Bên trong chiếc valy hạt nhân bất ly thân của tổng thống Mỹ

ngày 05/08/2016

Chiếc valy da màu đen bí ẩn luôn đi theo tổng thống Mỹ, cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động tấn công hạt nhân từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

ben-trong-chiec-valy-hat-nhan-bat-ly-than-cua-tong-thong-my

Chiếc cặp da màu đen chứa các tài liệu tuyệt mật, cho phép tổng thống Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân từ bất cứ đâu. Ảnh minh họa: AP

"Không nên để ông ấy đặt tay lên nút bấm đó", ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton hồi tháng 6 nói, nhắc tới đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump và một nút khởi động vũ khí hạt nhân đặc biệt.

"Tôi sẽ không trở thành một kẻ châm ngòi như ai đó", tỷ phú Trump hồi tháng 4 tuyên bố trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình, ám chỉ bà Clinton. "Tôi sẽ là người cuối cùng dùng tới vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh.

Câu chuyện về kho vũ khí hạt nhân có khả năng cướp đi sinh mạng của hai tỷ người, cũng như quyền hạn kích hoạt chúng trong tay ông chủ Nhà Trắng luôn là đề tài nóng hổi, được bàn tán sôi nổi trên khắp nước Mỹ.

Thực tế, theo Washington Post, "nút bấm" mà bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump nhắc tới ở đây chỉ là một hình ảnh ẩn dụ, không có thật. Thay vào đó, mọi thứ liên quan đến quá trình khởi động kho vũ khí hạt nhân Mỹ đều nằm trong một chiếc valy màu đen, làm bằng nhôm, bọc da, nặng khoảng 20kg. Tổng thống Mỹ luôn mang theo nó bên mình dù đi đến bất kỳ đâu.

Chiếc valy được bảo quản và vận chuyển bởi 5 sĩ quan trợ lý của quân đội, mỗi người đến từ một binh chủng thuộc lực lượng vũ trang Mỹ.

"Bạn lúc nào cũng ở trong trạng thái tâm lý lo lắng, hồi hộp", nguyên chỉ huy không quân Mỹ Robert Patterson, người từng đảm nhận nhiệm vụ mang valy hạt nhân cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chia sẻ.

Sĩ quan quân đội được lựa chọn để xách valy hạt nhân cho tổng thống Mỹ còn phải trải qua huấn luyện đặc biệt để có thể lập tức hỗ trợ ông chủ Nhà Trắng trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân.

Khi muốn xác nhận triển khai một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ sẽ phải dùng đến một tấm thẻ ghi mã xác thực. Tấm thẻ này cũng là vật bất ly thân của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ.

Chiếc valy được gọi bằng mật danh là "quả bóng" còn tấm thẻ mang tên "bánh bích quy". Theo AP, "quả bóng" luôn ở trên cùng máy bay, trực thăng, ôtô, thậm chí cả thang máy với tổng thống Mỹ.

Washington Post cho biết những tài liệu hướng dẫn chứa trong "quả bóng" giống như một cuốn thực đơn. Song thay vì chọn món ăn, tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn các thành phố hay cơ sở quân sự của đối phương để tấn công.

Theo Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, bên cạnh "bánh bích quy", "quả bóng" còn chứa một cuốn sách dày 75 trang chứa các lựa chọn triển khai tấn công hạt nhân trả đũa in bằng mực đen và đỏ, một cuốn sách khác chứa danh sách các địa điểm tuyệt mật là nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống, một tập văn bản gồm 10 trang hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp.

Thỉnh thoảng, người ta còn thấy một đầu ăng-ten lộ ra khỏi chiếc valy hạt nhân của tổng thống Mỹ. Vì thế, nhiều người suy đoán bên trong "quả bóng" còn có cả một thiết bị liên lạc nào đó.

Theo một số lời đồn, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng có lần vô tình ném "bánh bích quy" vào máy giặt quần áo. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton bị đồn là đã quên chỗ để "bánh bích quy" và không nói điều này với ai trong suốt nhiều tháng.

"Bánh bích quy" cũng được cho là nằm trong túi của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đến thăm Hiroshima hồi tháng 5. Hiroshima là một trong hai thành phố của Nhật Bản phải hứng chịu bom nguyên tử từ Mỹ cách đây 71 năm.

Tổng thống Mỹ hiện nắm quyền kích hoạt khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân, được bố trí tại rất nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Một số nằm sâu dưới các hầm ngầm ở Montana, Bắc Dakota, Wyoming, Nebraska hay Colorado. Số khác đi theo các tàu ngầm hạt nhân Mỹ tuần tra ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương. Nhiều đầu đạn lại đang trong trạng thái sẵn sàng, chỉ chờ để gắn lên các chiến đấu cơ Mỹ đóng tại Missouri, Bắc Dakota, Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đầu đạn hạt nhân có thể được phóng chỉ vài phút sau khi tổng thống Mỹ ra lệnh, nhắm tới bất cứ vị trí nào trên thế giới trong vòng nửa tiếng và có sức công phá mạnh gấp 20 lần quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima hơn 7 thập kỷ trước. Tổng thống Mỹ có khả năng ra mệnh lệnh phát động tấn công hạt nhân mà không cần tham khảo quốc hội cũng như không bị Tòa án Tối cao chất vấn.

Dù chi tiết quy trình triển khai thứ vũ khí hủy diệt này là tuyệt mật, theo một số nguồn tin am hiểu sự việc, Mỹ hiện duy trì "luật hai người" đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, bộ trưởng quốc phòng phải xác nhận lệnh từ tổng thống trước khi nó phát huy hiệu lực.

Nguồn Vnexpress