Đạo diễn bật mí chuyện 'săn' hình ảnh cho 'Phố trong làng'

ngày 15/12/2021

'Phố trong làng' hiện đang thu hút khán giả khi tập trung khai thác đề tài nông thôn theo một hướng mới, gần gũi đời thực và không thiếu những khuôn hình làng quê Việt bình yên, thơ mộng. Để có những hình ảnh đó là rất nhiều câu chuyện phía sau ống kính.

“Phố trong làng” là một bộ phim tâm lý, xoay quanh hình ảnh những chiến sĩ công an ở một vùng nông thôn. Tuy không có những cảnh hành động đuổi bắt căng thẳng hay những vụ điều tra phá án gay cấn hồi hộp nhưng bộ phim đã mang đến một không gian mới mẻ, thoáng đãng về đời sống nông thôn thời hiện đại. Thay vì những hình ảnh quen thuộc của văn phòng, xe cộ, nhà cửa sang chảnh… thì các bối cảnh đường làng, thôn xóm, ruộng đồng… đã mang đến trải nghiệm mới cho người xem.

Non nước hữu tình trong phim "Phố trong làng".

Dù đề tài nông thôn, đời sống làng quê luôn là nguồn chất liệu phong phú và dồi dào cho các nhà làm phim, tuy nhiên, để tìm ra được bối cảnh phù hợp với câu chuyện phim là điều không dễ. Theo DOP (đạo diễn hình ảnh) Dương Tuấn Anh, yêu cầu của kịch bản vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê, vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại, cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Vì thế, tổ họa sĩ thiết kế cũng phải rà soát, tìm hiểu và thực địa kĩ càng.

Nam đạo diễn cũng cho biết, chưa bộ phim nào có được may mắn trong việc sử dụng bối cảnh như ở “Phố trong làng”. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi mà êkip sản xuất thực hiện quá trình ghi hình chỉ loanh quanh trong xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngôi nhà của một người dân ở xã Hiền Ninh trở thành bối cảnh của phim.

“Thời gian đầu quay phim ở đây là thời điểm đang giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, không thể chuyển địa điểm quay đi đâu được. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, chúng tôi đi tìm hiểu xung quanh làng xã thì có nhiều phát hiện thú vị. Làng rất đẹp, có núi, có rừng, đồng lúa làng quê rất đẹp, nhiều nhà cổ, xây kiểu cũ, có phần lụp xụp, cũng có những nhà xây kiểu hiện đại, hoành tráng có thể đáp ứng cho việc thực hiện các cảnh quay. Ở đây có mọi thứ một cách hoàn hảo cho bộ phim Phố trong làng. Chúng tôi thực sự thấy may mắn!”, anh nói.

Vì thế thay cho việc phải đi xa mấy trăm cây số lên Lạng Sơn để thực hiện một số bối cảnh theo dự tính ban đầu, êkip sản xuất chỉ cần xem xét kĩ và lựa chọn ngay xã Hiền Ninh, cách Hà Nội 40 phút chạy xe. Đặc biệt, hầu hết đoàn làm phim có thể sử dụng nguyên vẹn ngôi nhà, chỉ một số bối cảnh nhà phải thay một số vật dụng, sắp xếp lại đồ đạc cho đúng kịch bản. Một số phân đoạn công an đuổi bắt tội phạm cũng được thực hiện trong khu rừng ngay gần đó.

Thay vì vất vả đi tìm bối cảnh như nhiều bộ phim khác, được biết hiện tại, nhóm biên kịch của “Phố trong làng” đang dựa theo bối cảnh ở đây để viết tiếp các tập tiếp theo của bộ phim. Đây cũng chính là mặt thuận lợi của việc làm phim theo hình thức “cuốn chiếu”.

Đoàn phim được địa phương cho mượn trụ sở công an để làm phim trường.

Theo chia sẻ của đạo diễn Tuấn Anh, “Phố trong làng” cũng được chính quyền xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn tạo điều kiện cho đoàn làm phim sử dụng một nửa trụ sở công an để làm phim trường. Đây chính là bối cảnh trụ sở Công an, trạm Y tế của làng Tân Xuân trong phim.

Một bối cảnh khác là nhà của gia đình Mến (Doãn Quốc Đam), một người luôn say khướt và đánh vợ. Yêu cầu của ngôi nhà này là phải hơi lụp xụp, tuy nghèo nhưng đất rộng bởi sau này nhân vật Mến sẽ có nhiều thay đổi, anh ta còn bán đất. Êkip đã phải mất nhiều thời gian để tìm được ngôi nhà ưng ý như kịch bản yêu cầu, rất may hai ông bà già, chủ của ngôi nhà này đã vui vẻ cho đoàn làm phim sử dụng.

Kỷ niệm đáng nhớ của đoàn làm phim là khi quay những tập đầu tiên. Với cảnh quay các chiến sĩ hăng hái gặt lúa giúp dân, êkip phải “canh” trước 1 tháng, tìm hiểu thời điểm lúa gặt, lựa chọn thửa ruộng sẽ ghi hình, đặt hàng người dân có thửa ruộng đó.

Để có những cảnh quay gặt lúa lên phim, đoàn phim đã phải đặt hàng người dân trước 1 tháng.

“Tôi từng quay nhiều phim về nông thôn, gần đây nhất là phim Mùa hoa tìm lại. Tuy nhiên, bối cảnh làng quê nông thôn ở Phố trong làng rất mới mẻ, hầu như chưa được khai thác trên phim ảnh. Thường các phim về nông thôn trước đây hay khai thác cảnh vật ở Thạch Thất, Quốc Oai… nhiều hơn. Với nghề quay phim, được đến vùng đất mới, có bối cảnh mới là tôi thấy cảm hứng sáng tạo dâng lên. Nếu cứ quay mãi ở những địa điểm cũ, đã từng xem, từng thấy, từng đến thì bản thân người quay phim sẽ dễ rơi vào trạng thái làm như cái máy!”, đạo diễn Tuấn Anh tâm sự. Điều này cũng tạo cho khán giả cảm giác thú vị, tránh tâm lý “lại ngôi nhà này à” khi xem phim.

Dù đã sử dụng ngôi làng này cho 100% bối cảnh của bộ phim nhưng Tuấn Anh vẫn mong được tiếp tục khám phá vẻ đẹp vùng nông thôn nơi đây: “Tôi thấy cảnh quay về phong cảnh đồng ruộng, đồi núi, sông hồ… ở bộ phim Phố trong làng vẫn hơi ít. Vì thế, chắc chắn sau này tôi sẽ quay lại, sẽ có những bộ phim tiếp tục khai thác vẻ đẹp của vùng quê thơ mộng này”.

Nguồn: https://tienphong.vn/dao-dien-bat-mi-chuyen-san-hinh-anh-cho-pho-trong-lang-post1401300.tpo