Xăng vừa giảm giá đã chực tăng

ngày 21/08/2014

Giá xăng vừa hạ nhưng các doanh nghiệp xăng dầu lại đang đề nghị tăng chi phí định mức kinh doanh. Nếu được chấp nhận thì giá xăng dầu lập tức tăng theo.

Chi phí định mức kinh doanh xăng dầuhiện bao gồm các khoản: thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của doanh nghiêp̣ (DN)… Tổng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính cho phép là 860 đồng/lít.

Đòi bổ sung khoảncòn thiếu

Cách đây vài ngày, giáxăngbán lẻ đã được điều chỉnh giảm 600 đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng lẽ ra phải giảm sâu hơn. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ giá xăng dầusẽ tăng ngay thời gian tới vì chi phí định mức kinh doanh đang được đề xuất tăng thêm.

Xăng vừa giảm giá đã chực tăng - 1

Người tiêu dùng sẽ phải mua xăng giá cao hơn nếu đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được chấp nhận ẢNH: TẤN THẠNH

Một DN đầu mối xăng dầu có thị phần khá lớn cho biết theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ngay từ đầu năm 2014, các DN đã rà soát và báo cáo bộ về chi phí định mức kinh doanh xăng dầu. Theo đó, DN vừa có ý kiến đề xuất điều chỉnh chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là các chi phí hao hụt, chi phí quản lý tài chính… chưa được tính vào cơ cấu giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu.

Theo đại diện DN nêu trên, giữa chi phí định mức do Bộ Tài chính yêu cầu và chi phí thực của DN có sự chênh lệch là do quan điểm chưa đồng nhất về tiêu chí trong cơ cấu tính giá. “Do đó, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các DN rà soát, gửi báo cáo lên bộ. Trong đó, có kiến nghị bổ sung những khoản còn thiếu chưa được thống kê vào chi phí. Quyết định cuối cùng sẽ do Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở tính toán cụ thể, hợp lý” - vị này cho biết.

Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), trong các tháng đầu năm 2014, chi phí kinh doanh xăng dầu khoảng 1.200 - 1.300 đồng/lít (chưa tính tới chi phí phát sinh khi kinh doanh xăng sinh họcE5). VINPA cho rằng chi phí định mức kinh doanh của Bộ Tài chính đã lỗi thời, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2010 về trước. Năm 2013, chi phí kinh doanh của Petrolimex đã tăng lên mức bình quân 945 đồng/lít, trong đó chi phí bán lẻ là 1.280 đồng/lít.

VINPA cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên thường xuyên thay đổi chi phí kinh doanh định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và có thể công bố chi phí định mức từ đầu năm. VINPA kiến nghị trong cơ cấu chi phí kinh doanh định mức nên bổ sung chi phí hao hụt nhập khẩu, lạm phát, chi phí phát sinh tài chính (chênh lệch tỉ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng phải trả cho khoản nộp thuế nhập khẩu ngay khi hàng về cảng…).

Cần minh bạch trước khi điều chỉnh

Nhiều ý kiến lo ngại rằng do chi phí kinh doanh định mức nằm trong bảng tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu, vì thế nếu chi phí định mức tăng lên thì tất yếu giá cơ sởcũng như giá bán lẻ xăng dầu đến tay người tiêu dùng sẽ tăng theo.

Chuyên gia kinh tế- TS Lê Đăng Doanh cho rằng tăng chi phí định mức kinh doanh là hợp lý nếu như DN chưa được tính đủ, tính đúng các chi phí thực tế trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan để làm rõ xem các chi phí đưa ra đó có đúng không, DN đã thực sự kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chưa.

Một chuyên gia kinh tế đề nghị giấu tên cho biết định mức hao hụt xăng dầu nhà nước cho phép được thực hiện theo Quyết định 758/1986 của Bộ Vật tư trước đây. Mới đây, trong buổi công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014, đại diện Petrolimex thông tin với báo chí rằng tỉ lệ hao hụt xăng dầu của DN này thấp hơn nhiều so với quy định nêu trên và sẽ tiếp tục tiết giảm.

“Quy định ban hành từ năm 1986, đến nay đã quá lỗi thời so với những tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại. Do đó, DN sẽ ít nhiều được hưởng lợi từ định mức này, trong khi quyết định chưa được sửa đổi” - vị này nhận xét.

“Tăng cường siết quy định tỉ lệ hao hụt cùng với ý thức tự giác tiết giảm chi phí của DN có thể sẽ giảm gánh nặng tăng chi phí định mức để hạn chế giá xăng phải gánh quá nhiều loại thuế, phí, chi phí như hiện nay” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Hội Người tiêu dùng nên phản biện

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần xem xét chi phí thực tế của các DN tương tự ra sao để đối chiếu các khoản chi phí, lãi ngân hàng… trước khi có quyết định mức chi phí hợp lý nhất bởi hiện hiện nay có tới 16 đầu mối xăng dầu.

Ông Doanh cũng đề nghị giao cho Hội Người tiêu dùng có ý kiến phản biện vì định mức tăng thì tỉ lệ chi phí của DN tăng lên, ảnh hưởng không chỉ người tiêu dùng mà cả nền kinh tế. Ông cho rằng DN cần phải chú trọng đến tiết giảm chi phí nhiều nhất có thể, không thể ỷ lại vào thế độc quyền để đòi được tăng định mức mà không nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình.

{fcomment}