Cửa hàng hơn 1.000 năm tuổi ở Nhật Bản

ngày 09/12/2020

Xây dựng bằng gỗ tuyết tùng bên cạnh một ngôi đền nhỏ, cửa hiệu Ichiwa của gia đình bà Naomi Hasegawa tại Kyoto, Nhật Bản đã có lịch sử trên 1.000 năm tuổi. Gia tộc bà bắt đầu kinh doanh đồ uống giải khát cho dân du mục ngang qua địa phương trong cơn đại dịch vào những năm 1.000. Ngày nay, cửa hiệu vẫn tồn tại sau nhiều thế kỷ, trở thành một nét văn hóa đặc biệt ở địa phương. Ảnh: NYT.

Trả lời New York Times, bà Naomi Hasegawa cho biết trong nhiều thập kỷ tồn tại, cửa hàng gia đình bà đặt truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng. Nhờ đó, Ichiwa vượt qua chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai và hàng loạt triều đại thay ngôi. Trải qua bao đời, những chiếc bánh mochi truyền thống của Ichiwa vẫn giữ nguyên chỗ đứng đặc biệt với du khách. Ảnh: NYT.

Nhật Bản là một siêu cường trong lĩnh vực duy trì các mảng kinh doanh truyền thống và lâu đời. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Centennial (Tokyo), đất nước này có hơn 33.000 đơn vị kinh doanh truyền thống có ít nhất 100 năm lịch sử - chiếm hơn 40% số lượng mô hình kinh doanh loại này trên toàn cầu. Trong đó, Nhật Bản có hơn 3.100 đơn vị đã hoạt động trong ít nhất hai thế kỷ, khoảng 140 cửa hiệu đã tồn tại hơn 500 năm và ít nhất 19 nơi duy trì hoạt động kể từ những năm 1.000 cho đến nay. Ảnh: NYT.

Các mô hình kinh doanh truyền thống này được gọi là “shinise”. Đây là niềm tự hào, đồng thời là điểm hấp dẫn cho nền du lịch Nhật Bản trong nhiều năm qua. Chính quyền địa phương của những cơ sở kinh doanh này tạo điều kiện duy trì, quảng bá sản phẩm của họ để thu hút khách du lịch quốc tế và góp phần nâng cao hình ảnh truyền thống của Nhật Bản ra thế giới. Ảnh: NYT.

Hầu hết doanh nghiệp lâu đời, như Ichiwa, là các mô hình kinh doanh nhỏ, do gia đình tự quản lý. Tuy vậy, vẫn có một số doanh nghiệp lớn nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản đã tồn tại hàng trăm năm nay, như Nintendo - công ty đồ chơi thành lập cách đây 131 năm và thương hiệu nước tương Kikkoman được ra đời năm 1917. Ảnh: NYT.

Ông Kenji Matsuoka, giáo sư danh dự về kinh doanh tại Đại học Ryukoku ở Kyoto, nhận xét: "Nguyên tắc kinh doanh của các cửa hiệu gia truyền ở Nhật Bản này hoàn toàn khác với các doanh nghiệp hiện đại. Họ không chú trọng tối đa hóa lợi nhuận, tăng quy mô hay thị phần. Ưu tiên lớn nhất của những cửa hàng gia truyền này là giữ hoạt động bền vững. Mỗi thế hệ trong gia đình như là một người trong cuộc chạy đua tiếp sức đường dài". Ảnh: NYT.

Để tận tâm theo đuổi mô hình kinh doanh truyền thống của mình, Ichiwa đã nhiều lần từ bỏ cơ hội mở rộng. Gần đây nhất, cửa hàng đã khước từ yêu cầu hợp tác giao hàng trực tuyến của Uber Eats. Bánh mochi vẫn là món duy nhất trong thực đơn của cửa hàng. Nếu thực khách cần đồ uống, cửa hàng sẽ phục vụ trà xanh rang. Ichiwa không theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận thuần túy mà muốn duy trì nét truyền thống đã tồn tại hơn 1.000 năm qua. Ảnh: NYT.

Bà Hasegawa, chủ cửa hàng Ichiwa chia sẻ: "Để tồn tại trong một thiên niên kỷ, cửa hiệu không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Chúng tôi phải duy trì một mục đích cao hơn". Những giá trị cốt lõi, được gọi là “kakun” hay giới luật gia đình, đã định hướng cho nhiều quyết định kinh doanh của gia đình qua nhiều thế hệ, như quan tâm chăm sóc nhân viên, hỗ trợ cộng đồng và cố gắng tạo ra sản phẩm lan truyền sự tự hào, bà Hasegawa nói. Ảnh: NYT.

Nguồn: Báo Zing