Rất nhiều người dùng điện thoại 3G bị trừ tiền cước một cách âm thầm mà họ không hay biết
Gần đây, nhiều chủ thuê bao di động bức xúc vì bị trừ tiền cước hàng tháng trời cho những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) mà họ không hề đăng ký. Nguyên nhân là do họ đã vô tình nhấn (click) vào những đường link “xấu” trên Facebook hay những trang tin tức, quảng cáo giả mạo có tính năng tự kích hoạt đăng ký dịch vụ do một số công ty dịch vụ nội dung cài đặt.
Mất tiền triệu cước điện thoại
Anh N.T.P (TP HCM), một chủ thuê bao VinaPhone, cho biết cũng từng nhận được tin nhắn báo anh đã đăng ký thành công dịch vụ xem tin tức bóng đá với cước phí 5.000 đồng/ngày. Gọi lên nhà mạng, anh P. mới “tá hỏa” số thuê bao của anh “bị” đăng ký dịch vụ này đã 2 tuần. Cách đây 1 tháng, khi kiểm tra bảng kê chi tiết thuê bao trả sau Viettel của mình, anh T.V.H (TP HCM) mới phát hiện mỗi ngày bị trừ 5.000 đồng trong gói cước 150.000 đồng/tháng cho dịch vụ thông tin về du lịch mà anh không đăng ký.
Người dùng có nguy cơ mất tiền khi vào những đường link giả mạo có nội dung gây sốc
Ông Tr.V.T, CEO của một công ty công nghệ tại TP HCM, mới đây đã “tố” trên trang Facebook cá nhân rằng hàng loạt trang chuyên tung ra các đường link để dụ người dùng click vào. Ông T. cho biết những trang này giả mạo các trang báo, tin tức chính thống để tung ra các thông tin sốc dụ người dùng nhưng khi bấm vào lại hiện ra những tên miền “rác”. “Bấm vào những link này, lập tức 1 cổng thanh toán nhà mạng nhảy lên tự động trừ tài khoản điện thoại. Các dịch vụ này tiếp tục trừ tiền mỗi ngày mà không cần người dùng có đồng ý hay không” - ông T. bức xúc. Phản hồi trên trang Facebook của ông T., một số chuyên gia công nghệ cho biết nhiều công ty dịch vụ nội dung đã mời họ hợp tác để tạo ra các trang web, đường link lừa người dùng nhưng họ đã từ chối việc làm “thất đức” này.
Anh H.T, chủ một trang bán hàng trực tuyến, cho biết: “Do nhu cầu công việc nên phần lớn thời gian tôi thường dùng điện thoại có 3G vào nhiều trang thông tin và các trang web để cập nhật tin tức và tìm hiểu xu hướng thị trường. Tôi rất ít thực hiện cuộc gọi nhưng tháng vừa rồi, tôi phải trả đến hơn 1,5 triệu đồng cước cho 2 số thuê bao. Thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu là tạo những trang thông tin với tin tức, bài vở y hệt các trang báo chính thống và nguy hiểm hơn, rất nhiều trang giả mạo này đang ung dung tồn tại trên mạng để bẫy người dùng”.
Thu lợi hàng tỉ đồng
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, cho biết: “Khi người dùng click vào những link giả mạo thì một mã lệnh thực thi hay một câu lệnh đăng ký sử dụng được kích hoạt và dùng chính số điện thoại của người dùng đăng ký các dịch vụ đã được định sẵn. Kẻ xấu đã sử dụng công nghệ đăng ký, kích hoạt tự động khi người dùng sử dụng các thiết bị di động có kết nối 3G truy cập vào các trang web hay những đường link được làm sẵn. Nguy hiểm hơn, do số tiền bị trừ mỗi ngày chỉ vài ngàn đồng/dịch vụ nên nhiều người dùng sẽ không để ý”.
Lý giải về việc tự động đăng ký các dịch vụ GTGT, các nhà mạng cho biết nhà mạng không tự động đăng ký dịch vụ cho khách hàng. Còn thuê bao khách hàng có đăng ký dịch vụ có thể là do vô tình truy cập các website, wapsite của các công ty dịch vụ nội dung. Trên trang web đó sẽ hiển thị nội dung mời đăng ký dịch vụ, khách hàng nhấn đồng ý, hệ thống nhắn trả tin đăng ký thành công dịch vụ. Do vậy, các nhà mạng khuyến cáo người dùng nên xem kỹ trước các quảng cáo, đường link để tránh tình trạng đăng ký các dịch vụ không mong muốn.
Tuy nhiên, các chuyên gia về viễn thông nhận định hành vi “lừa đảo” tinh vi này bắt nguồn từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và sự quản lý chưa chặt chẽ của các nhà mạng để bảo vệ người dùng. Các công ty này đã cho người phát tán các đường link lên Facebook để người dùng click vào. Kết quả là người dùng sẽ bị nhà mạng trừ tiền cước và các công ty dịch vụ nội dung cũng hưởng lợi. Theo ước đoán của các chuyên gia, chỉ riêng Facebook tại Việt Nam đã có đến hàng chục triệu người dùng và chỉ cần vài triệu người dùng click vào những đường link “bẩn” trên đây thì mỗi tháng, các công ty dịch vụ nội dung có thể thu về hàng tỉ đồng.
Hủy ngay dịch vụ đăng ký không mong muốn Theo các chuyên gia viễn thông, người dùng có thể tự kiểm tra và hủy dịch vụ GTGT để tránh mất tiền oan. Với thuê bao VinaPhone, soạn tin: TK gửi 123; Viettel: TC gửi 1228, MobiFone: KT gửi 994. Tin nhắn trả về của nhà mạng sẽ cho biết tình trạng sử dụng các dịch vụ GTGT của thuê bao. Khi phát hiện đang sử dụng dịch vụ GTGT không mong muốn, người dùng hãy hủy ngay dịch vụ này. Cách hủy có thể là vào phần quản lý sim trong máy điện thoại, sau đó vào dịch vụ GTGT mà mình muốn hủy rồi tắt/ngừng đăng ký các dịch vụ này. Người dùng cũng có thể hủy dịch vụ GTGT qua tin nhắn nhà mạng gửi tới, trong đó có phần hướng dẫn cú pháp hủy dịch vụ. |
Nguồn 24h
-
Siêu môtô Ducati 1299 Panigale S đầu tiên về Việt Nam giá 1 tỷ
-
Khối tiền tỷ để không của các `ông lớn` Việt khiến ngân hàng phát thèm
-
World Bank: VN nên bỏ con dấu doanh nghiệp
-
Điều gì tạo nên sức hút của nội thất sơn mài?
-
4 tiêu chuẩn chất lượng uy tín được trao tặng cho Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc
-
Dịp Giỗ tổ Hùng Vương, check - in những điểm du lịch hấp dẫn ở Ninh Bình
-
Cập nhật mới nhất chương trình đào tạo ĐH được kiểm định
-
Tuyển sinh ĐH 2019 nhóm ngành sức khỏe: Mù mờ điều kiện tuyển sinh
-
Chân dung người thừa kế `triều đại` Samsung
-
5 ưu điểm nổi bật không thể bỏ qua của nhà thép tiền chế