Đất vườn nhiều nơi tăng giá phi mã

ngày 31/12/2021

Phong trào 'bỏ phố về rừng' cộng với nhu cầu tìm kiếm không gian sống xanh hậu COVID-19 khiến đất vườn ở nhiều địa phương tăng giá hàng chục lần chỉ trong thời gian ngắn. Đất quê lên giá khiến nông dân rời xa ruộng vườn, lao vào buôn đất, lơ là sản xuất.

Tăng đến bất ngờ

Trên một nhóm Facebook có tên “Bỏ phố về rừng” với gần 160.000 thành viên thường xuyên đăng tải những bài viết chia sẻ câu chuyện trốn TPHCM về quê lập nghiệp. Hình ảnh những cô gái, chàng trai đội nắng thu hoạch cam, sầu riêng, xoài… giữa trời nắng nhưng nét mặt hiện rõ niềm hạnh phúc dường như càng tiếp thêm động lực cho những người còn đang phân vân.

Ngoài chia sẻ thành quả bỏ phố về quê, các thành viên trong nhóm Facebook còn liên tục đăng bài rao bán đất vườn diện tích từ 1 sào (1.000m2) tới vài chục héc-ta. Dưới mỗi bài đăng, có đến hàng trăm bình luận hỏi sổ đỏ, giá cả, vị trí… rất sôi động.

Chủ một lô đất nông nghiệp ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đang múc, ủi, mở rộng đường để phân lô đất nông nghiệp rồi rao bán.

Chị Vũ Thị Diệu (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, đất vườn giờ có khi “sốt” hơn đất phố. Mỗi lần về quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chị Diệu lại tá hỏa khi thấy trong xã nơi chị sống lại có thêm vài căn biệt thự tráng lệ, xe hơi đắt tiền chạy đầy ngoài đường.

Khoảng hai năm gần đây, nhiều người dân ở quê bán đất rồi lên đời. Từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, đâu đâu người dân cũng bàn tán về mảnh vườn này, bãi đất kia được bán với giá trên trời. “Cò đất” lùng sục, họ vào tận thôn quê, xóm lẻ để tìm đất. Đất lên giá, nhiều người đang không có công ăn việc làm, lại đúng lúc nông nhàn nên cũng gia nhập đội ngũ những người làm “cò đất”.

Nhiều cò đất vào tận thôn quê, xóm lẻ để tìm đất. Ảnh: D. Quang

Không chỉ ở Xuân Lộc mà ở hầu hết các huyện tại Đồng Nai, giá đất nông nghiệp đều tăng phi mã. Năm 2016, đất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ giá khoảng 200-800 triệu đồng/ha, tùy theo vị trí. Còn thời điểm hiện tại, giá 1ha đất nông nghiệp đã tăng lên 4-8 tỷ đồng. Những thửa đất nông nghiệp gần mặt tiền đường lớn, giá có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/sào (1.000m2).

Tương tự, tại các huyện Tân Phú, Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ… giá đất trên nhiều tuyến đường liên xã, trong các ấp cũng tăng cao. Tại ấp 2 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, giá đất nông nghiệp đang giao dịch quanh mức 1-1,5 tỷ đồng/ha, tăng gấp 5-6 lần so với 2 năm trước; còn đất nằm trên các tuyến đường lớn có khi lên đến 5-7 tỷ đồng/ha.

Cá biệt tại ấp 5 xã Thanh Sơn, một mảnh đất vườn rộng 2,7ha nằm gần lòng hồ Trị An không có điện, không nước sạch, không đường giao thông, không có sổ đỏ nhưng được rao bán với giá 4,2 tỷ đồng. Tại các khu vực công nghiệp phát triển như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Biên Hòa, Long Khánh, giá đất nông nghiệp còn bị những người đầu tư đẩy lên mức 20-50 tỷ đồng/ha.

Anh Tùng An (thành phố Thủ Đức, TPHCM) cho biết, cứ cuối tuần anh cùng nhóm bạn rủ nhau đi coi đất rẫy, vườn… để đầu tư hoặc mua làm nơi nghỉ dưỡng. Sau dịch, anh An không còn mua đất ở những nơi gần TPHCM nữa mà lên tận Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai hoặc ra Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên để mua đất.

Sốt ảo, ảnh hưởng đến kinh tế nông thôn

Anh Lê Minh Vương, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi TPHCM và các tỉnh thành phía Nam cho phép người dân đi lại, lượng khách lên Tây Nguyên xem đất khá nhiều. Phần lớn khách đặt hàng công ty tìm đất có vị trí, hướng nhìn ra suối, hồ, thác, đất gần khu trung tâm, khu dân cư có mảng xanh...

Không chỉ những quả đồi với diện tích lớn thu hút giới đầu tư phân lô bán nền mà những mảnh vườn với diện tích nhỏ hơn cũng được nhiều người săn lùng mua.

Những miếng đất có hướng đẹp, có suối, thác nhanh chóng trở thành hàng hiếm để rao bán cho những người đầu tư phát triển nông trại, du lịch… Những mảnh vườn có cây trái sẵn như bơ, xoài, sầu riêng cũng hấp dẫn người muốn làm nhà ở, trang trại, sống gần gũi với thiên nhiên.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, xu hướng mua đất nông nghiệp, đất nghỉ dưỡng ở các tỉnh gần TPHCM bùng phát mạnh hơn sau đợt giãn cách xã hội. Có 3 nguyên nhân khiến đất vườn lên cơn “sốt”. Thứ nhất là trào lưu bỏ phố về vườn, tận hưởng cuộc sống an yên với thiên nhiên.

Thứ hai là hậu COVID-19, nhiều người muốn tìm căn nhà ngoại ô, làm chốn đi về để hòa mình vào cuộc sống xanh. Thứ ba là do hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh sau dịch vẫn còn khó khăn nên nhiều người chuyển hướng đổ tiền vào đất. Tuy nhiên, thực tế này rất dễ tạo ra cung cầu giả, gây “sốt” đất ảo, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của địa phương.

“Sốt” đất vuờn sẽ để lại hệ quả rất nghiêm trọng cho nền nông nghiệp. Bởi khi thấy giá quá cao, nhiều nông dân đua nhau tách thửa bán. Người mua thường là nhà đầu tư ở TPHCM, mua đất để đầu cơ nên hầu như họ không còn tổ chức sản xuất nông nghiệp như trước.

Nguồn: https://tienphong.vn/dat-vuon-nhieu-noi-tang-gia-phi-ma-post1405841.tpo