Hà Tĩnh: Tận dụng đất bỏ hoang, trồng khoai lang đỏ, 'ẵm' hàng trăm triệu/vụ

ngày 26/10/2019

Về xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) đúng vào dịp người dân đang thu hoạch khoai lang đỏ trên vùng đất cát hoang hóa.

Vùng đất này có diện tích hơn 18 ha, nằm cách bờ sông Lam khoảng chừng hơn trăm mét. Trước đây, hàng trăm xã viên của HTX Hồng Phúc được chia đất để trồng dưa hấu nhưng không mang lại hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm. Sau này, 3 hộ dân ở thôn 7, xã Xuân Hồng đứng ra nhận thuê lại diện tích trên để trồng khoai lang đỏ giống truyền thống.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán giữa cái nắng đầu chiều, anh Cao Đình Toán – một hộ trồng khoai cho biết: "Sau khi tiếp nhận 6 ha đất cát hoang hóa, tôi nghĩ chỉ trồng được các loại cây lâu năm như bạch đàn, phi lau... chứ không có loại cây gì phù hợp trên mảnh đất này."

Nhưng sau đó, anh Toán tìm hiểu giống khoai lang đỏ ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) và đưa về trồng thử nghiệm tại đồng đất Xuân Hồng. Không ngờ giống khoai lại phù hợp với chất đất nên sản lượng cao, anh Toán mạnh dạn trồng mở rộng với diện tích 4 ha.

“Mỗi năm tôi trồng một vụ khoai vào thời điểm sau mùa mưa lũ. Trồng khoai chủ yếu bỏ công là chính nên mang lại lợi nhuận khá cao. Vụ khoai năm nay tôi thu về khoảng 60 tấn, bán với giá bình quân 800 nghìn/tạ. Tính ra, trừ chi phí tôi cũng “kiếm” được 350 triệu đồng sau 4 tháng chăm sóc, vun trồng” – anh Toán phấn khởi chia sẻ.

Qua mấy mùa trồng khoai, tích lũy được ít vốn, anh Toán không ngần ngại đầu tư 800 triệu đồng mua máy xúc, máy đào và cả ô tô tải để phục vụ cho sản xuất. Từ ngày có máy cày đa chức năng, mọi việc thuận lợi hơn nhiều, từ việc lên luống, bơm nước và thu hoạch.

Cũng thu nhập “khủng” từ trồng khoai lang đỏ, anh Phan Văn Đường (xã Xuân Hồng) vui vẻ cho hay: "Vùng đất này vào mùa mưa lụt, nước ngập băng nên chỉ làm được một vụ khoai, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch. Nhưng bù lại đất ở đây có độ phù sa cao nên chất lượng khoai rất ngon so với các vùng đất khác. Vì vậy, thương lái tìm đến thu mua để mang ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ".

Theo các hộ, trồng khoai lang ít tốn công và chi phí vật tư hơn so với trồng ngô, lạc; chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai, không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, sau khi thu hoạch đạt hơn 15 tấn/ha, tính ra thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Vào mùa vụ họ đều thuê người lao động trong xã trồng khoai, mỗi công trả 150 nghìn đồng.

Với diện tích trên, việc thu hoạch khoai cũng mất khá nhiều thời gian, nhanh cũng trong vòng hơn 1 tháng. Trước, thu hoạch bằng tay mất khá nhiều công sức, nhưng giờ thu hoạch bằng máy thuận lợi hơn nhiều. Để tránh cái nắng nóng mùa hè, có hộ tiến hành thu hoạch vào ban đêm từ 19h đến 21h.

Khoai lang đỏ sau khi thu hoạch được người dân loại bỏ cồi và phân ra thành 2 loại, trong đó loại 1 là những củ khoai to không bị “lỗi”, bán với giá 900 nghìn đồng/tạ, còn loại 2 bán với giá 600 – 700 nghìn đồng/tạ.

Ông Nguyễn Phi Phượng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết, chính quyền địa phương đang muốn các hộ dân trồng khoai lang đỏ thành lập thành hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhằm mang lại hiệu quả bền vững; đồng thời tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích các cây màu kém hiệu quả khác.


Nguồn: Báo Doanh Nghiệp