Vốn ngoại quay lưng với nông nghiệp Việt Nam

ngày 06/10/2014

Đến hết tháng 8/2014, tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.


Là một nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa, Việt Nam chủ trương ưu tiên đầu tư cho phát triển nông, lâm ngư nghiệp, tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trong bối cảnh hạ tầng nông thôn yếu kém, nguồn vốn hạn chế, nên thực tế so với các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tỷ trọng thu hút vốn đầu tư từ mọi nguồn lực còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và ý nghĩa quan trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế, chưa tạo được bước phát triển nhanh trong sản xuất hàng hóa với chất lượng cao như mong muốn.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến tháng 8/2014, mới chỉ có có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Với kết quả này, nông nghiệp đứng thứ 10 trong số 18 ngành kinh tế đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chất lượng của các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ
Chất lượng của các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm. Cả nước hiện có 16.910 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với tổng vốn 243 tỷ USD trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có 509 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chỉ chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký.
Bình quân hàng năm, toàn ngành thu hút được khoảng 20 dự án và 130 triệu USD mỗi năm. Thực tế, nhịp độ thu hút vốnđầu tư nước ngoài(ĐTNN) vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đã đạt mức cao giai đoạn 1991 đến 2000. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, thu hút ĐTNN vào lĩnh vực này đã giảm mạnh. Cụ thể, nếu như cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì trong 3 năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%.
Chất lượng của các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.
Thêm vào đó, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi vốn nhanh như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp; trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất khiêm tốn.
Ngoài ra, các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư của khu vực Châu Á có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… các nước phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, EU… còn ít.
Vì sao FDI chỉ “nhỏ giọt” vào nông nghiệp?
Việc vốn FDI chảy “nhỏ giọt” vào lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trước hết là do đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hoạt động này thường diễn ra ở các vùng nông thôn rộng lớn, điều kiện tự nhiên khó khăn, lệ thuộc nhiều vào thời tiết, sản phẩm mang tính mùa vụ, dễ hư hỏng, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Sản phẩm nông nghiệp thường có tỉ suất lợi nhuận thấp, mức thu nhập không cao. Trong điều kiện thời tiết Việt Nam luôn thay đổi thất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra thì rủi ro do thiên nhiên mang lại trong lĩnh vực này càng cao.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp, chưa tạo ra sức thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn
Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật ở nông thôn hiện nay rất kém, muốn “đến” với nông dân, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm nhiều hạng mục ngoài công trình, chi phí lớn, nhất là đối với ngành lâm nghiệp, do chủ yếu phát triển tại các vùng, miền địa hình đồi núi, giao thông vận tải khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại.
Bên cạnh đó, số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn rất thấp. Hơn nữa, hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản còn bất cập, Việt Nam chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, chưa phát huy hết vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng.
Ngoài ra, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn yếu, thiếu. Vùng nguyên liệu được xem là yếu tố sống còn với doanh nghiệp chế biến và vì vậy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cần sử dụng nhiều đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên trên thực tế, tại các địa phương, đất đai đã được giao hết cho các hộ nông dân với quy mô sản xuất manh mún, đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, chạy theo thị trường khiến các cơ sở chế biến nông sản FDI luôn bị động về nguồn nguyên liệu.
Việc tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, phức tạp khó xử lý. Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu về nguyên liệu cho chế biến nông sản diễn ra phổ biến, liên tục và ngày càng nan giải.
Tình trạng nông dân không gắn hoạt động sản xuất nông sản nguyên liệu của họ với hoạt động thu mua, chế biến của các doanh nghiệp đang đẩy tới tình trạng tranh chấp trong mua – bán nguyên liệu vừa đẩy giá nguyên liệu lúc lên cao, lúc xuống thấp diễn ra phổ biến gây bất lợi cho cả người nông dân sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và cả lĩnh vực nông nghiệp nói chung.
Phần lớn nông sản (tới 90%) được tiêu thụ ở dạng tươi sống và chế biến thô, giá trị gia tăng thấp và không có thương hiệu, nguồn gốc Việt Nam.
{fcomment}