Xuất khẩu thủy sản giảm 30% trong tháng 8, cảnh báo đứt gãy chuỗi sản xuất

ngày 25/08/2021

Trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Việc sụt giảm này đến từ nguyên nhân dịch COVID-19 đã bùng phát tại các tỉnh phía Nam, ngoài ra 3 tại chỗ cũng đang khiến doanh nghiệp gặp khó. 

Theo Hiệp hội Chế biết và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có đà tăng ấn tượng từ đầu năm đến giữa tháng 7. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo "3 tại chỗ" và lưu thông, vận chuyển.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính buộc phải giảm công suất chế biến 30 - 90%, thậm chí tạm dừng sản xuất. Tính đến nay, có 123 cơ chế biến thủy sản tạm dừng hoạt động. Tổng công suất chế biến của ngành cũng chỉ khoảng 30-40% so với trước.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, nhiều chi phí mới phát sinh như chi bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển tăng từ 5 - 7 lần… Phí chồng phí tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp thủy sản.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 264 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP cho rằng, ngành thủy sản nếu không khôi phục các hoạt động trở lại vào tháng 9 sẽ dễ gãy đổ chuỗi sản xuất hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Riêng nuôi trồng thủy sản, nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn.

Do đó, VASEP đề xuất Chính phủ cần nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9.

Nguồn Tienphong