyện một doanh nghiệp ở Hà Nội mới đây bị 7 ngân hàng siết nợ kho cà phê là vấn đề đáng nói trong quản lý hoạt động của các ngân hàng . Với kho cà phê này, doanh nghiệp đã đem cùng lúc thế chấp được ở 7 ngân hàng để vay mỗi ngân hàng 100 tỷ đồng. Đến khi siết nợ, các ngân hàng mới ngã ngửa khi biết kho cà phê được đem thế chấp chỉ là một kho toàn lá với cỏ khô. Với “kho lá khô” này mà doanh nghiệp rút được 700 tỷ đồng từ các ngân hàng.Vậy không rõ trong số 74.000 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua có bao nhiêu kho lá khô tương tự? Phó Thống đốc NHNN, Nguyễn Thị Hồng:Cần thêm nhiều thời gian Trong bối cảnh không có ngân sách cho xử lý nợ xấu, VAMC rõ ràng cần có thời gian. Một năm qua, NHNN chỉ đạo VAMC và các đơn vị phản ánh các vướng mắc để tìm giải pháp, NHNN đang tập hợp để chỉnh sửa Nghị định 53 về xử lý nợ xấu. Trong điều hành, NHNN không chỉ xử lý nợ xấu mà còn phải bám sát kiểm soát hệ thống, an toàn vĩ mô. Có rất nhiều “gánh nặng” mà NHNN phải xử lý chính sách như nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 67 về hỗ trợ thủy sản, gói 30 nghìn tỷ cần hỗ trợ từ tái cấp vốn của Nhà nước. Việc tái cấp vốn như thế nào để đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Để xử lý triệt để nợ xấu, chúng ta cần phải có thêm rất nhiều thời gian, đặc biệt là nguồn lực. Ở các nước họ chấp nhận chi từ 10%-20% GDP để xử lý nợ xấu. P.T |
{fcomment}
-
Vinalines sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ
-
Ông John McCain ủng hộ bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
-
Gói 120.000 tỷ sẽ tác động gì đến thị trường địa ốc?
-
Đại gia xây biệt thự miễn phí cho... hàng xóm
-
BMW sẽ mang BMW M6 Competition Edition tới Frankfurt Motor Show 2015
-
`Gái quê` Lê Thị Phương kết hôn lần hai
-
Dân chơi Cần Thơ chào giá Vespa 946 Christian Dior đến hơn 1 tỷ đồng
-
5 công ty khởi nghiệp làm thay đổi cả thế giới
-
Shayne Ward điển trai "đốn tim" fan Việt
-
Người dân sẽ được nhắn tin tiền điện vào 20 hàng tháng