Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại các KCN ở Đà Nẵng. Ảnh: T.Trần
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành y tế và lực lượng chức năng liên quan phải đẩy nhanh tốc độ hoàn thành xét nghiệm trong các khu công nghiệp (KCN), trong các nhà máy trên địa bàn TP. Riêng việc xét nghiệm các hộ gia đình cần lưu ý làm tốt hơn lần 1 để tránh việc gây ra bức xúc, không công bằng giữa các hộ dân.
Ông Quảng nhấn mạnh: theo chỉ thị mới nhất của Thủ tướng việc tăng tốc xét nghiệm ở các địa phương vẫn là biện pháp cơ bản nhất để sàng lọc, phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 và khẳng định việc làm “sạch COVID-19” trong cộng đồng.
Bí thư Đà Nẵng đồng ý xét nghiệm lần 2 cho KCN An Đồn (quận Sơn Trà) có dịch COVID-19 bùng phát và lây lan hàng chục ca. Riêng các KCN khác, đề nghị không tiến hành xét nghiệm lần 2. Việc xét nghiệm lần 2 đối với công nhân các KCN, nhà máy phải giao cho chủ doanh nghiệp thực hiện, thành phố không xét nghiệm cho doanh nghiệp nữa.
“Tất cả các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…việc xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp doanh nghiệp phải chịu chi phí hết. Chỉ mỗi Đà Nẵng là đang bỏ tiền ra để xét nghiệm cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc xét nghiệm lần thứ 2 chủ doanh nghiệp phải chịu chi phí và phải thực hiện theo yêu cầu của TP” ông Quảng cho biết.
Phun khử khuẩn ở KCN An Đồn (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nơi có các ca mắc và lây nhiễm COVID-19.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn tại “mặt trận” các KCN là hết sức quan trọng, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu phải tập trung cao độ phòng chống dịch tại đây. Đà Nẵng không thể để vỡ trận tại các KCN vì khi vỡ trận sẽ là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và hậu quả sẽ rất lớn.
Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai xét nghiệm cho công nhân tại 6 KCN và 1 khu công nghệ cao với 65.444 người lao động. Bí thư Đà Nẵng yêu cầu trong ngày hôm nay (28/5), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng phải chốt và khẳng định được tất cả các công nhân trong các khu công nghiệp đã được xét nghiệm. Sau đó các quận, huyện theo địa bàn quản lý ra thông báo kết quả xét nghiệm đối với công nhân của từng doanh nghiệp. Ngoài chủ doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các công nhân phải ký cam kết. Kể từ ngày bàn giao, ký cam kết, nếu xảy ra trường hợp mắc COVID-19 thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và chịu toàn bộ chi phí phòng, chống dịch. Doanh nghiệp cũng sẽ phải tạm dừng hoạt động đến khi nào đảm bảo yêu cầu.
Cùng với đó, Bí thư Đà Nẵng nhắc nhở chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra giám sát việc đảm bảo an toàn tại các KCN, thành lập các đoàn thanh tra để đi kiểm tra thường xuyên, phát hiện vi phạm là xử lý nghiêm theo đúng quy định. “Địa bàn khu công nghiệp đã được làm sạch rồi trách nhiệm thực hiện phòng chống dịch trước hết là của chủ doanh nghiệp. Nhưng chính quyền phải kiểm tra đôn đốc, xử lý khi chủ doanh nghiệp không làm đúng quy định” ông Quảng chỉ đạo.
Để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Quảng cũng yêu cầu ngành y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm xác suất và ngẫu nhiên. Việc xác định đối tượng xét nghiệm các địa phương phải chủ động đề xuất, ngành y tế chỉ định hướng. Dù không làm trong tâm trọng điểm nữa nhưng vẫn phải có lượng xét nghiệm nhất định để đánh giá tình hình. Việc này rất quan trọng, bởi Đà Nẵng đang xét nghiệm hơn 20.000 mẫu/ngày, nếu tụt xuống còn vài ngàn mẫu ngày sẽ không bao giờ thực hiện được việc kiểm soát.
Liên quan đến vắc xin phòng COVID-19, Bí thư Đà Nẵng đề nghị UB MTTQ Việt Nam TP kêu gọi thành lập quỹ mua vắc xin và tiêm vắc xin của TP. Hiện nay, một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn đã chủ động xin đóng góp quỹ cho TP. "Có ngân hàng đã có văn bản xin được đóng góp 3 tỷ ủng hộ TP mua vắc xin. Mặt trận cần ra lời kêu gọi, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ chung tay cùng TP" ông Quảng cho biết.