Vì sao ở Việt Nam ngày càng nhiều người mắc bệnh được coi là của `nhà giàu`

ngày 30/03/2017

Bệnh đái tháo đường ở nước ta gia tăng chủ yếu là do lối sống, yếu tố nội tại cộng thêm thói quen lười vận động chính là nguy cơ khiến số người mắc tiểu đường ngày càng tăng.

Tại hội thảo cập nhật chẩn đoán, điều trị đái tháo đường và các biến chứng diễn ra vào tuần qua ở Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia hàng của Trường Đại học Havard (Mỹ) đã chia sẻ những kinh nghiệm mới nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường. Đặc biệt là các vấn đề như: biến chứng mạch máu và bàn chân, biến chứng ngoài da, kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường cần phẫu thuật.

Vi sao o Viet Nam ngay cang nhieu nguoi mac benh duoc coi la cua `nha giau` - Anh 1

Vết loét bàn chân do đái tháo đường. Ảnh minh họa

Thông tin tại hội thảo, GS David Campbel, Đại học Havard cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,6 triệu ca tử vong do đái tháo đường, 2/3 trong số này phải cắt cụt chi với chi phí điều trị rất lớn. Hiện tỉ lệ mắc đái tháo đường tuýp 2 tăng lên chóng mặt, chiếm tới 90%. Trước đây nhiều người coi đó là căn bệnh của nhà giàu nhưng thực tế hiện nay căn bệnh này gặp ở tất cả các đối tượng.

Tại Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, suy thận mạn hay cắt cụt chi không do chấn thương... làm tăng tỉ lệ tử vong lên gấp 2- 4 lần so với người không bị đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường ở nước ta gia tăng chủ yếu là do lối sống, yếu tố nội tại cộng thêm thói quen lười vận động chính là nguy cơ khiến số người mắc tiểu đường ngày càng tăng. Hiện tại, rất đáng ngại khi có đến khoảng 50% bệnh nhân bị đái tháo đường không được phát hiện sớm, đã gây hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân đã có các biến chứng nặng nề về tim mạch, hoại tử chân, suy thận hay mù lòa.

Các chuyên gia cho biết biến chứng của bệnh đái tháo đường xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào type bệnh và quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Biến chứng của đái tháo đường được chia ra thành cấp tính và mãn tính.

Trong đó, với biến chứng mãn tính, bệnh nhân có thể gặp biến chứng về chuyển hóa, rối loạn Lipid máu. Bệnh nhân còn có thể gặp tổn thương mạch máu lớn, tổn thương các mạch máu nhỏ. Trong đó, các bệnh lý thần kinh ngoại vi khiến bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát… thường bị ở chân và tay. Hoặc các bệnh lý thần kinh thực vật, khiến bệnh nhân bị tổn thương thần kinh thực vật điều khiển huyết áp, chi phối hoạt động hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, với các biểu hiện như: Tụt huyết áp, ngất, đổ mồ hôi, nôn, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, đại tiện táo hoặc lỏng, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận. Một số biến chứng khác, ngoài da, mắt, hô hấp, tiêu hóa…

Đặc biệt, một điều đáng lưu ý của bệnh nhân bị đái tháo đường là gặp các biến chứng bệnh lý bàn chân. Đó là do đặc điểm về giải phẫu và sinh lý nên với người bị đái tháo đường, chi dưới dễ bị tổn thương hơn. Tổn thương thần kinh, vi mạch ở chi dưới dẫn đến rối loạn cảm giác, ngứa, tê bì, giảm cảm giác đau hay nóng, lạnh vì vậy mà bệnh nhân không phát hiện ra mình bị thương. Chỉ 1 vết thương nhỏ cũng dẫn đến loét, lâu lành và hoại tử, dễ bị nhiễm khuẩn và dẫn đến nguy cơ cắt cụt nếu không chăm sóc và điều trị đúng.

Theo GS David Campbel, rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đã phải cắt cụt chi dưới gối để bảo toàn tính mạng. Do vậy, việc quản lý biến chứng phải có sự phối hợp các chuyên khoa với nhau.

Nguồn GDTĐ