Những điểm khác biệt ở mùa tuyển sinh 2021

ngày 31/12/2020

Xu hướng nổi bật trong dự kiến tuyển sinh của nhiều trường đại học trong năm 2021 là xét tuyển kết hợp các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế.

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến năm 2021 sẽ vẫn giữ 3 phương thức tuyển sinh chính: xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển dựa trên bài thi tư duy của riêng trường này.

Theo đó, các chứng chỉ quốc tế sẽ được áp dụng rộng rãi hơn trong phương thức xét tuyển tài năng. Cụ thể, trường ĐH Bách Khoa HN sẽ xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh và các ngành thuộc khối Kinh tế Quản lý đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Đây là điểm mới vì năm 2020 điều kiện chứng chỉ này chỉ giới hạn ở các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh.

Trường ĐHBK Hà Nội cũng tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, các thí sinh có chứng chỉ quốc tế vẫn phải lưu ý điều kiện sơ tuyển của trường.

Ví dụ phương thức xét tuyển tài năng cần điều kiện học bạ từng năm học lớp 10,11, 12 từ 8.0 trở lên. Còn các phương thức khác cũng cần điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp xét tuyển hoặc tổ hợp sơ tuyển từ 7.0 trở lên.

Rút kinh nghiệm từ việc xét tuyển năm 2020, PGS Trần Trung Kiên cho biết, sẽ tăng cường truyền thông và các biện pháp kỹ thuật để không còn tình trạng thí sinh nhập học mới biết mình không đủ điều kiện về hồ sơ học bạ.

PGS-TS Trần Trung Kiên,Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Giữ ổn định như năm 2020, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Ngoại thương cũng sẽ dành đến 50% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác vào năm 2021. Trong đó, nhiều chứng chỉ quốc tế được coi là thành phần để xét tuyển kết hợp.

GS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Ngoại thương cho biết, trường sẽ xét kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả học tập 2 môn trong thời gian thí sinh học THPT. Hai môn đó sẽ là Toán-Lý, Toán-Hóa hoặc Toán- Văn.

Một phương thức nữa là xét kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 môn, 2hai môn đó là Toán-Lý, Toán- Hóa hoặc Toán- Văn.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Thị Hiền, chứng chỉ ngoại ngữ cũng phải tương ứng với các ngành học mà thí sinh đăng ký. Chứng chỉ đối với các ngành sử dụng tiếng Anh thì phải là các chứng chỉ tiếng Anh và tương ứng các ngành sử dụng các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, Pháp, Nhật sẽ là chứng chỉ tiếng Trung, Pháp, tiếng Nhật…

Ngoài ra, trường cũng xét kết hợp 2 chứng chỉ quốc tế cùng lúc như chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với chứng chỉ đánh giá năng lực SAT, ACT mà không cần xét đến điểm thi tốt nghiệp THPT hay kết quả học bạ. Cách xét tuyển này cũng giống như các trường của Mỹ.

3 đại học top đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực

Năm 2021 cũng sẽ có thêm các kỳ thi đánh giá năng lực của 3 “ông lớn”. Đó là ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học QG Hà Nội và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức trở lại kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2021. Trước đây, vào năm 2015 và 2016, đại học này đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với cách thức thi hoàn toàn trên máy tính với nhiều đợt trong năm.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021 sẽ có điểm mới là thêm một mục đích phục vụ thí sinh. Ngoài mục đích là xác định năng lực của học sinh THPT đồng thời phục vụ xét tuyển đầu vào đại học, kỳ thi sẽ có thêm mục tiêu phân tích đánh giá năng lực, định hướng nghề nghiệp cho các em.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội, dựa trên kết quả thi, học sinh sẽ được khuyến cáo là em có năng lực tốt đối với các ngành nghề bậc trung cấp hay bậc cao đẳng, có sở trường về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay là đánh giá về tư duy nghệ thuật, văn hóa… Đó là điều kiện để em định hướng nghề nghiệp một cách khoa học thay vì các em chọn cảm tính.

Thí sinh cũng vẫn sẽ thi 100% trên máy tính. Thời gian dự kiến sẽ có nhiều đợt, chủ yếu vào đầu tháng 5 và nửa đầu tháng 6. Tháng 7, tháng 8 và tháng 10 có các đợt. Tổng quy mô kỳ thi phục vụ khoảng 10.000 thí sinh.

GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, đã có một số trường tỏ ra quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. “Nếu như các trường đại học ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội mong muốn chúng tôi chia sẻ về nguồn lực dữ liệu về kết quả, chúng tôi sẵn sàng để làm sao phục vụ cộng đồng tốt nhất.”-GS-TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Năm 2021, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đã ra đời vào năm 2020. Tuy nhiên, so với năm 2020, theo PGS-TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh của trường, kỳ thi này có một số điểm mới, đầu tiên có thể kể đến là độ dài của bài thi tăng từ 120 lên 180 phút. Ngoài phần Toán và đọc hiểu, kỳ thi có thêm phần tự chọn. Thí sinh có thể chọn tổ hợp là Lý- Hóa hoặc là Hóa-Sinh hoặc tiếng Anh đi để tăng khả năng xét tuyển vào các khối, các nhóm ngành.

Kỳ thi này sẽ được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại 3 địa điểm thi của miền Bắc. Thay vì chỉ dùng để xét tuyển vào một vài ngành, năm nay, trường ĐH Bách Khoa dự tính sẽ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực riêng xét tuyển tất cả các ngành. Chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này sẽ chiếm 30-40% tổng chỉ tiêu toàn trường.

“Gọi là xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, phương thức xét tuyển riêng nhưng vẫn sẽ xét tuyển cùng với hệ thống của Bộ GD&ĐT. Ví dụ, các em đăng kí ngành CNTT khối A0, A1 thì có thể đăng kí thêm khối A19 tức là kỳ thi năng lực…”- PGS-TS Trần Trung Kiên giải thích thêm.

PGS.TS Trần Trung Kiên, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, một số trường đủ năng lực tổ chức kỳ thi riêng sẽ giảm bớt đi gánh nặng cho hệ thống. Nếu kỳ thi có chất lượng rất có thể phát triển thành những chuẩn được sử dụng chung trong nước hoặc là tiến tới là chuẩn trong khu vực.

Được biết, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2021. Theo đó, kỳ thi này sẽ được tổ chức hai đợt: đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3/2021 và đợt 2 diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7/2021.

Tuy nhiên, thí sinh cả nước có thể yên tâm vì quy mô 3 kỳ thi của 3 cơ sở giáo dục đại học này cũng chỉ dưới 10.000 thí sinh nên sẽ không ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn được tất cả các trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào./.


Nguồn: VOV