Số dự án yêu cầu đầu tư vào Việt Nam thông qua Acuity Funding, hãng tài chính đã thu xếp 5 tỷ USD vốn ở Việt Nam, đã tăng 300% trong tháng qua.
"Tháng 2 chỉ có 6 dự án yêu cầu tài trợ vốn thì đến tháng 3 đã tăng lên 20", ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Acuity Funding, thông tin.
Acuity Funding thuộc Công ty tài chính Berhero (Australia), hoạt động như một ngân hàng đầu tư toàn cầu, được ủy thác bởi các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, tổ chức bảo hiểm tại Anh, Mỹ và Australia. Họ hoạt động ở Việt Nam được 3 năm và đã sắp xếp 5 tỷ USD vốn (thông qua cho vay và đầu tư).
Số tiền này chủ yếu bơm vào các dự án lớn như khu dân cư quy mô 150-750 triệu USD, dự án bất động sản phức hợp từ 500 triệu USD, cơ sở hạ tầng từ 150 đến 1,5 tỷ USD. Ông Ranjit Thambyrajah lý giải sức hút lớn với dòng vốn ngoại những tháng gần đây một phần do những tài sản hấp dẫn không xuất hiện trong điều kiện bình thường.
Đơn cử là một số nhà đầu tư ngoại đã có tín hiệu quay lại thị trường bất động sản. "Một số khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam đang tìm cách mua lại các dự án phát triển đắc địa mà chỉ được rao bán do sự khó khăn của thị trường trái phiếu", người đứng đầu Acuity nói.
Tháng qua trên thị trường đã xuất hiện các các thương vụ rót vốn ngoại tỷ USD. Ví dụ như hôm 27/3, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trở thành cổ đông chiến lược của VPBank sau khi chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần nhà băng này.
Reuters cho hay Tập đoàn CapitaLand của Singapore đang đàm phán để mua lại một số dự án của Vinhomes, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD. Trước đó, vào 8/3, VinaCapital đã ký ghi nhớ với Tập đoàn Ryobi (Nhật Bản) về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và năng lượng ở Việt Nam.
Ông Ranjit nói đang nhận nhiều yêu cầu tài trợ dự án từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Âu, Mỹ và châu Phi. "Trong số các thị trường đó, Việt Nam đang khát vốn nhất, đặc biệt khi so sánh với các nước láng giềng APEC do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế", vị chuyên gia nói.
Hãng tài chính Australia đang thu xếp 20 tỷ USD vốn cho khu vực, trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường "rất khả quan", dự kiến trên dưới 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, dòng tiền vào Việt Nam cũng sẽ không hoàn toàn thuận lợi. Thị trường vốn quốc tế đang có nhiều biến động, nhất là sau đợt khủng hoảng ngân hàng Mỹ và Credit Suisse bán mình. Ông Ranjit dự báo Việt Nam có thể chịu 3 tác động.
Một là sự bấp bênh của trái phiếu và các khoản tài trợ mà Credit Suisse đã thu xếp cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hai là nguồn vốn từ các ngân hàng đầu tư toàn cầu có thể giảm do tái cơ cấu nội bộ và thắt chặt chính sách để đối phó khủng hoảng. Ba là niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và tài sản rủi ro.
Vì vậy, bài toán lúc này cho các nhà phát triển và nhà đầu tư là phải chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế an toàn. Theo ông Ranjit, Việt Nam tương đối mới với thị trường vốn quốc tế và ít kinh nghiệm hơn các thị trường vốn ở nền kinh tế tiên tiến. Các quy định của chính phủ với khoản vay và đầu tư nước ngoài đã được cải thiện gần đây nhưng ông nói "nó cần tốt hơn nữa".
Nguồn: VnExpress
-
Độc chiêu chụp ảnh "tự sướng" của dân chơi độc thân
-
Uống nhầm nước tro tàu, bé gái 4 tuổi bị bỏng thực quản
-
3 nguyên tắc chọn son bạn không bao giờ được quên
-
Jennifer Phạm tất bật phụ giúp chồng
-
Lan tỏa dòng tiền đến doanh nghiệp
-
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu có thể 'vỡ trận'
-
Lợi ích khi ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày
-
Kinh doanh BĐS ở VN phải lãi gấp 5 Singapore
-
Kia K9 2022 lộ diện nội thất, thiết kế đậm chất tương lai
-
Hàng loạt dự án bất động sản nghìn tỷ về tay chủ mới