Vì sao "hùm xám" Chu Vĩnh Khang sa hố?

ngày 05/08/2014

Để thực hiện được mục tiêu cải tổ nền kinh tế của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình phải thẳng tay gạt bỏ rào cản lớn nhất là Chu Vĩnh Khang.

Cú ngã cuối cùng của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang là một biến cố đầy kịch tính trong nền chính trị Trung Quốc. Dù tin đồn về số phận của cựu ủy viên Bộ Chính trị này đã được lan truyền trên các mạng xã hội trong gần hai năm qua, việc Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra vẫn là một “cú sốc” đối với dư luận Trung Quốc.

Người dân nước này sốc bởi từ trước tới nay, chưa từng có bất cứ một ủy viên Bộ Chính trị nào dù là đang đương chức hay đã về hưu bị truy tố, bởi một nguyên tắc bất thành văn "hình bất thượng thường ủy" (không xử lý hình sự với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị).

Vì sao

Chu Vĩnh Khang và Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc họp

Bởi vậy, việc một nhân vật có tầm ảnh hưởng và quyền lực bao trùm như Chu Vĩnh Khang sa lưới vẫn là một vấn đề thời sự nóng hổi ở Trung Quốc. Câu hỏi và nhiều người đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay là tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình lại cố tình phá vỡ nguyên tắc “hình bất thượng thường ủy” đã tồn tại từ lâu để quyết trừng phạt Chu Vĩnh Khang, một nhân vật đã về hưu?

Để trả lời cho câu hỏi này, nhiều người đã đưa ra những đồn đoán, giả thuyết rất ly kỳ, hấp dẫn. Có người cho rằng ông Tập đang tìm cách gạt bỏ đối thủ chính trị lớn nhất của mình để củng cố quyền lực.

Người thì cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình luôn có ác cảm với Chu Vĩnh Khang, đặc biệt là khi Chu thể hiện sự ủng hộ ra mặt đối với Bạc Hy Lai. Cũng có tin đồn rằng Chu Vĩnh Khang bị trừng phạt vì đã 2 lần tìm cách ám sát ông Tập.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những tin đồn không hơn không kém và không có bất cứ bằng chứng xác đáng nào để chứng minh. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Chu Vĩnh Khang bị hạ bệ và trừng phạt có thể được lý giải khi chúng ta nhìn vào một báo cáo đặc biệt có từ cách đây hơn 2 năm.

Năm 2012, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của chính phủ Trung Quốc ra một bản báo cáo có tựa đề “Trung Quốc 2030: Xây dựng một xã hội hiện đại, hài hòa và sáng tạo” có độ dày tới 450 trang.

Báo cáo này đưa ra những thay đổi quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong vòng 20 năm tới để hướng tới một Trung Quốc hiện đại hóa và chuyển mình sang nền kinh tế thu nhập cao.

Thời điểm công bố báo cáo này cũng khá thú vị, đó là tháng 2 năm 2012. Chỉ vài ngày trước đó, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn. Tại đây, Vương Lập Quân phun ra câu chuyện về vụ vợ Bạc Hy Lai sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Vụ Vương Lập Quân đào tẩu đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc và thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của mọi người, khiến thông tin về việc công bố bản báo cáo quan trọng trên chìm nghỉm trong dòng chảy thông tin.

Vì sao

Chu Vĩnh Khang được cho là người ủng hộ nhiệt thành Bạc Hy Lai

Thế nhưng, nó cũng ngay lập tức nhận được những lời chỉ trích của phe cánh tả ở Trung Quốc, với hơn 1.600 người ký vào đơn kiến nghị phản đối báo cáo mà họ cho là “thờ phụng” mô hình kinh tế tự do của phương Tây.

Lá đơn này công khai chỉ trích cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng ông này không hề nhắc đến cố Chủ tịch Mao Trạch Đông trong những bài phát biểu gần đây, rằng ông Ôn đang đi ngược lại với lý tưởng của Chủ tịch Mao. Tuy nhiên, đơn kiến nghị trên nhanh chóng bị “chìm xuồng” và không thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, khi đặt bản báo cáo trên bên cạnh tài liệu của Hội nghị lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, người ta mới nhận ra vai trò cực kỳ quan trọng của báo cáo “Trung Quốc 2030”.

Bản báo cáo này gần như là kim chỉ nam phát triển kinh tế cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, và nó đã được thể hiện rõ trong nghị quyết của Hội nghị lần thứ Ba rằng Trung Quốc cần có những thay đổi quyết liệt trong nền kinh tế, đặc biệt là với các tập đoàn kinh tế lớn do nhà nước sở hữu.

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình coi những đường lối này là “cần thiết” để đổi mới nền kinh tế Trung Quốc, và quan điểm của họ đã được hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể.

Vì sao

Để thực hiện được chính sách kinh tế, Trung Quốc phải gạt bỏ Chu Vĩnh Khang

Thế nhưng, đường lối tái sắp xếp các tập đoàn kinh tế nhà nước đề xuất trong bản báo cáo này lại ảnh hưởng đến quyền lợi của Chu Vĩnh Khang, người được coi là ông trùm của ngành dầu khí Trung Quốc, nắm trong tay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia lắm tiền nhiều của.

Không những thế, thông qua các mối quan hệ dây mơ rễ má trong gia tộc, Chu Vĩnh Khang còn nắm quyền kiểm soát nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế nhà nước, nơi đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Chu Vĩnh Khang và nhiều quan chức cấp cao khác.

Theo tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang coi các tập đoàn kinh tế nhà nước là công cụ kiếm lời cho tầng lớp tinh hoa trong giới lãnh đạo, và việc “thị trường hóa” các tập đoàn này sẽ làm tổn hại đến nguồn lợi nhuận và đặc quyền mà Chu và các tay chân thân tín có được qua bao nhiêu năm gây dựng.

Thế nên, để thực hiện được những quyết sách về kinh tế của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình không còn cách nào khác ngoài việc gạt bỏ Chu Vĩnh Khang, đặc biệt là khi ông này nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các bậc tiền bối trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của mình.

Bởi vậy, sự “sụp hố” của hùm xám Chu Vĩnh Khang là một phần của câu chuyện chính trị, mà trong đó chính lòng tham và sự cố chấp là nguyên nhân đẩy Chu đến chỗ thân bại danh liệt.

{fcomment}