Xử lý kiểu 'hòa cả làng' sẽ còn nhiều dự án như Cát Linh - Hà Đông

ngày 23/09/2019

Dự án Cát Linh - Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng nhưng từ 2018 tới nay vẫn chưa thể vận hành chính thức - Ảnh: Ngọc Thắng - Đồ họa: Đông Xuân

“Ung nhọt gây nhức nhối”

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư, bày tỏ bức xúc khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ khi phê duyệt tới nay đã 10 năm nhưng chưa thể đưa vào sử dụng. Trong khi đó, tổng mức đầu tư vào dự án đã tăng hơn 2 lần, từ 8.800 tỉ đồng lên hơn 18.000 tỉ đồng.

“Nó giống như cái ung nhọt mà người dân Hà Nội mỗi khi đi qua đều cảm thấy nhức nhối”, ông Thưởng bày tỏ, đồng thời cho rằng dự án này còn là một điển hình về việc gây thất thoát ngân sách. “Để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân chính là sự thiếu trách nhiệm của Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN, những cơ quan được giao trách nhiệm là chủ đầu tư, chỉ đạo trực tiếp và quản lý nhà nước đối với dự án, đặc biệt trong việc chọn tổng thầu là một công ty không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, ông Thưởng phân tích.

Cùng quan điểm, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH), phân tích dự án 10 năm vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi số tiền vốn đã đội lên gấp hơn 2 lần, khiến ngân sách nhà nước phải gánh nợ. Đó là chưa kể tới những thiệt hại về mặt xã hội. “Nếu như vì vay vốn của TQ mà phải chấp nhận những thiệt hại như thế thì phải cắt các dự án theo kiểu ấy đi, chứ không phải bằng mọi giá vay vốn rồi cuối cùng phải biếu cả tiền, lãi suất cho họ, để ngân sách nhà nước phải gánh nợ mà đổi lại không được cái gì cả”, ông Xuyền phân tích.

Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Đề cập biện pháp xử lý, ông Xuyền cho rằng sau khi có kết luận của KTNN, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xem xét trách nhiệm cụ thể. “Nếu thực sự có những vấn đề liên quan tới trách nhiệm, vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, quá trình ký kết, đôn đốc thực hiện dự án... thì sẽ phải xử lý nghiêm khắc để dự án này trở thành một bài học đối với các dự án lớn sau này, qua đó nâng cao trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong quyết định chủ trương đầu tư. Không xem xét trách nhiệm đến nơi đến chốn, cứ hòa cả làng thì nó sẽ tiếp diễn, sẽ còn nhiều dự án xảy ra tình trạng tương tự”, ông Xuyền nhấn mạnh, đồng thời đề nghị phải làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của cá nhân, của chủ đầu tư, cơ quan chủ quản để trả lời cho công luận.

Ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Hòa Bình, nhìn nhận theo như kết luận của KTNN mà báo chí đăng tải thì những sai phạm trong triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là rất nghiêm trọng, từ việc ngay lúc đầu đã biết không hiệu quả nhưng vẫn làm hay việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt thẩm quyền...

“Như kết luận KTNN thì công ty tư vấn của nước ngoài cố tình đưa kết quả không khách quan để chủ đầu tư căn cứ vào đó quyết định một dự án lớn như vậy thì rõ ràng là một sai sót rất lớn. Nếu điều này là đúng sự thực thì không thể chỉ xử lý, kiểm điểm về mặt hành chính mà cần phải khởi tố để điều tra hành vi cố tình sai phạm”, ông Sinh nêu.

Cũng theo ông Sinh, dự án Cát Linh - Hà Đông là một điển hình về trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là đối với các dự án có nguồn vốn của các đối tác nước ngoài thiếu năng lực như các đối tác TQ. Song, bên cạnh đó, trách nhiệm phía các tổ chức, cá nhân của VN cũng rất lớn. “Chắc chắn phải có sự “tiếp tay” của quan chức VN đối với việc triển khai dự án. Khi mình biết rõ là không hiệu quả mà vẫn cho triển khai dự án thì không hiểu là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trước đất nước, trước pháp luật như thế nào?”, ông Sinh nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Thanh Niên