Mỗi container hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải chi trả hàng chục loại phí liên quan đến vận chuyển và tại cửa khẩu với mức giá được cho là rất cao, thậm chí phi lý.
Chị Vũ Trang Nhung, phụ trách khâu xuất khẩu sản phẩm của Công ty Gạch men Vitaly (Khu công nghiệp Bình Chuẩn, Bình Dương) cho biết, các loại phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa đến và đi khỏi cảng, cũng như nhiều loại phí liên quan khác đã không ngừng tăng trong thời gian gần đây.
Phí vận chuyển từ nhà máy đến cảng Cát Lái (TP HCM) tăng từ 90.000 lên 130.000 đồng một tấn hàng rời và từ 3,7 lên 4 triệu đồng mỗi container. Các loại phí khác cũng liên tục nhích lên với mức tăng không nhỏ. Phí dịch vụ container (THC) tăng lần gần đây nhất (tháng 4/2014) là từ 77 USD lên 98 USD một container.
Chị Nhung cho rằng có những loại tăng đến mức phi lý, như phí niêm chì tăng liên tục trong chưa đầy 2 năm qua, từ 150.000 đồng lên 175.000 đồng, và gần đây là 250.000 nghìn đồng một lần. "Có khi chỉ vài ba tháng lại nghe thông báo tăng phí niêm chì, nhưng tôi không hiểu miếng chì dùng để niêm phong có gì để phải tăng liên tục và tăng nhiều như thế?", chị thắc mắc.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải gánh rất nhiều chi phí. Ảnh: Hồng Châu |
Phí vận đơn cũng tăng lên 750.000 đồng mỗi bộ. "Vận đơn chỉ đơn thuần là bộ hồ sơ với khoảng 6 trang giấy, chỉ việc in và phát cho doanh nghiệp điền các thông tin cần thiết. Nhưng không hiểu vì sao lại mất nhiều tiền đến thế, mà gần như năm nào cũng tăng?", chị cho biết.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp thành viên, họ đang phải gánh hàng chục phụ phí như phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh) hay phí tắc nghẽn cảng. Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container...
Theo VASEP, một số loại phí là do các cảng thu. Nhưng thực tế, các chủ tàu thu trực tiếp từ doanh nghiệp rồi nộp cho cảng để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn, với phí THC, mức thu của cảng là 20 USD một container 20 feet và 35 USD một container 40 feet. Nhưng chủ tàu thường lấy lần lượt 60-70 USD và 100-120 USD.
VASEP cũng cho biết, theo tính toán của các doanh nghiệp, tổng các loại phí này đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2013, khiến lợi nhuận của họ giảm mạnh. Trước tình hình đó, cuối tháng 7 vừa qua, VASEP đã có công văn cầu cứu các cơ quan chức năng.
Với lý do để gỡ ách tắc, ùn ứ container tại cảng, ngày 15/7, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) đã tăng phí nâng container giao khách hàng tại cảng Cát Lái theo thời gian lưu bãi đối với container hàng khô và đông lạnh. Theo đó, với hàng khô, mức phí là từ 50.000 - 400.000 đồng một container khi thời gian hạ bãi sớm hơn thời điểm tàu cập cảng đã được đăng kí trước từ 8 đến 25 ngày.
Đối với container hàng lạnh, mức phí phụ thu từ 200.000 đến 400.000 đồng một container. SNP cũng đồng thời thu phí với khách đăng ký lấy trước số container rỗng tại cảng Cát Lái để khai báo hải quan điện tử.
Theo đó, trong 2 ngày từ thời điểm khách đăng ký cấp trước số container đến lúc tới lấy, phí (mức một) là 420.000 đồng mỗi container 20 feet và 620.000 đồng một container 40 feet. Mức 2 và mức 3 tính thời gian từ 3 đến 7 ngày áp dụng mức thu tăng từ 50 đến 100% so với mức một.
Quy định và mức phí mới kể trên vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các DN và hiệp hội ngành hàng, buộc SNP giảm phí nâng hạ container tại cảng Cát Lái trở về như mức cũ kể từ ngày 6/8.
VASEP cho rằng, thời gian qua, việc áp dụng thu các loại phụ phí trên chưa có cơ chế quản lý, giám sát và hướng dẫn đồng bộ của các cơ quan nên các chủ tàu nước ngoài có thể đơn phương áp thêm một số loại phụ phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Cụ thể, một số loại phí chỉ phát sinh khi có sự bất bình thường trong hoạt động cảng biển như mất cân đối container hai chiều CIC, tắc nghẽn cảng PSC... nhưng các hãng tàu vẫn áp thu đều đều đối với DN Việt Nam. Từ 1/8, hãng tàu Maersk Line tăng phụ phí tại cảng Cát Lái thêm 50-100-100 USD (chưa gồm thuế VAT) cho các container tương ứng 20 – 40 và 45 feet.
Trước đó, từ ngày 25/7, hãng tàu Hamburg Sud cũng phụ thu phí nghẽn tắc cảng 55 USD đối với container 20 feet và 111 USD đối với container 40 feet. Ngoài ra, hãng này cũng tăng phí bảo trì thiết bị container thêm trên 17 USD so với trước.
(theo Tiền Phong)
{fcomment}
-
Cô gái giúp người câm điếc hòa nhập với cộng đồng
-
Người mẫu bikini hút khách hơn cả du thuyền, máy bay, siêu xe
-
Xung đột ở chung cư: bài toán không khó, sao không giải được?
-
Thêm một cây xăng Hà Nội bị phát hiện đong thiếu
-
`Choáng` với thưởng tết khủng của ngành thẩm mỹ
-
Ông Lê Đăng Doanh: “Người dân đang khát khao cải cách”
-
Nửa đầu tháng Giêng: TTCK giảm điểm điên đảo
-
Gom heo hơi bán sang Trung Quốc, giá tăng
-
CPI tháng 5 tăng đột biến do giá xăng, lo cả năm "vượt" chỉ tiêu đề ra
-
Lạm phát Mỹ ảnh hưởng đến cả những người thu nhập cao