Ekip hùng hậu phía sau những buổi livestream triệu view

ngày 26/03/2022

Đằng sau các ngôi sao livestream luôn là đội ngũ hỗ trợ tận tình. Những người này lo từ trang phục, hình ảnh, kỹ thuật cho đến quyết định yếu tố nội dung, sản phẩm lên sóng.

Trước khi bị cấm sóng vì tội trốn thuế vào cuối năm 2021, hầu như ngày nào "nữ hoàng livestream Trung Quốc" Vi Á (Viya) cũng phát trực tiếp.

Để buổi livestream diễn ra thuận lợi, cô luôn họp cùng ekip của mình từ tối hôm trước. Theo Bloomberg, những cuộc họp này có thể diễn ra lúc 1h, ngay tại studio.

Hàng chục nhân viên đứng chật kín căn phòng để chờ đợi quyết định của "nữ hoàng livestream" xem những sản phẩm nào có thể được bán vào ngày mai.

"Vi Á đưa ra những nhận xét cụ thể: máy cạo râu quá ồn, kẹo đường thì quá ngọt, khay đá Peppa Pig bằng silicone rất dễ vi phạm bản quyền. Cô ấy đặc biệt nhạy cảm về giá. Cầm một chiếc bật lửa kiểu Zippo, Vi Á nói: 'Không đời nào nhãn hàng bán sản phẩm với giá 399 nhân dân tệ rồi lại muốn chúng ta bán nó với giá 389 nhân dân tệ. Hãy mặc cả mức giá dưới 300 nhân dân tệ'", Bloomberg dẫn lời các nhân viên.

Đứng sau mỗi buổi phát trực tiếp của những ngôi sao livestream như Vi Á là một đội ngũ nhân viên hùng hậu. Những người này đảm nhận từ khâu trang phục, hình ảnh, kỹ thuật, sản xuất cho đến quyết định cả những yếu tố quan trọng như nội dung, sản phẩm, thông tin được phép lên sóng.

Viya và ekip của mình chuẩn bị cho buổi phát sóng tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Chen Zhongqiu/VCG.

Ekip hàng trăm người đứng sau máy quay

Theo Jing Daily, Vi Á sẽ không bao giờ giới thiệu sản phẩm trên livestream nếu những thứ này chưa được cô và đội ngũ của mình kiểm tra nghiêm ngặt.

Mỗi ngày, trước khi phát trực tiếp, cô dành khoảng 4 tiếng đồng hồ để trực tiếp thử nghiệm và xem xét những sản phẩm sẽ được giới thiệu trên các chương trình của mình.

Chỉ khi có sự cho phép cuối cùng của Vi Á, một sản phẩm mới được thêm vào danh sách.

Nhưng trước khi các mặt hàng đến tay "nữ hoàng livestream", chúng đã được ekip của cô sàng lọc kỹ càng.

Vi Á có một đội gồm 200 nhân viên. Trong đó có 3 nhóm đặc biệt dành riêng cho việc lựa chọn và thử nghiệm sản phẩm.

Vi Á giới thiệu sản phẩm trong một buổi livestream. Ảnh: VCG.

Nhóm đầu tiên phụ trách việc lựa chọn sản phẩm, xem thương hiệu có nổi tiếng hay không và có nhận xét tiêu cực nào về mặt hàng trên mạng xã hội không.

Nhóm thứ hai có nhiệm vụ kiểm tra thành phần của sản phẩm, đảm bảo rằng chúng an toàn khi sử dụng.

Nhóm cuối cùng kiểm tra trực tiếp. Nếu sản phẩm là một món ăn nhẹ, họ sẽ ăn nó và đưa ra nhận xét cá nhân. Nếu đó là mặt nạ dưỡng da, họ sẽ sử dụng nó trong vài ngày và đánh giá kết quả.

Quy trình lựa chọn nghiêm ngặt này đã giúp Vi Á tạo dựng niềm tin với hàng triệu khán giả trung thành của mình.

Tuy nhiên, ekip hùng hậu kể trên còn chưa bao gồm nhân viên trường quay, hậu kỳ, người hỗ trợ hình ảnh, bộ phận phụ trách kỹ thuật...

Tương tự, Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), người được mệnh danh là "ông hoàng son môi" ở quốc gia tỷ dân, cũng có đội ngũ riêng để hỗ trợ sản xuất các chương trình bán hàng trực tuyến.

Nhân viên sản xuất hỗ trợ Lý Giai Kỳ trong buổi phát trực tiếp ở Thượng Hải. Ảnh: Lý Giai Kỳ/Sixth Tone.

Mei One, công ty quản lý của Lý Giai Kỳ, cho biết chỉ có 5% thương hiệu muốn hợp tác bán hàng với "ông hoàng son môi" có thể vượt qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của nhóm Lý.

Nhân viên của Lý cũng điều hành hàng nghìn cuộc trò chuyện trên WeChat, ứng dụng xã hội của Trung Quốc, để thu thập phản hồi từ người dùng và trả lời các câu hỏi của họ.

Nếu một khách hàng gặp sự cố với sản phẩm được bán trong chương trình của Lý, nhóm của anh thường tự mình giải quyết tranh chấp.

"Đây là lý do Lý trở nên nổi tiếng. Anh ấy cho phép người tiêu dùng có được cảm nhận thực tế và có cơ sở hơn về các sản phẩm phù hợp với túi tiền của họ", Toni Yang, nhà tư vấn thương hiệu có hơn 10 năm kinh nghiệm, nói với Sixth Tone.

Trong cuộc phỏng vấn với Sohu vào năm 2020, Lý cho biết anh thực hiện 389 chương trình phát sóng trong 365 ngày và điều đó gần như là bất khả thi nếu chỉ làm việc một mình.

Ai chịu trách nhiệm khi có sai phạm?

Ekip đằng sau những ngôi sao livestream quyết định phần lớn đến sự thành bại của một buổi phát trực tiếp.

Khi "ông hoàng son môi" và "nữ hoàng livestream" đạt phong độ đỉnh cao, đội ngũ hỗ trợ họ cũng nhận được đãi ngộ tốt.

Fu Peng, trợ lý lâu năm của Lý Giai Kỳ, đã trở nên nổi tiếng khi xuất hiện bên cạnh "ông hoàng son môi" trong một vài buổi livestream. Trên mạng xã hội, người này thu hút hơn 4 triệu follow và đã có kênh bán hàng riêng.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra sự cố, sai phạm, ekip đứng đằng sau máy quay liệu có chịu chung trách nhiệm với các ngôi sao hay không?

Lý Giai Kỳ (mặc đồ đen) và trợ lý quảng cáo mặt nạ trong một buổi phát trực tiếp ở Thượng Hải. Ảnh: Ning Jing/VCG.

Trong lễ hội mua sắm ngày 11/11/2020, Lý Giai Kỳ đã chào bán một thiết bị làm căng da với lời quảng cáo "hiệu quả như điều trị bằng công nghệ Thermage".

Nhưng cơ quan quản lý thị trường sau đó nhận định tuyên bố này là hoàn toàn sai lệch, gây lầm tưởng cho người tiêu dùng. Công ty Mei One, nơi Lý trực thuộc, chịu mức phạt 300.000 nhân dân tệ.

Đây không phải lần đầu tiên Lý bị chỉ trích phóng đại chất lượng sản phẩm khi quảng cáo. Năm 2019, "ông hoàng son môi" và trợ lý của mình bẽ mặt ngay trên sóng livestream vì quảng cáo chảo chống dính nhưng không thể chiên một quả trứng nguyên vẹn.

Khi bị đặt nghi vấn sẵn sàng tung hô bất kỳ mặt hàng nào chỉ để nhận tiền quảng cáo, ngôi sao livestream tuyên bố đã tuyển 100 nhân viên để kiểm định chất lượng sản phẩm.

Theo Zhang Yi, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn trực tuyến iiMedia, việc người phát trực tiếp và đội ngũ hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với các chương trình phát sóng của họ vẫn còn rất mơ hồ ở Trung Quốc.

"Vì không rõ liệu những ngôi sao livestream này có được định nghĩa hợp pháp là người bán hàng hay đại diện phát ngôn của thương hiệu hay không", Zhang giải thích.

Một người phát trực tiếp ở tỉnh Chiết Giang giới thiệu giao diện livestream trên điện thoại của mình. Ảnh: VCG.

Trong trường hợp của Vi Á, sự nghiệp của cô gần như chỉ sụp đổ sau án trốn, nộp thiếu 110 triệu USD tiền thuế vào cuối năm ngoái.

Trước đó, những vụ lùm xùm về việc bán hàng giả, quảng cáo sai sự thật không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc của "nữ hoàng livestream" cũng như ekip.

Theo Global Times, sau thời gian im ắng vì scandal trốn thuế, các nhân viên cũ từng hỗ trợ Vi Á đã bắt đầu livestream bán hàng trở lại vào tháng 2.

Nhóm bao gồm 6 người trước đây là trợ lý hoặc người mẫu của Vi Á. Vượt xa sự mong đợi, ekip này được nhiều khán giả quan tâm, thu hút hơn 1,75 triệu người theo dõi trong vòng hai tuần.

Không ít người thậm chí trông đợi sự trở lại của Vi Á, bất chấp những tai tiếng gần đây của "nữ hoàng livestream".

Nguồn: https://zingnews.vn/ekip-hung-hau-phia-sau-nhung-buoi-livestream-trieu-view-post1305087.html