Không cẩn thận, dễ mắc bệnh trong thời tiết ẩm ướt

ngày 26/03/2015

Nền nhiệt độ ẩm thấp kèm mưa phùn kéo dài tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da ở cả trẻ em và người lớn.
 
 
Viêm đường hô hấp:
 
Trời nồm với độ ẩm cao thường tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không gian.
 
Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc phải các căn bệnh đường hô hấp. Các căn bệnh hô hấp dễ mắc khi trời nồm thường gặp phải là dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp...
 
Các căn bệnh này rất nguy hiểm bởi có thể trở thành mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vì thế, các bạn cần tự bảo vệ mình trước các tác nhân gây bệnh.
 
Để phòng tránh các căn bệnh đường hô hấp, các bạn cần giữ ấm cho cơ thể, đeo khẩu trang khi đi đường và đến chỗ đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cường uống nước để nâng cao sức đề kháng đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi... Khi có biểu hiện mắc bệnh, các bạn cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
Viêm đường hô hấp là căn bệnh bạn rất dễ bị nhiễm khi thời tiết ẩm ướt, độ ẩm tăng cao. (Ảnh:internet)
Cúm gia cầm:
 
Trời nồm của mùa xuân thường là thời điểm mà dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết như vậy làm cho các virus gây bệnh dễ dàng phát triển và sinh sôi.
 
Khả năng lây lan của căn bệnh này là rất cao, thậm chí có thể trở thành dịch. Cúm gia cầm thường rất dễ mắc phải, nhất là những người có sức đề kháng yếu. Nó có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
 
Vì vậy, chúng ta cần chú ý trong khâu phòng tránh bằng cách không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những nơi đang có dịch, bảo vệ cơ thể, giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao khả năng kháng bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và đến chỗ đông người...
 
Đặc biệt, nếu đang ở trong vùng dịch, các bạn nên khử trùng đồ đạc, nhà cửa bằng dung dịch chuyên dụng theo chỉ dẫn của các chuyên gia y tế.
 
Viêm da dị ứng:
 
Trời nồm thường khiến cho làn da trở nên ẩm ướt và tiết nhiều dầu hơn. Không những thế, độ ẩm không khí cao còn khiến cho các vi khuẩn, bụi bẩm xâm nhập và phát triển, từ đó gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm về da như viêm da, dị ứng, viêm kết mạc...
 
Để phòng ngừa viêm da dị ứng các bạn cần: Thường xuyên dọn nhà, lau nhà, dọn dẹp giường chiếu để loại bỏ bụi bẩn. Chú ý không tiếp xúc nhiều với vật nuôi để tránh hít phải lông gây bệnh viêm da dị ứng. Phơi quần áo, giặt chăn màn dưới nắng ráo để tránh ẩm mốc.
 
Ngoài ra, hạn chế một số gia vị như ớt cay, hạt tiêu… cũng là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng hiệu quả.
 
Thủy đậu:
 
Thủy đậu là một căn bệnh nguy hiểm do virus Varicella Zoster gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa, sau đó chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5 – 7 ngày. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm ướt, khi chúng ta tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả qua đường hô hấp.
 
Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, chúng mình có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não...
 
Cách tốt nhất là hãy phòng chống thủy đậu ngay từ đầu bằng biện pháp tiêm chủng ngừa bệnh và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả quần áo, đồ đạc... của người mắc bệnh.
 
Bệnh sởi:
 
Sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ em và là bệnh lành tính. Bệnh thường gặp nhất vào cuối đông và mùa xuân vì thời điểm này độ ẩm tăng cao, không khí ẩm mốc, vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở.
 
Sởi là bệnh rất dễ điều trị, có thể tự khỏi nhưng nếu không chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến tử vong ở những trẻ dưới 5 tuổi. Những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao là những trẻ có thể trạng yếu, sinh non, không được tiêm phòng ngừa vắc xin đầy đủ.
 
Do đó để phòng ngừa bệnh sởi cần cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng ngừa, bổ sung dầy đủ dưỡng chất, phòng tránh những nơi có nguồn bệnh, luôn đảm bảo trẻ được sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, trong lành.
Bệnh sởi thường gặp nhất vào cuối đông và mùa xuân vì thời điểm này độ ẩm tăng cao, không khí ẩm mốc, vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở. (Ảnh internet)
Tiêu chảy cấp:
 
Tiêu chảy cấp là căn bệnh do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota. Bệnh tiêu chảy do virus Rota có thể gặp quanh năm, nhưng dày đặc nhất là trong mùa ẩm.
 
Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời gây mất nước nặng, rối loạn điện giải có thể tử vong.
 
Viêm nhiễm vùng kín:
 
Độ ẩm cao khi trời nồm sẽ khiến cho quần áo luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nó tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, các vi khuẩn và virus gây bệnh gia tăng. Điều này dễ khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh vùng kín, viêm nhiễm "cô bé" hoặc "cậu bé".
 
Các căn bệnh viêm nhiễm này không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, mà nó còn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến vùng kín, thậm chí còn có thể dẫn tới vô sinh.
 
Để phòng tránh, các bạn cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đồng thời phơi hoặc sấy khô quần áo, nhất là đồ lót để ngăn ngừa khả năng gây bệnh của vi khuẩn nhé!
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.(Ảnh internet)
Mách bạn vài cách để tăng sức đề kháng trong những ngày mùa xuân mưa nồm, ẩm ướt như sau:
 
– Luôn uống đủ nước.
 
– Giữ ấm bàn chân – nơi rất nhạy cảm với môi trường bởi bị lạnh là ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy nhớ đi tất, giầy ấm. Trước khi đi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trong nước ấm, rồi lau (hoặc sấy khô) ngừa cảm lạnh, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
 
– Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt.
 
- Luôn giữ gìn vệ sinh khu vực nhàở, làm việc khô thoáng,sạch sẽ; dọn dẹp thường xuyênđể ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.

Nguồn VTC News