Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội

ngày 19/02/2016

Hàng ngàn người hòa vào đoàn rước kiệu vua, chúa từ đền Sái về đình làng trong lễ hội rước vua giả ở Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội).

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 11.1 Âm lịch hằng năm, người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội lại tổ chức nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra đền Sái để tưởng nhớ công ơn của vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp vua An Dương Vương trừ yêu quái xây thành Cổ Loa.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 1

Hôm nay (18.2) tức ngày 11.1 Âm lịch, đông đảo người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) lại tưng bừng mở hội làng với nghi lễ rước vua, Chúa giả.

Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành.

Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái của Thất Diệu Sơn. Vua, Chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.

Từ xưa, những người vào vai vua, chúa trong lễ hội rước vua giả được tuyển chọn rất khắt khe về đức độ, sức khỏe cũng như tuổi tác. Vua, chúa phải trên 80 tuổi, 4 quan thị vệ phải trên 70 tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi trong làng ngày càng ít đi nên tiêu chí chọn vua, chúa và quan thị vệ giảm xuống.

Bà Âu (84 tuổi), một người cao tuổi trong làng cho biết: “Làm vua, chúa phải ngồi trên kiệu cao, rung lắc, rước đường xa nên nhiều người không đảm bảo sức khỏe. Cùng với đó, người cao tuổi trong làng cũng ít đi nên mấy năm gần đây, làng hạ tiêu chí chọn vua, chúa xuống lấy những người trên 70 tuổi và các quan thị vệ là trên 60 tuổi”.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 2

Theo các cụ cao niên trong làng, những người được chọn làm vua, chúa phải được lựa chọn rất kỹ lưỡng và khắt khe về đức độ, sức khỏe cũng như tuổi tác. Vua, chúa phải trên 70 tuổi còn 4 vị quan tứ trụ triều đình gồm: quan Thị vệ, quan Tán Lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ trên 60 tuổi.

Theo bà Âu, những người được chọn làm vua, chúa phải trải qua quá trình làm quan thị vệ. Chồng bà cũng đã từng 2 năm làm quan thị vệ nhưng đến khi được làng chọn làm vua nhưng không đảm bảo sức khỏe nên không dám đảm nhận vị trí đó.

“Ông ấy cũng hối tiếc lắm nhưng vì lý do sức khỏe nên phải từ bỏ. Mấy năm trước cũng có người vào vai chúa ngồi trên kiệu rung lắc, chao đảo nhiều quá về phát ốm, sau phát bệnh nặng không qua khỏi”, bà Âu chia sẻ.

Năm nay, ông Ngô Hữu Trọng (70 tuổi) vinh dự được chọn vào vai vua. Ông Trọng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì được dân làng lựa chọn làm vua. Đây không chỉ là vinh dự cho tôi mà còn cho cả tổ tiên, dòng họ”.

Được lựa chọn vào vai Chúa, ông Lê Đình Thúy (71 tuổi) cho hay: “Kiệu Chúa phải nâng lên hạ xuống và xoay liên tục để dọn đường cho vua đi lên ngồi trên đó cũng hơi run. Nhưng vì trọng trách với làng và vinh dự cho dòng tộc nên tôi vẫn đảm nhận. Trước khi lên kiệu, tôi phải ngậm sâm để đảm bảo sức khỏe trên đoạn đường rước dài. Dù mệt nhưng năm sau được dân làng lựa chọn và sức khỏe cho phép tôi vẫn sẽ làm chúa hoặc vua”.

Một số hình ảnh tại lễ rước vua giả ở Thụy Lôi (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội):

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 3

“Vua” Ngô Hữu Trọng (70 tuổi) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì được dân làng lựa chọn làm vua. Đây không chỉ là vinh dự cho tôi mà còn cho cả tổ tiên, dòng họ”.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 4

Người vào vai Chúa là ông Lê Đình Thúy (71 tuổi). Chúa mặc quần áo vàng, mặt đỏ như máu.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 5

Sau khi làm lễ ở đình làng, kiệu vua, Chúa được rước từ đó về đền Sái cách đó chừng 2km để tiếp tục làm lễ bái. Chúa sẽ ngự ở đền Sái, vua và 4 tứ trụ triều đình sẽ về ngự ở đến Thượng cách đó 200 mét.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 6

Đến khoảng 13 giờ, Chúa sẽ từ đền Sái sang đền Thượng đón vua.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 7

Tại đây, vua cùng chúa làm lễ bái các vị thần linh.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 8

Chúa sẽ thực hiện nghi lễ chém gà ở đền Thượng để tái hiện lại tích thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 9

Vua cùng con cháu làm lễ bái lạy tại đền Thượng. Sau đó, vua về nhà làm lễ kính báo lên tổ tiên, dòng họ.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 10

Khi các thủ tục tại đền Sái và đền Thượng xong xuôi, kiệu Chúa và kiệu vua được rước quay trở về đình làng.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 11

Đi đầu đoàn rước là kiệu Chúa. Cứ mỗi đoạn, các thanh niên khiêng kiệu lại nâng cao kiệu Chúa và hò dô rồi chạy ngược chạy xuôi để dẹp đường cho vua đi.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 12

Kiệu của vua đi ngay sau kiệu Chúa. Vua mặc quần áo long bào, đội mũ ngồi uy nghi trên kiệu.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 13

Đi sau cùng là kiệu rước của 4 vị quan tứ trụ triều đình.

Biển người chen chân xem rước vua giả ở Hà Nội - 14

Đông đảo người dân cùng du khách thập phương hòa vào cùng đoàn rước kiệu vua, chúa từ đền Sái về đình làng.

Nguồn 24h