Đừng ngồi vắt chéo chân nữa

ngày 29/11/2022

Các vấn đề về tư thế ban đầu có vẻ nhỏ nhưng chúng sẽ gây ra ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài.

Tư thế ngồi vắt chéo chân khi thành thói quen có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và cơ thể. Ảnh: Silhouettedonna.

Cách ngồi vắt chéo chân là tư thế phổ biến, đặc biệt ở nữ giới làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, không nhiều người biết tư thế ngồi vắt chéo chân khi thành thói quen có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và cơ thể.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, TPHCM, cho biết tư thế ngồi này gây mất tương quan cân bằng hệ cơ vùng chậu, đùi, lệch vẹo khung chậu, cột sống, thoái hóa xương khớp. Bên cạnh đó, người ngồi còn phải chịu các tác hại lên hệ tuần hoàn.

"Các vấn đề về tư thế ban đầu có vẻ nhỏ nhưng chúng sẽ gây ra ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài. Hệ thống cơ xương khớp từ khung chậu xuống đôi chân có cấu tạo đối xứng. Khi thực hiện hành động vắt chéo chân này lên chân kia, chúng ta đã vô tình phá vỡ sự cân xứng này của cơ thể, do đó đương nhiên sẽ có những sự xáo trộn, đặc biệt là về hệ cơ xương khớp", bác sĩ Calvin Q Trịnh nói.

Lệch vẹo khung chậu và đau

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, hậu quả rõ nhất là bất đối xứng khung chậu hay khung xương chậu bị lệch. Ba dạng lệch có thể gặp là bên cao bên thấp, nghiêng trước và xoay hoặc kết hợp cả 3 dạng này.

Khi khung chậu duy trì trạng thái lệch vẹo, chúng sẽ kéo theo hiện tượng chân ngắn, chân dài và vẹo cột sống. Ảnh: Activemobility.

Khi khung chậu duy trì trạng thái lệch vẹo, chúng sẽ kéo theo hiện tượng chân ngắn, chân dài và vẹo cột sống. Lệch vai thường cùng bên với chân hay gác bên trên.

Nếu chúng ta duy trình tư thế ngồi bắt chéo chân thành thói quen, dây chằng các khớp chậu, hông, thắt lưng cũng sẽ phải căng ra để giữ tư thế đó.

Đồng thời, các khối cơ lưng, chậu, hông, đùi sẽ điều chỉnh cho phù hợp trạng thái mới dẫn đến sự mất cân bằng: Co kéo, lệch vẹo gây ra tình trạng đau âm ỉ vùng thắt lưng chậu, đau khớp gối. Tư thế ngồi bệt lệch bên hay ngồi xếp bằng nếu thành thói quen đều có các hậu quả tương tự.

Nguy cơ thoái hóa khớp

Bắt chéo chân có thể gây áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối. Dây thần kinh này cung cấp cảm giác cho cẳng chân và bàn chân, gây tê bì.

Đồng thời, khi vắt chéo hai chân, lưu lượng máu xuống các khớp ở chi dưới cũng bị giảm hẳn, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô.

Tình trạng này dễ gặp nhất ở các vùng khớp gối, khớp cổ chân. Vắt chéo chân cũng làm cho khớp gối bị đè ép sai tư thế một cách cố định trong thời gian dài. Chúng vừa làm tăng áp lực lên sụn khớp lại gây căng giãn hệ thống dây chằng. Do đó, đây là một tư thế không tốt với những người thoái hóa khớp gối hay cổ chân.

Nguy cơ lên hệ tuần hoàn

Theo vị chuyên gia này, khi vắt chéo chân, tức là chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc sẽ bị chèn ép lại, do đó dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến cơ thể tăng huyết áp để đẩy máu đi. Nó có thể làm sai lệch kết quả do huyết áp tạm thời tăng lên.

Máu ở chân phải hoạt động chống lại trọng lực để bơm trở lại tim, việc vắt chéo chân này lên chân kia sẽ làm tăng lực cản. Máu trong các tĩnh mạch có thể tụ lại, tạo nên tĩnh mạch lớn được gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch.

khi vắt chéo chân, tức là chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc sẽ bị chèn ép lại, do đó dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Ảnh: Superhitideas.

Ngồi vắt chéo chân khiến triệu chứng của những người đã bị bệnh lý này càng thêm trầm trọng. Chúng còn gây mất thẩm mỹ vì tạo ra các vết chằng chịt ở bề mặt da vùng đùi, cẳng chân.

Phòng ngừa

"Khi đã hình thành thói quen, việc thay đổi trong chốc lát không dễ. Tuy nhiên, với rất nhiều hệ lụy liên quan sức khỏe, bạn có thể bắt đầu lưu ý đến hành vi vắt chéo chân khi ngồi hàng ngày để có dần tạo ra sự thay đổi tích cực", trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, khuyến cáo.

Ông cũng cho rằng thỉnh thoảng, phụ nữ ngồi bắt chéo chân vì một số lý do nhưng nếu nó không thành thói quen dẫn đến sự điều chỉnh của cơ thể sẽ ít ảnh hưởng sức khỏe.

Tuy nhiên, bác sĩ Calvin Q Trịnh cảnh báo những người trên 40 tuổi không nên bắt chéo chân khi thực hiện các chuyến đi dài bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Điều này có thể dễ tạo ra cục máu đông hơn, gây đột quỵ.

Khi đã lệch vẹo khung chậu hay cột sống, hiệu chỉnh cơ xương khớp là phương pháp duy nhất điều trị gốc rễ vấn đề và giúp bệnh nhân hồi phục sự cân bằng khung xương - hệ cơ như ban đầu. Đồng thời, cách này cũng loại bỏ triệu chứng đau cơ xương khớp.

Đối với những người phải ngồi trong thời gian dài, bạn nên ngồi duỗi thẳng chân và đưa bàn chân về phía trước hoặc chỉ nên bắt chéo bàn chân. Với người làm công việc văn phòng, ít vận động, bạn nên đứng dậy sau mỗi 60-120 phút ngồi và đi lại vận động trong 5 phút.

"Điều đó tạo ra sự khác biệt rất lớn", bác sĩ Calvin Q Trịnh nhấn mạnh.

Nguồn: zingnews.vn