Khủng hoảng nhân lực phần mềm

ngày 08/06/2016

Doanh nghiệp ngành phần mềm tại Việt Nam đang đau đầu với tình trạng thiếu nhân sự cho nhiều dự án.

Vài năm gần đây, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, doanh thu tăng vọt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn khi tuyển dụng nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Rất nhiều DN đã kiến nghị xem lại quy trình đào tạo cũng như có giải pháp nhanh chóng tăng cường nguồn nhân lực cho ngành phần mềm.

Quá khó tuyển dụng

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết: “Nhu cầu nhân lực hằng năm mà QTSC cần thêm là khoảng 20%-25%, trong khi nguồn cung chỉ đạt

7%-8%. Doanh số tích lũy 15 năm qua của QTSC đạt hơn 20.000 tỉ đồng, chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015 đã chiếm hơn 15.000 tỉ đồng. Thị trường ngày càng lớn nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực càng cao nhưng tình trạng nhân lực cung không đủ cầu khiến các DN rất khó khăn để phát triển, chỉ chiếm được “miếng bánh” rất nhỏ trong thị trường gia công phần mềm”.

Theo ông Long, suốt nhiều năm, các DN tại QTSC đều không tuyển đủ nhân lực theo kế hoạch. Điều đó đã tác động rất lớn đến cơ hội đang có của ngành phần mềm.

Khủng hoảng nhân lực phần mềm - 1

Nhân viên làm phần mềm tại QTSCẢnh: QTSC

Ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc Công ty Global CyberSoft, nêu thực trạng: “Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều kỹ sư phần mềm đáp ứng được nhu cầu với mức lương khi vào làm việc là 15-20 triệu đồng nhưng chỉ tuyển được rất ít, trong khi nhiều người khác thì khả năng không tương xứng với mức lương này. Thêm vào đó, tình trạng nhảy việc để tìm mức lương cao hơn thường xuyên xảy ra nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc bảo đảm nhân lực cho quy trình hoạt động”.

Theo đại diện một công ty phần mềm tại TP HCM, trước đây, mỗi năm DN này chỉ tuyển khoảng 10 người. Năm nay, do doanh thu tăng cao, nhu cầu từ khách hàng - nhất là khách hàng lớn - tăng vọt nên DN cần khoảng 50 nhân sự, trong đó hơn một nửa phải đạt chất lượng cao.

“Mức lương tháng chúng tôi trả cho nhân sự phần mềm có 3 năm kinh nghiệm là khoảng 10-15 triệu đồng, sinh viên ra trường 6-8 triệu đồng, còn kỹ sư cấp cao có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, đến giờ, chúng tôi chỉ tìm được chưa đến 10 nhân sự chất lượng cao” - ông băn khoăn.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, cho biết: “Từ nay đến năm 2018, chúng tôi cần tuyển khoảng 9.000 người/năm. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) có trình độ ngoại ngữ có thể tuyển dụng đến năm 2018 chỉ vào khoảng 3.000-4.000 em. Như vậy, rất khó tuyển được đủ số lượng, chưa kể để tìm được nhân lực giỏi thì còn khó hơn. Nhân lực đào tạo ở Việt Nam quá ít so với nhu cầu; bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển, FPT Software đã phải chủ động tuyển chọn nhân lực ở nước ngoài”.

Theo ông Tiến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự là số lượng đào tạo còn ít, sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm và chất lượng không đáp ứng nhu cầu.

Cần giải quyết khâu đào tạo

Nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam rơi vào nhóm kỹ sư chất lượng cao có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên, tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tốt. Thực tế, với những yêu cầu như vậy, các công ty vẫn khó tuyển người.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng khâu đào tạo sinh viên CNTT vướng nhiều bất cập. DN đang thiếu trầm trọng nhân sự nhưng nhiều sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Lý do là các trường đào tạo tràn lan ngành CNTT dẫn đến chất lượng sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của DN. QTSC phải tốn chi phí không nhỏ để đào tạo lại những nhân viên đã tuyển dụng từ các trường.

“Nhiều trường còn “từ chối” làm việc với các DN phần mềm khi được đặt vấn đề đào tạo giúp nhân lực. Tôi cho rằng nên nới rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có truyền thống đào tạo tốt, hạn chế chỉ tiêu ở các trường kém chất lượng” - ông Long đề xuất.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần quy hoạch lại việc đào tạo nhân lực CNTT từ bậc ĐH, CĐ cho đến các trường nghề để tăng quy mô nhân lực mỗi năm lên 30%. Có như vậy mới có thể theo kịp đà phát triển chung của ngành phần mềm và DN mới bắt được cơ hội làm ăn với nhiều đối tác nước ngoài đang tìm đến Việt Nam.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng cần đào tạo văn bằng 2 CNTT cho những cử nhân học trái ngành, đào tạo CNTT bằng tiếng Nhật. Bên cạnh đó, nhà nước nên dành mỗi năm khoảng 12 triệu USD để đầu tư đào tạo thêm 1.000 kỹ sư CNTT giỏi tiếng Nhật nhằm bổ sung nguồn lực đang thiếu hụt.

Trong chuyến thăm và làm việc tại QTSC mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu QTSC phải nhanh chóng tìm giải pháp, cơ chế “ràng buộc” với các trường ĐH, CĐ để bảo đảm nguồn cung nhân lực. Theo đó, QTSC phải đưa ra giải pháp “đôi bên cùng lợi” với các trường ĐH, CĐ, DN nếu hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cho QTSC; khuyến khích DN làm phần mềm đưa các chuyên gia đến hợp tác với các trường ĐH, CĐ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo động đỏ

Theo khảo sát của FPT Soft, tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT đã đến mức báo động đỏ. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức mỗi năm thiếu 80.000 người.

Trong khi đó, mỗi năm, các trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành liên quan đến CNTT. Tuy nhiên, số sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu của DN không nhiều, nhất là những người có khả năng làm việc tại nước ngoài cũng như tại các DN nước ngoài đóng tại Việt Nam.

Nguồn 24h