Hà Lan dường như sắp sửa hoàn tất việc thành lập một chính phủ liên minh mở rộng mới sẽ không có sự tham gia của đảng dân túy cánh hữu.
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) và đối thủ Geert Wilders ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tân Hoa Xã, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan, các chuyên gia cho rằng người Hà Lan dường như sắp sửa hoàn tất việc thành lập một chính phủ liên minh mở rộng mới mà sẽ không có sự tham gia của đảng dân túy cánh hữu “Vì Tự do” (PVV) của ông Geert Wilders.
Cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan, được tổ chức ngày 15/3, chứng kiến tổng cộng 28 đảng cạnh tranh 150 ghế tại Hạ viện. Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do hãng Peilingwijzer tiến hành cho thấy đảng “Những người Vì Tự do và Dân chủ” (VVD) của Thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte đang dẫn đầu và có thể giành được từ 24-28 ghế trong Hạ viện.
Xếp vị trí thứ hai là đảng PVV, có thể giành được từ 20-24 ghế, tiếp đó là đảng “Những người Dân chủ Thiên chúa giáo” (CDA) 18-20 ghế và đảng “Những người Dân chủ 66” (D66) từ 17-19 ghế. Đảng VVD của Thủ tướng Rutte nhiều khả năng sẽ lại trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội, mặc dù số ghế sắp tới của đảng này có thể giảm mạnh so với mức 40 ghế tại Hạ viện hiện nay.
Theo chuyên gia lịch sử chính trị Koen Vossen và Giám đốc Trung tâm Lịch sử Quốc hội Hà Lan Carla van Baalen, một liên minh bao gồm VVD, CDA, D66 cùng với một hoặc hai đảng khác là sự kết hợp nhiều khả năng xảy ra nhất, bởi vì đảng PVV của ông Geert Wilders đã bị các đảng khác gạt ra rìa.
Thủ tướng Rutte trước đó phát biểu với báo giới rằng cơ hội hợp tác với PVV là 0%. Sáu đảng khác, với mỗi đảng dự kiến giành hơn 10 ghế trong cuộc bầu cử, cũng đã bác bỏ khả năng hợp tác với đảng có quan điểm chống Hồi giáo và chống Châu Âu của ông Geert Wilders.
Chuyên gia Koen Vossen dự kiến các đảng nói trên sẽ không thay đổi lập trường do họ bất đồng với quan điểm của PVV, đồng thời coi đảng này là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc làm ngơ với PVV là không dễ dàng, do đảng cực hữu vốn cam kết chống Hồi giáo hóa Hà Lan này đang giành được động lực.
Ông Wilders đã bắt đầu chiến dịch vận động của mình kể từ giữa tháng 2/2016 bằng cách đưa ra một bình luận khá sốc khi gọi người di cư Marốc là “cặn bã”, đồng thời cam kết sẽ đóng cửa các thánh đường Hồi giáo và đưa Hà Lan rời khỏi Liên minh Châu Âu, hoặc như ông ta nêu khẩu hiệu, là “biến Hà Lan trở lại thành của người Hà Lan”.
Mặc dù các phát biểu của ông Wilders đã gây nên sự tranh cãi gay gắt ở trong nước và nước ngoài, ông ta vẫn đang giành được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò dư luận ở giai đoạn nước rút trước bầu cử. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng PVV có thể giành được 15,7% số phiếu bầu trong số 12,9 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu ở Hà Lan, biến PVV thành đảng lớn thứ hai ở Hà Lan.
Khả năng thắng lợi của PVV có thể là phong vũ biểu cho thấy sự trỗi dậy của làn sóng dân túy ở Châu Âu. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ được bắt đầu vào tháng tới, với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Vào tháng 9 tới, đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD), một đảng có quan điểm hoài nghi châu Âu, có thể sẽ lần đầu tiên có ghế trong quốc hội liên bang ở Đức. Nhưng điều cũng chắc chắn là PVV thực sự không có cơ hội đứng ra thành lập một chính phủ do nền chính trị bị chia rẽ ở Hà Lan. Chuyên gia Vossen cho rằng dù PVV có trở thành chính đảng lớn nhất, các cuộc đàm phán với những đảng khác sẽ bị chết yểu. Các đảng khác sẽ không hợp tác với PVV.
Do PVV sẽ bị loại trừ, câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là đảng nào trong số 3 đảng cánh tả, gồm đảng Cánh tả Xanh (GroenLinks), đảng Lao động (PvdA), đảng Xã hội chủ nghĩa (SP), có thể hợp tác với VVD và D66 để thành lập một chính phủ mới.
Theo Carla van Baalen, không giống với cuộc bầu cử năm 2012 vốn chủ yếu tập trung vào cách thức làm thế nào để đưa Hà Lan thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cuộc bầu cử lần này cho thấy các chiến dịch vận động tập trung vào nhiều chủ đề như hội nhập, người di cư, giáo dục, an ninh, y tế và EU.
Tuy nhiên, không có vấn đề nào được coi là nổi trội. Dường như các cuộc vận động chủ yếu chỉ xoay quanh việc thành lập liên minh cũng như việc ai sẽ làm thủ tướng. Dự kiến tiến trình thành lập chính phủ mới sẽ kéo dài trong vài tháng. Việc thành lập chính phủ gần đây nhất ở Hà Lan kéo dài trong 54 ngày, trong khi mức thời gian kéo dài kỷ lục nhất sau Thế chiến thứ Hai là 208 ngày.
Mặc dù khả năng một chính phủ tương lai với thành phần gồm VVD, CDA, D66 cộng thêm một hoặc hai đảng khác là khả thi, nhưng tiến trình thành lập một chính phủ như vậy là không dễ dàng chút nào. Việc thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử lần này là khá phức tạp do tất cả các đảng đều muốn có ghế trong chính phủ. Dự kiến các cuộc thương lượng để thành lập chính phủ mới sẽ khá khó khăn trong thời gian tới.
Nguồn GDTĐ
-
Thanh niên HV Khoa học Quân sự chia sẻ mất mát cùng người dân vùng lũ Quảng Ninh
-
Quạt trần KDK những cải tiến mới về công nghệ
-
Tại sao bao cao su có thể ngừa thai và phòng tránh bệnh tình dục?
-
TP.HCM: Nguồn cung nhà đất tăng mạnh
-
Giá xăng lên cao nhất từ đầu năm
-
Indonesia – Chelsea: Cuốn phăng vạn đảo
-
MU lập kỷ lục sau chiến thắng trước Chelsea
-
Chi tiết bảng giá điện mới từ 16/3 tới
-
Apple chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang Việt Nam?
-
Nga lên tiếng vụ chặn máy bay do thám của Mỹ