Bắc Kinh từ chối COC, Ngoại trưởng Philippines: TQ ép người quá đáng

ngày 12/07/2012

Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario đã không thể bình tĩnh trước sự ngang ngược của Trung Quốc đã công khai chỉ trích: “Trung Quốc ngày càng ép người quá đáng!”

Hội nghị ASEAN – Trung Quốc được tiến hành vào ngày hôm qua 11/7 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, trong đó vấn đề về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) được đặc biệt quan tâm kể từ sau vụ căng thẳng trên bãi cạn Scaborough và những động thái leo thang của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì khăng khăng không chịu ngồi đàm phán với ASEAN về COC chỉ vì lo ngại Bắc Kinh sẽ không thể thích làm gì thì làm trên biển Đông khi đã đặt bút ký vào COC
Philippines đã rất nỗ lực để đưa vấn đề tranh chấp biển Đông lên bàn nghị sự của ASEAN với mong muốn xây dựng một quy chế đáng tin cậy, có ràng buộc và phải được thi hành nhằm đảm bảo ngăn chặn sự tái diễn những hành vi tương tự hoặc hung hăng hơn từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên trong hội nghị ngày hôm qua Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đàm phán về COC với ASEAN với một cái cớ hết sức kệch cỡm và ngang ngược: Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002 do các bên đồng ý ký kết, nếu quốc gia nào đó không tuân thủ tuyên bố chung này thì rất khó tiếp tục bàn đến COC?!
Rõ ràng là Trung Quốc luôn tìm cách gây hấn trên thực địa, ép các bên liên quan rơi vào trạng thái căng thẳng nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm biển Đông làm ao nhà nhưng lại đổ vấy trách nhiệm ấy cho một “quốc gia nào đó”, mà ở đây, trực diện nhất là Philippines.
Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario đã không thể bình tĩnh trước sự ngang ngược của Trung Quốc đã công khai chỉ trích: “Trung Quốc ngày càng ép người quá đáng!

albert del rosario12072012
Thái độ của Trung Quốc khiến Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hết sức phẫn nộ mặc dù đã được dự báo trước về phản ứng ngang ngược của Bắc Kinh
Thái độ của Trung Quốc đối với COC không có gì quá khó hiểu và đã được dự báo trước do chủ trương ngang ngược và âm mưu độc chiếm biển Đông làm của riêng vẫn là chiến lược xuyên suốt của họ. Đối với Trung Quốc, COC về bản chất chính là "chiếc vòng kim cô" mà các bên liên quan mong muốn tạo ra để kiềm chế bớt sự hung hăng của Bắc Kinh.
Cũng trong ngày hôm qua 11/7, Tân Hoa Xã có đăng bài xã luận kêu gọi Ngoại trưởng các nước ASEAN “cảnh giác không để vấn đề biển Đông đánh lạc hướng”. Bắc Kinh vẫn khăng khăng thái độ cho rằng các cuộc họp của ASEAN “không thích hợp để thảo luận vấn đề này (Biển Đông), thay vào đó nên tập trung vào xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác.”
Làm sao có thể tin tưởng lẫn nhau và hợp tác với đối tượng luôn tìm cách áp đặt luật chơi lên các đối tác của mình và nhất quyết không chịu thống nhất một cơ chế đàm phán và một bộ quy tắc ứng xử của các bên liên quan?
Chính vì vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương và gây sức ép thông qua nước chủ nhà Campuchia để gạt vấn đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự.

Phản ứng của Trung Quốc không lạ nhưng khó chấp nhận, nó đã được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Doanh (Phó Oánh) đưa ra trong cuộc họp trù bị trước đó
Thậm chí người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng cáo buộc các cuộc thảo luận về vấn đề biển Đông là “cố ý thổi phồng” và được thiết kế để “can thiệp vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN cho biết: “Chắc chắn có những bất đồng đang tồn tại, nhưng chúng tôi đã liên tục chỉ ra rằng một sự hiểu biết thông thường có thể đạt được thông qua đàm phán hòa bình. Tôi tin tưởng rằng sự khôn ngoan tập thể của chúng tôi và sự chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn này.”
Trước đó, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về các nội dung chính của COC, nhưng vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc khăng khăng không chịu ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN về những nội dung này với các lý do hết sức ngô nghê và không có sức thuyết phục, tất cả chỉ là sự né tránh.
Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và nước chủ nhà, có quyền đưa ra lộ trình nghị sự, nội dung, thời gian và phạm vi trao đổi các vấn đề các bên cùng quan tâm. Phnom Penh đang tỏ ra thận trọng không để mất lòng giới chức Bắc Kinh.

Hồng Thủy
"theo báo Giáo Dục Việt Nam"