Nhóm siêu xe mạnh nhất Việt Nam thường là những chiếc xe có sức mạnh khoảng 700-800 mã lực, Bugatti Veyron là cái tên hiếm có sở hữu công suất 1.000 mã lực.
Sau khi Ferrari mang SF90 Stradale về Việt Nam, Veyron không còn cô đơn ở nhóm xe trên 1.000 mã lực. Siêu ngựa SF90 trong bài viết mang đủ những yếu tố của một chiếc hypercar, nhưng lại dễ dàng sở hữu khi không phải là dòng xe giới hạn, tức là miễn có đủ tiền, bạn sẽ có thể mua một chiếc SF90.
Tôi đã vài lần chạm mặt những hypercar đình đám như Pagani Huayra - siêu xe đắt nhất Việt Nam hay McLaren Senna với màu sơn chuyển sắc hàng độc trên thế giới. Dù mức giá có thể không cao bằng các hypercar kể trên, SF90 Stradale vẫn thuộc nhóm siêu xe có giá đắt đỏ nhất Việt Nam.
Theo đại diện của Ferrari, một chiếc SF90 Stradale chính hãng có giá từ 37 tỷ đồng cho bản tiêu chuẩn. Chiếc SF90 Stradale mà tôi được trải nghiệm sở hữu khá nhiều tùy chọn đắt giá như sơn 2 tone màu, gói Fiorano Package bổ sung các vật liệu nhẹ, ghế đua bằng carbon… Một danh sách dài các trang bị tùy chọn đi kèm có thể khiến giá của chiếc SF90 Stradale tăng lên hàng chục tỷ đồng nữa, thậm chí gấp đôi con số 37 tỷ đồng của bản tiêu chuẩn.
Như vậy, SF90 Stradale đơn giản là một trong những siêu xe chính hãng đắt nhất Việt Nam, bên cạnh Lamborghini Aventador S (40 tỷ đồng). Về giá trị, chiếc SF90 Stradale này có thể xếp chung nhóm với những hypercar hàng đầu Việt Nam như Bugatti Veyron, Porsche 918 Spyder, McLaren Senna và tiệm cận Pagani Huayra.
Tất nhiên SF90 Stradale không phải là hypercar, và cũng không phải là một dòng xe đặc biệt được sản xuất với số lượng giới hạn. Đây được xem là điểm bất lợi của siêu xe nhà Ferrari. Những Porsche 918 Spyder, McLaren Senna hay Pagani Huayra không chỉ là siêu xe mạnh mẽ, mà còn được sản xuất giới hạn và có giá trị sưu tầm.
Tại thị trường quốc tế, SF90 Stradale có giá hơn 600.000 USD - thuộc nhóm số ít xe trong tầm giá 500.000-600.000 USD. Đối thủ duy nhất của SF90 Stradale nếu chỉ xét về giá là Lamborghini Aventador SVJ (550.000 USD).
Aventador SVJ kém hơn mẫu xe của Ferrari về sức mạnh và sự hiện đại, nhưng có thêm huy hiệu phiên bản giới hạn "1 di 900".
SF90 Stradale là mẫu xe thứ hai của Ferrari sử dụng động cơ hybrid, sau hypercar LaFerrari. Đây là siêu xe thương mại đầu tiên của Ferrari có sự can thiệp của động cơ điện.
SF90 Stradale sở hữu khối động cơ tăng áp kép V8 4.0L cho ra 780 mã lực và mô-men xoắn 800 Nm - mức công suất cao nhất so với bất kỳ động cơ 8 xy-lanh nào trong lịch sử Ferrari. Với 3 động cơ điện hỗ trợ, siêu xe này sản sinh tổng công suất 1.000 mã lực và mô-men xoắn 800 Nm.
SF90 Stradale có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 2,5 giây - ngang ngửa Pagani Huayra và nhanh hơn Senna, Aventador SVJ, 918 Spyder (2,8 giây). Công suất và khả năng tăng tốc của SF90 Stradale đơn giản là không thua kém bất kỳ mẫu hypercar nào trên thế giới.
SF90 Stradale là mẫu xe thương mại mạnh nhất của Ferrari và tất nhiên cũng thuộc nhóm siêu xe mạnh nhất Việt Nam. Sức mạnh của siêu ngựa nhỉnh hơn các hypercar đắt giá tại Việt Nam như Porsche 918 Spyder (886 mã lực), McLaren Senna (789 mã lực), Pagani Huayra (719 mã lực). Đối thủ cùng tầm giá Aventador SVJ cũng chỉ mạnh 770 mã lực.
Trên thế giới, hiếm siêu xe sản xuất hàng loạt nào đạt mức sức mạnh ngang ngửa SF90 Stradale. Các mẫu xe trên 1.000 mã lực đều là phiên bản giới hạn và có giá trên 1 triệu USD: McLaren Speedtail (1.055 mã lực) giá 2,2 triệu USD - 106 chiếc hay Koenigsegg Regera (1.480 mã lực) - 80 chiếc.
Ra mắt vào năm 2019, SF90 Stradale là mẫu xe kỷ niệm 90 năm thành lập đội đua Scuderia Ferrari, tiền thân của hãng Ferrari sau này. Tên SF90 cũng bắt nguồn từ chữ viết tắt của Scuderia Ferrari và thời gian 90 năm.
SF90 đang xếp sau 812 Competizion, 812 Competizione A, Monza SP1 và Monza SP2 trong dải sản phẩm của Ferrari.
4 mẫu xe xếp trên SF90 đều là dòng xe giới hạn, dành cho khách VIP của Ferrari và bạn không thể mua một cách dễ dàng nếu như không sở hữu vài chiếc Ferrari trong garage.
Nói đơn giản, nếu bạn không có một chiếc xe Ferrari nào và là khách hàng thông thường, thì sản phẩm xịn nhất, mạnh nhất, đắt nhất mà bạn có thể mua chính là SF90.
Sức mạnh và tốc độ của SF90 không chỉ đến từ khối động cơ đốt trong kết hợp với mô-tơ điện với con số 1.000 mã lực, mà còn được hỗ trợ bởi những đường nét thiết kế ảnh hưởng từ xe đua của Ferrari, với đầu xe nhọn và cánh gió kiểu Gurney ở phía sau.
Phần thân xe của SF90 khá tương đồng với F8 Tributo khi có các khe hút gió kích thước lớn được bố trí 2 bên hông hướng vào phía động cơ đặt phía sau, kết hợp với mui xe làm từ sợi carbon tương tự hypercar LaFerrari.
Đuôi của SF90 Stradale mang DNA đặc trưng của các dòng Ferrari mới với hệ thống đèn hậu kép, thiết kế ống xả đặt cao và hệ thống khuếch tán đồ sộ.
Khí động học là yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi phát triển SF90 Stradale. Các luồng gió hướng vào xe được tính toán để giảm tối đa sức cản, giúp xe luôn dính chặt vào mặt đường và đồng thời giúp làm mát cỗ máy 1.000 mã lực.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất là hệ thống cánh gió sau kiểu Gurney, giúp điều hướng luồng không khí qua phần thân trên, giảm lực cản ở tốc độ cao và tăng lực ép xuống mặt đường ở các góc cua, khi phanh và trong quá trình chuyển hướng.
Khung gầm phía trước được thiết kế cao hơn phần trung tâm khoảng 15 mm, cho phép luồng không khí di chuyển qua xe có thể đi qua các lá cánh tạo xoáy, giúp ổn định thân xe. Nhờ các chi tiết này, SF90 Stradale có thể tạo ra lực ép xuống mặt đường tương đương khối lượng 390 kg ở vận tốc 250 km/h.
Chiếc SF90 Stradale trong bài được trang bị nhiều tùy chọn hơn 2 chiếc SF90 Stradale được nhập bởi đơn vị tư nhân. Vật liệu carbon xuất hiện khắp nơi, từ líp trước, ốp sườn, cánh gió sau, khuếch tán, mâm... Danh sách tùy chọn còn có kẹp phanh sơn vàng, hệ thống đèn trước thích ứng… Hàng loạt trang bị tùy chọn khiến xe nhẹ hơn, tức là tăng tốc tốt hơn và vận hành vượt trội hơn. Tất nhiên để có được những nâng cấp này, chủ xe cần bỏ ra thêm hàng chục tỷ đồng.
Khi vừa mở cửa xe, tôi khá bất ngờ vì nội thất chiếc SF90 Stradale này khác biệt khá nhiều so với bộ ảnh của Ferrari công bố. Đập vào mắt tôi là ghế ngồi kiểu xe đua bằng carbon và bộ dây an toàn 4 điểm với logo Ferrari.
Yên vị vào ghế đua, tôi vuốt nhẹ nút cảm ứng trên vô-lăng để kích hoạt hệ thống điện trên xe. Bảng đồng hồ kỹ thuật số hiện lên dòng chữ khởi động và toàn bộ nút chức năng trong xe cũng sáng đèn.
Nếu đồng hồ kỹ thuật số là trang bị không quá mới mẻ thì các nút bấm dạng cảm ứng của SF90 Stradale làm tôi ấn tượng hơn. Hiện tại, không nhiều xe sử dụng toàn bộ nút bấm dạng cảm ứng như SF90 Stradale. Hầu hết các tính năng lái đã được tích hợp trên vô lăng, từ chuyển số cho tới các chế độ lái và chế độ vận hành hybrid.
Ở khu vực cần số, các nút điều khiển được thiết kế với cơ chế gạt giống trên các máy bay chiến đấu. Tôi có thể cài số lùi, bật chế độ chuyển số bằng tay hay kích hoạt chế độ tăng tốc kiểu xe đua tại đây. Nhìn chung SF90 mang lại cảm giác thân thiện, dễ sử dụng.
Ngoài tốc độ, thứ mà bạn mong chờ ở một chiếc siêu xe chính là âm thanh phát ra từ động cơ. Và SF90 thật sự là một mẫu xe ồn ào.
Đạp phanh và ấn nút khởi động trên vô-lăng, âm thanh khá ồn ào bắt đầu tràn vào khoang lái. Để cảm nhận rõ hơn, tôi bước ra ngoài và hầu như không thể nghe thấy thứ gì khác ngoài âm thanh phát ra từ động cơ.
Động cơ kết hợp cùng hệ thống xả bằng titanium cho ra âm thanh phấn khích hơn cả khối động cơ V12 6.0L của Pagani Huayra. Khác với âm thanh ấm, trầm quen thuộc của Ferrari, âm thanh của SF90 Stradale được pha đôi chút chát chúa, tương tự xe đua F1. Nếu xếp hạng, SF90 Stradale thuộc nhóm siêu xe có âm thanh hay nhất hiện nay.
SF90 Stradale có 2 động cơ điện ở trục bánh trước và động cơ còn lại ở trục bánh sau, sản sinh thêm 220 mã lực. Động cơ điện ở trục sau đóng vai trò là máy phát, được cố định giữa động cơ xăng và hộp số ly hợp kép 8 cấp. Công nghệ này được thừa hưởng từ xe đua Công thức 1.
Dù kết cấu hệ thống động cơ khá phức tạp, khám phá các chế độ lái của SF90 Stradale đơn giản hơn nhiều. Trên thực tế, người lái chỉ cần chọn một trong bốn chế độ vận hành và sau đó tập trung vào việc lái xe. Bộ xử lý trung tâm của xe sẽ đảm nhận phần còn lại, phân bố sức mạnh giữa động cơ V8, mô-tơ điện và pin.
Nếu bạn không thích sự ồn ào, SF90 Stradale cũng có thể êm ái như xe điện khi cần thiết. Tôi bấm nút eD trên vô-lăng (chế độ eDrive) và chiếc xe trở nên im lặng hoàn toàn.
Tất nhiên ở chế độ này, chiếc siêu xe Ferrari sẽ biến thành "ngựa giấy", uy lực của động cơ 1.000 mã lực biến mất hoàn toàn. Bù lại, xe sẽ lướt đi không tiếng động, thích hợp để đưa xe vào nhà trong đêm tối, tránh phải đánh thức người khác. Ở chế độ thuần điện, SF90 Stradale chỉ di chuyển được khoảng 25 km, đủ dùng khi cần thiết.
Ferrari SF90 Stradale là một chiếc xe đẹp, tạo được sự khác biệt với đường nét thiết kế kiểu xe đua và sức mạnh của một mẫu hypercar. Đây là mẫu xe xịn nhất mà một khách hàng có thể mua được nếu chưa sở hữu chiếc Ferrari nào trong garage. Tất nhiên với những gì SF90 mang lại, nó có mức giá không hề rẻ, nhưng cũng không quá đắt nếu bạn đã có đủ nguồn lực để sắm những chiếc siêu xe.