Hàng Việt xuất ngoại: Không có thị trường nào dễ tính

ngày 08/09/2020

Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU.

Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU.

Thu triệu USD/tháng từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau quả, đã bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp “lội ngược dòng”, với những đơn hàng xuất khẩu đều đặn sang các thị trường khó tính.

“Chúng tôi vẫn đang xuất khẩu 30 container sầu riêng đông lạnh và 22 container dừa xiêm sang thị trường Mỹ mỗi tháng và rất vui là phản ứng thị trường tốt, bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm chung tại các thị trường khác”, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho biết.

Chỉ tính riêng doanh thu xuất đi Mỹ từ 2 mặt hàng trên cũng mang lại con số đáng kể, với khoảng 1,8 triệu USD/tháng. Điều lớn lao hơn mà Vina T&T làm được là đưa dừa Việt cạnh tranh được với dừa Thái trên đất Mỹ và ngày càng khẳng định được vị thế sản phẩm bằng chất lượng và uy tín.

Là một trong 15 doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ từ chục năm nay, Vina T&T đã có hướng đi khá bài bản cho việc xuất khẩu sang những thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

Đến nay, toàn bộ các mặt hàng trái cây xuất khẩu của Công ty đều có “giấy thông hành” HACCP, GlobalGAP, được theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt từ vùng trồng đến lúc đóng gói và khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc trái cây từ vùng trồng đến lúc thu hoạch, đảm bảo đầu ra là trái cây sạch, tươi và ngon nhất.

Ông Tùng cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh là điều không tránh khỏi, nhưng trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã có những sáng kiến để thích nghi, như ngoài xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ, Australia, EU, Công ty cũng đã triển khai cấp đông thêm một số sản phẩm trái cây tươi để xuất khẩu thuận tiện, tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn. Đó là câu trả lời cho việc xuất khẩu trái cây tươi và hàng đông lạnh sang Mỹ, Canada và Australia tăng mạnh.

Để bất kỳ mặt hàng nào xuất khẩu sang được sang Mỹ, EU, Australia, Canada, Nhật Bản…, đặc biệt là nông sản, điều đầu tiên là phải đáp ứng được tất cả các quy định chung của nước nhập khẩu.

Cũng trong mảng nông sản, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) chia sẻ về hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng châu Âu. Hai loại gạo thơm được Trung An xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn. Mấy ngày cuối tháng 8/2020, Công ty đã xuất 150 tấn gạo trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU.

Điều rất có ý nghĩa là gạo Việt chất lượng cao cấp bước vào thị trường đẳng cấp, với giá trị cao hơn.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết, đây không phải lần đầu tiên, doanh nghiệp xuất hàng sang EU, nhưng dấu ấn đặc biệt ở chỗ, đây là lô gạo đầu tiên kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và được bán với thuế suất 0%.

Để được thị trường EU chấp nhận, theo ông Bình, sản phẩm gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tương đương, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có chất lượng thơm ngon.

Không có thị trường nào dễ tính

Để bất kỳ mặt hàng nào xuất khẩu sang được sang Mỹ, EU, Australia, Canada, Nhật Bản…, đặc biệt là nông sản, điều đầu tiên là phải đáp ứng được tất cả các quy định chung của nước nhập khẩu đặt ra, sau đó là đáp ứng những tiêu chuẩn riêng của doanh nghiệp nhập khẩu.

Bởi vậy, trong tư duy của những doanh nghiệp như Trung An hay Vina T&T, thì không có thị trường nào dễ tính. Chỉ khi doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản ngay từ đầu, xác định sản xuất đạt tiêu chuẩn cao nhất, thì mới có thể yên tâm về thị trường tiêu thụ.

Sau khi chinh phục được Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, tháng 7/2020, sản phẩm nước mắm, mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Thanh Hóa) đã xuất khẩu thành công sang Đài Loan - một thị trường không dễ tiếp cận.

“Để có được lô hàng xuất khẩu thành công đó, Công ty đã phải trải qua hàng năm trời gửi mẫu kiểm nghiệm, thỏa mãn các yêu cầu từ đối tác Đài Loan”, ông Lê Anh, CEO của Lê Gia cho biết.

Nói về lô hàng xuất khẩu vừa rồi, ông Lê Anh chia sẻ, đơn hàng có giá trị không lớn, nhưng rất có ý nghĩa, bởi cộng đồng người Việt tại Đài Loan khá đông đảo và người dân Đài Loan cũng có thói quen dùng nước chấm như Việt Nam.

Quan điểm chinh phục thị trường khó bằng sản phẩm cấp cao, không ngại tìm hiểu, “gõ cửa” các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài nước để hỏi kỹ các tiêu quy chuẩn cụ thể với từng thị trường để thỏa mãn yêu cầu dù là khắt khe nhất được ông Phạm Thái Bình nhìn nhận là con đường tất yếu của doanh nghiệp Việt, nếu muốn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa của mình.

Lấy ví dụ trong ngành gạo, ông Bình nói: “Việc gạo Việt Nam chinh phục được thị trường EU không chỉ tận dụng được cơ hội từ EVFTA, mà còn như “lệnh bài”, giúp thâm nhập các thị trường khác tốt hơn. EU là thị trường có đòi hỏi khắt khe với nông sản, trong đó, các lô hàng xuất khẩu phải đồng đều, không được trồi sụt “phong độ”; nếu không, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất cơ hội của mình.

Nguồn: Báo ĐTCK