IBEC: Tập trung phát triển chức năng cung cấp tài trợ thương mại

ngày 27/11/2019

Một số kết quả tích cực mà IBEC đạt được như: danh mục tín dụng - tài trợ thương mại của IBEC tăng mạnh và tính đến 30/9/2019 đạt 219,5 triệu EUR, tăng gần 10 lần so với thời điểm cuối năm 2017 (22 triệu EUR); tháng 3/2018, IBEC lần đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm và được Fitch cấp xếp hạng tín nhiệm mức BBB-, triển vọng ổn định và mức xếp hạng này tiếp tục được duy trì đến hiện nay;

Hay vào tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, IBEC đã phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên tại Nga với quy mô gần 99 triệu EUR.

“Qua đó giúp IBEC tiếp cận nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn và đánh dấu bước tiến mới trong hoạt động của IBEC, góp phần củng cố hình ảnh và vị thế của IBEC trong cộng đồng tài chính quốc tế”, Phó Thống đốc nói.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo bà Hồng, một trong những định hướng quan trọng được tất cả các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ trong Chiến lược Phục hồi và Phát triển của IBEC là việc tập trung phát triển chức năng cung cấp tài trợ thương mại cho giao dịch giữa các nước thành viên và giữa các nước thành viên với phần còn lại của thế giới. Đây là định hướng rất phù hợp với mô hình phát triển của các nước và thế mạnh của Ngân hàng.

“Đối với Việt Nam - là quốc gia định hướng xuất khẩu, thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực với việc ký kết và triển khai một loạt các Hiệp định thương mại tự do, tạo khuôn khổ cũng như tiền đề, động lực cho thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước liên quan. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một trong những cơ sở nền tảng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước thành viên IBEC thuộc khu vực Trung - Đông Âu và Á - Âu”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hồng, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra hiện nay là làm thế nào để triển khai hiệu quả trên thực tế và phát huy tối đa các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho tất cả các bên. Để đạt được điều này, bên cạnh các yếu tố mang tính quyết định khác, sự tham gia và hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế như IBEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giao thương giữa các bên thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng, tiện lợi, góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện một cách hiệu quả.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu về IBEC và vai trò của IBEC trong hỗ trợ phát triển thương mại ở Việt Nam. Các đại biểu đưa ra các đánh giá, phân tích về cơ hội và tiềm năng phát triển hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung - Đông Âu và Á - Âu. Đồng thời, diễn đàn còn là kênh chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về hợp tác giữa doanh nghiệp Nga và Việt Nam, hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ blockchain và số hóa trong phát triển các sản phẩm tài trợ thương mại.

Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn: “Thông qua Diễn đàn Kinh doanh ngày hôm nay, các bên sẽ có cơ hội bước đầu tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác nhằm phát huy tối đa tiềm năng vốn có của mỗi bên để hướng tới sự hợp tác hiệu quả và bền vững trong tương lai. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động tiền tệ - ngân hàng tại Việt Nam cũng như là cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IBEC, NHNN sẽ luôn luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực các bên liên quan để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.”

IBEC là một tổ chức tài chính quốc tế gồm 8 nước thành viên (Bungari, Việt Nam, Mông Cổ, Ba Lan, Liên bang Nga, Rumani, Slovakia và Cộng hòa Séc) được thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Matxcơva, Liên bang Nga.

Nhiệm vụ chính của IBEC là tài trợ thương mại, cấp tín dụng, thanh toán đa phương và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác để hỗ trợ các nước thành viên thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế. Việt Nam tham gia tổ chức tài chính quốc tế IBEC từ năm 1977.

Với bề dày hợp tác lâu năm giữa IBEC và các nước thành viên trong đó có Việt Nam, cùng kinh nghiệm và thế mạnh vốn có của IBEC trong lĩnh vực tài trợ thương mại và thanh toán đối ngoại, Diễn đàn là cơ hội để IBEC và các bên liên quan chia sẻ thông tin, tìm hiểu và đi đến hợp tác, làm ăn.

Đặc biệt, sẽ mở ra nhiều cơ hội để IBEC có thể phát huy vai trò như một cửa ngõ quan trọng để kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên IBEC nói riêng và khu vực Trung - Đông Âu và Á - Âu nói chung trên cơ sở phát huy và tận dụng tối đa các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nước thành viên trong khu vực.


Nguồn: Báo ĐTCK