Khủng hoảng eurozone sẽ kéo dài thêm 20 năm nữa?

ngày 09/07/2012

 

Theo tờ Financial Times, hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua là một bước tiến lớn nhưng lại đi chệch hướng. Châu Âu sẽ phải mất 20 năm nữa để có thể thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 vừa qua được coi là bước ngoặt quan trọng trong giải quyết khủng hoảng nợ ở eurozone với một loạt quyết định đột phá. Tuy nhiên, hiệu ứng mà nó đem lại chỉ kéo dài chưa đến một tuần. Lợi suất trái phiếu Italia và Tây Ban Nha lại quay trở lại mức kỷ lục được lập trước khi hội nghị diễn ra. 
oEUROZONEUNEMPLOYMENT570090720129
 
Theo nhận định của tác giả bài báo trên Financial Times, hội nghị thượng đỉnh vừa qua là một bước tiến lớn nhưng lại bị chệch hướng. Các giải pháp đưa ra đều phụ thuộc vào các lời hứa về tương lai vốn là những điều rất khó đạt được và thậm chí sẽ gây nên những thất bại to lớn.  
 
Châu Âu đã nhất trí chỉ liên minh ngân hàng đầy đủ được thành lập thì kế hoạch tái cấu trúc chung cho các ngân hàng mới được thông qua. Tuy nhiên, liên minh ngân hàng chưa thể ra đời khi chưa có liên minh chính trị. Như vậy, theo suy luận logic, khủng hoảng chưa thể được giải quyết được trong vòng 20 năm tới.
 
Chúng ta đều biết rằng Đức không bao giờ đồng ý kế hoạch bảo hiềm tiền gửi chung. Thậm chí, Đức cũng không coi Quỹ bình ổn châu Âu (ESM) là một ngân hàng. Đây chỉ là những điều cần thiết tối thiểu mà Đức không thể làm được. Liên minh chính trị chỉ là lời hứa hão huyền "như một kẻ nghiện rượu hứa sẽ bỏ rượu" trong 5 năm tới. 
 
Trong khi đó, Đức vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người dân trong nước. Một nhóm gồm 160 chuyên gia kinh tế được dẫn đầu bởi vị giám đốc nổi tiếng của Viện kinh tế Ifo đã gửi thư tới Thủ tướng Angela Merkel để phản đối kế hoạch liên minh ngân hàng. Kế hoạch này đưa ra những điều kiện mà người Đức không bao giờ chấp nhận: cơ chế giám sát và điều hành chung, quỹ tái cấu trúc chung và hệ thống bảo hiểm tiền gửi chung. Nếu được người Đức thông qua đi chăng nữa, phải mất nhiều năm để điều này có thể trở thành hiện thực. Đồng thời, nếu được hoàn thành một cách xuất sắc, các hiệp ước của Liên minh châu Âu cũng như vai trò của ECB sẽ bị thay đổi hoàn toàn.
 
Với mức lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vượt quá 6%, cả Italia và Tây Ban Nha đều sẽ không thể trụ nổi ở eurozone. Giờ đây, các nước châu Âu chỉ còn lại 2 sự lựa chọn. Họ có thể kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi tình hình trở nên sáng sủa hơn và đây chính là điều mà EC đang làm. Một lựa chọn khác là các nước có thể bắt đầu chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, rất khó để có thể rời khỏi eurozone mà không vi phạm hàng trăm luật lệ gồm cả luật quốc gia và luật của toàn bộ châu Âu. Hơn nữa, châu Âu đã mất tới 1 thập kỷ để tạo ra đồng euro do đó không thể đảo ngược quá trình này trong chốc lát. 
 
Minh Anh

Theo TTVN/FT