Từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có thêm một dòng chữ nào về lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dù Bộ GD&ĐT đã từng hứa sẽ thực hiện yêu cầu này của Hội Khoa học Lịch Sử.
Sách giáo khoa môn Lịch Sử (SGK) bậc trung học phổ thông chưa nhắc đến hoặc nhắc đến chưa tương xứng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Sau 3 thập kỷ cuộc trận hải chiến Gạc Ma, sự kiện này vẫn chưa được đưa vào SGK Lịch sử. PV Infonet có cuộc trao đổi với ThS.Trần Trung Hiếu - giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ths. Trần Trung Hiếu trao đổi với PV Infonet.
Theo Ths. Trần Trung Hiếu: "Một thực tế đáng để chúng ta phải suy nghĩ là, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp ngày càng có nhiều hành động phiêu lưu quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận.
Điều đáng lo ngại và xót xa hơn là trong nội dung và chương trình sách giáo khoa Lịch Sử phổ thông hiện hành không có bất cứ một câu chữ nào nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, Gạc Ma.
Với góc độ là một giáo viên Sử phổ thông, tôi thật sự thất vọng và cũng không giải thích được vì sao kiến thức lịch sử về vấn đề chủ quyền gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc và có tầm quan trọng đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ như thế mà người ta lại cố tình né tránh vì bất kỳ lý do gì để không đưa vào sách giáo khoa phổ thông môn Lịch Sử?
Tháng 8/2012, Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch Sử đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử trong trường phổ thông Việt Nam. Rất nhiều ý kiến phát biểu và bài viết tham luận của các chuyên gia hàng đầu đã đặt thẳng vấn đề dứt khoát phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong chương trình sách giáo Lịch Sử khoa phổ thông.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì Hội thảo trong phần phát biểu kết luận đã hứa sẽ chỉ đạo bổ sung, chỉnh sửa những bất cập trong sách giáo khoa, trong đó có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng với lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã làm việc với Ban thường vụ Hội Khoa học Lịch Sử. GS Phan Huy Lê - Chủ tịch HộiKhoa học Lịch Sử đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và Bộ GD&ĐT kết luận đưa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông Lịch Sử.
Đến Hội thảo “kín” (mà giới Sử học gọi là Hội thảo “không báo chí”) của Bộ GD&ĐT ngày 3/11/2015, qua bài phát biểu của GS Phan Huy Lê, tất cả các đại biểu mới vỡ lẽ rằng, từ bấy lâu nay người ta lúc nào cũng hứa mà trong thực tế lại không làm gì cả!
Tại hội thảo này, GS Phan Huy Lê đã thẳng thắn chất vấn tại sao cho đến giờ phút này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và sách giáo khoa Lịch sử phổ thông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - người chủ trì hội thảo sau một hồi “vòng vo” đã khẳng định vấn đề giáo dục về biển đảo đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường phổ thông rồi và Bộ sẽ gửi Báo cáo về nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo trả lời các đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, thay cho trả lời chính thức kiến nghị của GS Phan Huy Lê từ trước đến nay.
Ngày 15/11/2015, sự thật về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Hoàng Sa lại được GS Nguyễn Quang Ngọc trình bày trước lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học Lịch Sử và các giáo viên Sử trên toàn quốc. Trên thực tế từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có thêm một dòng chữ nào về lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa”.
Ths. Trần Trung Hiếu đang hàng ngày giảng dạy Sử cho các em học sinh nhưng ông thừa nhận, SGK Lịch Sử còn quá thiếu sót.
Điểm danh những bài học Lịch Sử lãng quên chủ quyền biển đảo
ThS Trần Trung Hiếu chỉ rõ, rất nhiều bài học trong sách giáo khoa Lịch sử từ THCS đến THPT đều có thể đưa vấn đề biển đảo, Trường Sa, Hoàng Sa, trận hải chiến Gạc Ma... vào nhưng tất cả đều không đề cập.
Cụ thể: “SGK Lịch Sử lớp 7, bài 20: Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44- Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ, hoàn toàn không vẽ và không giải thích về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Ở bài 25: Phong trào Tây Sơn, trang 123, hình 57: Lược đồ Tây Sơn khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến và chống quân xâm lược nước ngoài, tuy có đánh đấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác nhưng không có thông tin nào nói đến chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này dưới thời Tây Sơn.
Ở bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn, trang 135, hình 61- Lược đồ các đơn vị hành chính thời Nguyễn (từ năm 1832) tuy có đánh dấu Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác nhưng không giới thiệu một thông tin nào về chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này dưới thời Nguyễn.
SGK Lịch Sử lớp 9, bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954), trang 122, hình 53- Hình thái chiến trường trên mặt trận Đông Xuân 1953-1954, tuy có đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác nhưng không giới thiệu một thông tin nào về hoạt động của quân dân ta ở Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm 1953-1954.
Ở bài 30SGK Lịch Sử lớp 9: Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973-1975), trang 163, hình 77- Lược đồ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, có đánh dấu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có vẽ đường mũi tên từ khu vực Cam Ranh ra Trường Sa nhưng không có lấy một lời giải thích, nên người đọc không thể hiểu được vấn đề lịch sử chủ quyền ở đây là như thế nào.
SGK Lịch Sử lớp 10, ở bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn, trang 126, hình 49- Lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng, tuy có đánh dấu vị trí Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác nhưng không có một lời giải thích nào về chủ quyền của Việt Nam.
SGK Lịch Sử lớp 12, ở Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975), trang 193, hình 79- Lược đồ diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giống như lược đồ của SGK Lịch Sử lớp 9, và học sinh cũng không thể nào nhận ra lược đồ này “thể hiện rõ quân ta giải phóng đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn”.
Như vậy, hầu hết các lược đồ chỉ xác định vị trí của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khung chung của một bản đồ nền chính thức Việt Nam hiện nay mà không minh chứng cho một vấn đề nào của chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử. Ngoài ra, SGK Lịch Sử phổ thông đều không nhắc đến 2 sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo này sau năm 1975 là sự kiện đầu năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ quân đội VNCH và sự kiện Gạc Ma năm 1988.
"Và về mặt lý thuyết, trong bản đồ hành chính Việt Nam cũng như những kiến thức lịch sử, địa lý trong SGK phổ thông vẫn ghi diện tích nước ta là 333.000 km2. Nhưng trên thực địa, diện tích lãnh thổ mà Việt Nam đang có chủ quyền chắc chắn sẽ không còn như thế. Sự thật là, sau những lần Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988), chúng ta đã mất từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Những sự thật lịch sử mà cả thế giới biết, nhiều người Việt Nam rõ và thấy xót xa, lẽ nào lại không được nói đến trong chương trình SGK Lịch Sử hiện hành? Học sinh phổ thông vì thế sẽ hoài nghi SGK, sẽ cập nhật những kiến thức đó trên internet, sẽ hỏi thầy cô giáo, và chúng ta sẽ giải thích như thế nào về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa?”, Ths. Trần Trung Hiếu phân tích.
Cũng theo Ths. Trần Trung Hiếu, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội KHLS trong bản tham luận Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học lịch trong trường phổ thông Việt Nam có nói: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang bi hùng được viết bằng máu xương của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chăm Pa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay.
Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước, không chỉ là quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta mà hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Nguồn 24h
-
Qatar chi tiền thuê CĐV giả tại World Cup 2022?
-
Góc chiến thuật PSG - Arsenal: Công & tội của Wenger
-
Những vụ thu hồi đồ chơi trẻ em tai tiếng nhất thế giới
-
Cập nhật bảng xếp hạng top trường đại học uy tín nhất tại Ba Lan
-
Kiếm tiền triệu nhờ bắt lươn giữa các cao ốc Hà Nội
-
Nhiều doanh nghiệp điện gió thua lỗ
-
CEO Thắng Lợi Group sắc bén trên ghế nóng
-
Ngân sách phải `giật gấu vá vai` để trả nợ, tăng lương
-
Nissan March Midnight Edition sắp trình làng
-
Sự thật doanh nghiệp kêu lỗ vì tỷ giá