Chiếc bánh chưng của cha và những đêm khóc ướt gối của 9X ở Đà Lạt

ngày 22/11/2021

Bỏ công việc tốt ở thành phố về Đà Lạt tự lập, Anh Thư trải qua hành trình vô cùng gian nan, vất vả nhưng cô chưa từng hối hận.

Đã từng đi vay vài trăm nghìn tiền ăn, vừa làm vừa khóc

Đà Lạt vốn là thành phố mộng mơ, nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều người yêu thiên nhiên. Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này đều khó có thể quên được khung cảnh nơi đây. Nguyễn Anh Thư (24 tuổi, Vĩnh Phúc) cũng vậy.

Ra trường, Anh Thư được làm việc ở môi trường tốt. Mức lương 12 triệu không phải là quá thấp, đủ để cô trang trải sinh hoạt. Nhưng căn phòng nhỏ chỉ một mình và công việc luôn phải vùi đầu vào máy tính khiến Thư cảm thấy không còn hứng thú.

Trong khi đó, một lần được lên Đà Lạt chơi khiến Anh Thư nhung nhớ khôn nguôi mảnh đất này. Cô đã nung nấu ý định rời Hà Nội, đến thành phố sương mù sinh sống.

Nghĩ là làm, tháng 6/2020, Anh Thư nhờ người quen trong Đà Lạt tìm nông trang để cô có thể vào đó làm việc.

Tình yêu Đà Lạt thôi thúc Anh Thư từ bỏ công việc ở Thủ đô về quê lập nghiệp.

Việc tìm kiếm nông trang không hề đơn giản. Thư nhờ nhiều người nhưng phải đến gần nửa năm sau, dự định của cô mới thành hiện thực. Một người chị đã tìm cho Thư một nông trang làm hồng treo gió ở Đà Lạt.

“Mình luôn muốn phát huy sản phẩm hồng treo gió tự nhiên. Mục tiêu mình hướng tới khi tìm nông trang là phải có cây hồng, có sản lượng thu hoạch rõ ràng qua 3 năm gần nhất, có vòm treo và ở khu Cầu Đất”, Anh Thư cho hay.

Tuy nhiên, quyết định của Anh Thư bị gia đình phản đối dữ dội.

“Nhà mình có 3 người: ba, em trai và mình. Nhà ít người nên quyết định đi lập nghiệp của mình ban đầu bị ba phản đối dữ lắm.

Những cây hồng sai trĩu quả trong nông trang của Thư.

Mình cũng thương ba và em nhưng vì tuổi trẻ thôi thúc, mình quyết định thuyết phục. Mình nói ba nghe về khát vọng tuổi trẻ, về mong ước được là chính mình. Mình muốn được một lần sống cho ra sống để không phải hối tiếc về điều gì cả”, Thư chia sẻ.

Khuyên con gái không được, cuối cùng ba Thư cũng phải đồng ý cho con vào Đà Lạt.

Tháng 12/2020, 9X khăn gói 18kg hành lý kí gửi lên Đà Lạt. Một mình Thư thuê 1 căn nhà trọ cách nông trại cô đã nhờ người tìm 3km để thuận tiện đi lại.

Vụ hồng vào mùa ở Đà Lạt khiến người ta nao lòng.

Vào nông trang, việc đầu tiên Thư chọn là làm thêm cho chủ trang trại để lấy kinh nghiệm. Từ một người làm thuê, Thư hiểu được quy trình sản xuất và những khó khăn, thuận lợi của công việc. Cô tích lũy dần kinh nghiệm cho bản thân để đến tháng 1/2021 bắt đầu hành trình của mình.

Ước mơ của 9X là có thể thuê lại nông trang, tự mình làm sản phẩm hồng treo gió. Nhưng tiền vốn ít ỏi làm Thư chùn bước. Sau đó, nghĩ đến những hoài bão và công sức, Thư quyết định “chơi lớn” một lần.

“Tháng 1/2021, mình vay mượn, cầm cố sổ đỏ của ba, chính thức kí với cô chú hợp đồng thuê nông trang trong 2 năm. Đối với mình, đó là một quyết định vô cùng quan trọng. Mình cảm ơn ba đã cùng mình mà cố gắng”, Anh Thư chia sẻ.

2 năm khởi nghiệp lắm nước mắt, ít nụ cười

Những tưởng mọi thứ sẽ cứ thế diễn ra suôn sẻ nhưng hành trình “bỏ phố về quê” của Thư quá nhiều gian nan, trắc trở. Bản thân Thư cũng không ngờ mọi việc lại khó khăn đến vậy.

Dù đã vạch ra kế hoạch rõ ràng cho tương lai nhưng thời gian đầu chưa quen sống 1 mình, Thư liên tục khóc.

“Chưa một lần nào nghĩ lại hành trình lên đây sống mình không khóc. Mình đi đúng dịp cuối năm. Năm đầu tiên xa nhà, tối nào mình cũng khóc. 20 tháng Chạp mình vẫn còn trong Đà Lạt, vẫn phụ cô chú đóng hồng. Nỗi nhớ nhà, nhớ ba cứ ùa về. Mình quyết định trở về nhà ăn Tết. Mình không biết đã khóc bao lâu trên máy bay ngày về Bắc”, Thư bộc bạch.

Tuy nhiên, sau khi được gặp ba, được ba và em động viên, Thư lại quyết tâm trở lại. Ý chí tuổi trẻ thôi thúc cô gái 9X phải làm hết mình mới có được thành công.

Hồng treo đón gió hanh đẹp như một bức tranh phong cảnh.

“Ăn Tết xong mình vào lại Đà Lạt. Vẫn căn phòng trọ ấy, vườn tược ấy, cây cối ấy, mình bắt đầu hành trình về rừng. Nó khó khăn hơn mình nghĩ quá nhiều. Sự vất vả, chông chênh, nước mắt là tất cả những gì mình phải trải qua”, Anh Thư kể.

Thư nhớ, tháng 4-5-6 là thời điểm bơ 034 vào vụ. Thư luôn nghĩ có thể mang số bơ đó đi bán để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Vì tình hình dịch bệnh, bơ xuống giá, thối hỏng phải bỏ đi rất nhiều.

“Mình suy sụp và trống rỗng. Mình không thể ngờ nó lại xảy ra như thế”, Thư xúc động.

Công việc vất vả suốt ngày. Cộng thêm nỗi nhớ gia đình khiến Thư thực sự nản chí.

Đã vậy tiền bạc lại không có làm Thư lo lắng vô cùng. Đã có lúc cô gái trẻ phải đi vay từng bữa ăn, vài trăm nghìn để lo tiền sinh hoạt. Nản là thế nhưng chỉ cần nghĩ đến lời ba, Anh Thư lại vững vàng hơn.

Thư luôn muốn mang đến một sản phẩm chất lượng nhất.

Hình ảnh người ba ngày nào tiễn con gái ra sân bay cứ hiện hữu trong tâm trí Anh Thư.

“Trước lúc đi ba mình có dặn, hãy sống và cố gắng làm việc hết sức lực của con. Khi nào không thể cố gắng nữa thì hãy nghĩ đến ngày ba đưa con ra sân bay, nghĩ xem lúc đó con đi vì điều gì?

Hành trang ba gói cho mình ra sân bay là 2 cái bánh chưng và 1 cây giò Bắc. Với mọi người đó là bình thường, nhưng với mình đó là tình quê nhà mà ba gửi gắm nơi đây”, Thư nói.

Nhờ niềm tin nơi gia đình và sự giúp đỡ của những người xung quanh, cô gái trẻ lại được tiếp thêm sức mạnh.

Thư bắt đầu tính toán chuyện làm ăn. Vào vụ hồng, cô phải thuê người leo lên cây cao chót vót hái. Công việc tưởng đơn giản mà rất cực. Mỗi trái hồng hái ra phải cẩn thận bỏ vào giỏ, không được dập, nát. Hồng phải có màu vàng đậm và cứng thì mới đủ tiêu chí để treo.

Nhiều người nghĩ đơn giản, hồng cứ gọt vỏ rồi mang treo là được. Nhưng thực tế đó là công đoạn hết sức gian nan.

“Quá trình treo gió phụ thuộc thời tiết rất nhiều. Một mẻ hồng thành công hay không phải chờ 2 tuần sau khi lên giàn mới dám chắc. Vì sau đó, hồng mốc, rụng, rồi hỏng là điều hết sức bình thường”, Thư cho hay.

Nhiều người chọn cách sấy hồng bằng máy nhưng với Thư thì không. Vì muốn treo hồng thuần gió hanh, không can thiệp nhiệt sấy nên Thư phải dùng đến quạt, máy hút ẩm. Mỗi sáng nhìn vào máy thấy nhiều nước là Thư lại lo lắng vô cùng.

Mỗi ngày 9X dậy từ 6h sáng, đến gọt hồng cùng với các cô chú, anh chị trong nông trang. Có những ngày cô đi hái hồng từ sáng đến tối mới về. Sáng hôm sau tất cả lại mang hồng ra treo.

Dù vụ hồng chỉ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau nhưng công việc lại làm không xuể. Sau công đoạn treo khô còn phải đóng gói bảo quản và chuyển đến người tiêu dùng.

“Nói là thành công với mình lúc này thì không phải. Nhưng thời gian qua, mình đã có được rất nhiều điều đáng trân quý. Ít nhất sản phẩm của mình cũng được nhiều người biết đến. Và đó thực sự là sản phẩm làm bằng cái tâm của người trẻ như mình”, Thư bộc bạch.

Anh Thư cũng hi vọng 2 năm tới có thể kết nối các vùng trồng của các nông trang khác cạnh nơi Thư làm việc. Quy mô lớn, chung sức đồng lòng sẽ giúp 9X đưa được sản phẩm hồng treo gió thuận tự nhiên giới thiệu nhiều hơn tới mọi người.

Dù cho đến hiện tại, có những con đường đi không đúng ý định ban đầu vạch ra nhưng Thư vẫn chưa từng hối hận vì quyết định năm đó. 9X cũng luôn tự nhủ, mỗi ngày phải cố gắng thật nhiều.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/chiec-banh-chung-cua-cha-va-nhung-dem-khoc-uot-goi-cua-9x-o-da-lat-794752.html