Các chuyên gia giáo dục kiến nghị nên để các trường tự chọn cách tuyển sinh, có nhiều mức điểm sàn và để thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 ngay từ khi nộp hồ sơ
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có một cuộc họp riêng bàn về tuyển sinh theo đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức góp ý cho những đổi mới tuyển sinh năm 2016 vào ngày 28-10 tại Hà Nội.
Đặt niềm tin vào địa phương, các trường
Theo TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông, việc Bộ GD-ĐT áp dụng một điểm sàn chung đồng thời tự tham gia vào quá nhiều khâu từ lớn đến nhỏ của quy trình tuyển sinh như trong năm 2015 đã đẩy bộ vào thế bị động khiến thí sinh và phụ huynh hoang mang.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội
Ông Dụ cho rằng Bộ GD-ĐT quá cầu toàn trong khi lại thiếu tin tưởng vào các địa phương, trường học, kể cả ĐH và THPT nên ra sức làm thay các cơ sở nhưng không xuể. Chính vì thế, vị hiệu trưởng này kiến nghị trong năm 2016, Bộ GD-ĐT nên tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT ở các địa phương do các trường THPT (hoặc cụm các trường THPT tại liên xã, một huyện, tại các vùng vắng trường, ít học sinh) dưới sự phụ trách điều hành trực tiếp của các sở GD-ĐT hoặc ủy nhiệm cho các phòng GD-ĐT huyện lớn. Để củng cố thêm quan điểm của mình, ông Bùi Thiện Dụ cho rằng xã hội cứ yên tâm giao việc tổ chức thi cử cho các địa phương, các trường THPT. Theo ông, trong khi bộ đã tin tưởng giao cho các đơn vị này những việc lớn hơn nhiều là đào tạo học sinh từ mẫu giáo đến 12 năm THPT, không có lý do gì để nghi ngờ họ không thực hiện tốt một kỳ thi cuối khóa!
Một nội dung quan trọng nữa cũng được ông Dụ nêu lên là bộ nên để các trường được thực hiện tự chủ tuyển sinh. Cụ thể, các trường được tự chọn cách tuyển sinh với những phương án và tiêu chí phù hợp với thực tế và đặc thù của trường mình. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, điều kiện cần bắt buộc là thí sinh phải có bằng THPT. Ông Dụ nói: “Có thể hình dung năm sau, một số trường sẽ tổ chức thi tuyển riêng, tương tự cách ĐHQG Hà Nội đã làm. Nhiều trường (thường tốp khá và cao) sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xác định hệ điểm sàn, dự đoán rất cao, còn lại các trường khác (thường tốp dưới) sẽ kết hợp cả điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ như năm nay”. Như vậy, lúc đó, các trường gần như không cần điểm sàn chung duy nhất nữa bởi thực tế hiện nay cho thấy các trường đặc thù như công an, quân đội hoặc nghệ thuật hay một số ngành khoa học tự nhiên hướng nghiên cứu chất lượng cao cũng đã và sẽ có những tiêu chuẩn riêng, sàn riêng khác với quy định chung.
Đăng ký nguyện vọng 1 trước khi thi
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng nên để thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV1) ngay từ trước khi các em thi. NV sẽ được gửi về trường các em mong muốn thi, điểm cũng chuyển về nơi thí sinh đăng ký. Như vậy, các trường biết được số lượng thí sinh đăng ký NV1, thí sinh cũng biết ngay mình có đạt yêu cầu không, nếu không có thể chuyển sang NV khác. Các trường và thí sinh cùng chủ động, không mất 20 ngày xem hồ sơ, không có chuyện rút chỗ nọ chuyển chỗ kia.
“Phụ huynh cũng như bản thân thí sinh sau khi học 12 năm đều biết trình độ các em như thế nào, nên thi vào trường nào là tốt và dễ đạt nhất. Như vậy, ta bớt được 1 công đoạn là có 4 phiếu điểm lại chọn 1, sẽ thuận lợi hơn” - GS Nghị góp ý. Chuyên gia này cũng cho rằng Bộ GD-ĐT có thể kết hợp với các ĐH địa phương tổ chức thi tại đây, vừa giúp thí sinh không phải đi xa tốn kém vừa sẽ bảo đảm hơn về mặt an toàn giao thông.
Hiệu trưởng một trường ĐH đề nghị Bộ GD-ĐT đồng ý để các trường CĐ, ĐH xây dựng phương án xét tuyển, sau khi có kết quả tuyển sinh mới cần báo cáo về bộ. Chuyên gia này cũng cho rằng không nên tổ chức thi THPT quốc gia vào giữa tháng 6 như dự kiến vì kế hoạch năm học của các trường ĐH, CĐ thường tới ngày 30-6 mới hoàn thành. Do đó, nên duy trì kỳ thi từ ngày 1 đến 4-7 để ổn định công việc cho các trường và tâm lý cho thí sinh. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu bỏ thi viết trong môn ngoại ngữ vì gây nhiều khó khăn trong khâu tổ chức thi, chấm thi. Bên cạnh đó, bộ cũng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng ưu tiên, nơi thu hồ sơ phải kiểm tra kỹ ngay từ đầu để tránh hiểu lầm, sai sót như đã diễn ra.
Cần nhiều mức điểm sàn Ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cũng đề nghị bộ có chính sách để các trường được xét tuyển bình đẳng như nhau. Ông cho rằng cần có nhiều mức điểm sàn vì nếu chỉ có một điểm chung như năm nay, các trường tốp trên sẽ “giữ” hết thí sinh, đến lúc thí sinh muốn rút hồ sơ để nộp vào các trường khác thì đã hết thời hạn. |
Nguồn 24h
-
6 “thần dược” trị ho, cảm lạnh hiệu quả cho trẻ ngay tại nhà
-
Tốc độ nhập bò Úc vào Việt Nam tăng khủng khiếp
-
Những người kiếm triệu USD nhờ Youtube
-
Thương lái mua cau non bán sang TQ: Nông dân có lợi gì?
-
Xem Phong Thủy Phòng Làm Việc - Bàn làm việc theo những nguyên tắc nào? (Phần 1)
-
Thắng đậm Malaga, Barcelona kết thúc mùa giải với 100 điểm
-
Dời lịch thi đấu các giải bóng đá quốc gia 2020 để tránh dịch nCoV
-
Á hậu Dương Trương Thiên Lý `mất tích` khỏi công ty nhà chồng
-
Ông chủ Tôn Hoa Sen giấu 1.100 tỷ ở đâu?
-
Thành tỷ phú nhờ một dòng tweet của Kim Kardashian