Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Vé chợ đen là vấn nạn của toàn thế giới”

ngày 15/09/2014

Có 2 vấn đề được người hâm mộ quan tâm ở giải U19 Đông Nam Á - cúp Nutifood vừa kết thúc, đó là vấn đề chuyên môn của U19 Việt Nam và câu chuyện phe vé lộng hành. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã trần tình về cả 2 vấn đề này. 

Chuyện cái vé và cái sân quá tải

Xung quanh giải đấu, người ta thấy hiện tượng là người dân thì khó mua vé, nhưng dân phe lại cầm trên tay cả xấp để bán, vậy có hay không chuyện các đại lý “tuồn” vé ra ngoài, thưa ông?

Tôi không dám khẳng định có hay không, không thể nói có hay không khi không nắm được. Ở đây, khi chúng tôi thấy hiện tượng bất cập, VFF lập tức thu hồi lại quyền phân phối vé để trực tiếp bán. Thấy bất cập, chúng tôi lập tức giải quyết trong khả năng và quyền hạn của mình.

Giá vé mà VFF in ra thì rẻ, nhưng khi chiếc vé đến được tay người có nhu cầu thực sự lại đắt gấp 5 – 7, thậm chí chục lần, vậy phải làm gì để chấn chỉnh nạn phe vé?

Tôi nhấn mạnh rằng tôi không ủng hộ việc bán vé “chợ đen”, nhưng có một thực tế không thể chối cãi rằng vé chợ đen là vấn nạn của toàn thế giới. Tôi từng xem trận khai mạc World Cup 2006 ở Munich (Đức), ở đấy cũng có hiện tượng người ta trà trộn vào mua vé rồi bán lại với giá chênh lệch. Nước Đức với trình độ tổ chức hàng đầu thế giới mà còn vậy. Ở Nam Phi rồi ở Sao Paulo (Brazil) tại các kỳ World Cup 2010 và 2014 cũng thế.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) lên tiếng về chuyện khan hiếm vé ở giải U19 Đông Nam Á 2014
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) lên tiếng về chuyện khan hiếm vé ở giải U19 Đông Nam Á 2014

Thậm chí, trong số những người xếp hàng mua vé rồi đạp đổ tường rào của VFF, tôi được thông tin là có không ít dân phe vé trong số đó đấy. Chiếc vé mua với giá 100.000 đồng, mỗi lần mua vậy họ được phép mua 12 vé cho 3 ngày thi đấu. Mua 12 vé mất 1,2 triệu đồng, ra bán lại được 12 triệu, siêu lợi nhuận như vậy thì xếp hàng cỡ nào dân phe không xếp. Mua xong họ lại xếp hàng mua tiếp đợt khác, mình làm gì được họ?!

Còn chuyện người ta bức xúc không mua được vé xem trận chung kết thì sao, thưa ông?

Vé trận chung kết chúng tôi bán chung thời điểm với vé trận bán kết. Khi đó, ai mua vé trận chung kết có thể nói là liều, vì chưa biết U19 Việt Nam có thắng nổi Myanmar hay không. Người dân có thể không để ý, chứ dân phe vé chấp nhận “ôm” luôn, đó là lý do dẫn đến hiện tượng khan hiếm vé xem chung kết.

Khi biết tin, tôi có chỉ đạo cho nhân viên của VFF cắt bớt số vé phân phối qua đường công văn cho các cơ quan, ban, ngành đã đặt trước, để bán cho người dân. Nhưng lúc đó, phía Công An ngăn tôi lại là không nên, bởi họ sợ thông báo còn vé mà được đưa ra, hàng chục ngàn người ập đến trụ sở VFF, thì lúc đó lực lượng cảnh sát cơ động tại chỗ không ngăn nổi.

Riêng cái chuyện sân Mỹ Đình quá tải trong trận chung kết, có thể có chuyện mấy anh bảo vệ du di cho phép người quen qua cửa không mất vé. Tuy nhiên, đây là vấn đề nằm ngoài quyền hạn của VFF.

Thắng lợi của công tác đào tạo trẻ

Theo ông, đâu là thành công lớn nhất của U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á vừa kết thúc?

Bài học lớn nhất từ thành công của U19 Việt Nam tại giải lần này chính liên quan đến khâu đào tạo trẻ. Trước đây, chúng ta khi làm bóng đá trẻ thường loay hoay với việc tìm định hướng, giáo trình như thế nào, do ai đào tạo?

Thành công của U19 Việt Nam từ mô hình đào tạo của bầu Đức chính là chìa khóa mở ra mô hình mà mọi người có thể đang đi tìm. Các nhà đầu tư, các ông bầu trước đây khi nhảy vào bóng đá đều muốn có thành tích ngay. Chính tâm lý đó tạo ra nạn cò, kéo, đẩy giá cầu thủ lên cao hơn giá trị thực. Rồi hết nguồn cầu thủ nội, họ lại nhảy sang nhập tịch cho ngoại binh để giải quyết vấn đề lực lượng.

Tôi mừng vì U19 Việt Nam thành công trước khi tạo ra hiệu ứng trong công tác làm bóng đá trẻ cho các CLB, cho các ông bầu. Nó cho thấy rằng nếu chúng ta làm đàng hoàng, bài bản, theo mô hình đào tạo của các CLB lớn, cầu thủ của chúng ta đủ sức đá ra hồn với các đội mạnh.

Đấy có phải là nguyên nhân U19 Việt Nam bây giờ được hâm mộ hơn hẳn ĐTQG hay đội Olympic?

Đúng! Đúng! Tâm lý chung của người tiêu dùng là thích đồ thật. V-League nhiều năm qua nhiều đồ giả, nhiều trận đấu giả quá! Ngay đến tôi cũng ngán, nhà tài trợ ngán, huống hồ gì là khán giả. Như nhà tài trợ trang phục cho đội tuyển nói họ ngưng tài trợ vì cầu thủ đá đâu thua đó, lại có vấn đề về tư tưởng. Trong khi đó, U19 Việt Nam đá thật, mang lại cảm xúc thật. Anh không thể kêu gọi người ta yêu mình, mà bản thân anh phải làm cho người khác yêu, rồi tự đến với mình. U19 Việt Nam đang làm được việc đó, nó khác hẳn với những gì mà khán giả vẫn thường thấy trong bóng đá nội nhiều năm qua!

Xin cám ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

{fcomment}