Vàng lao dốc, chênh lệch nội ngoại trên 5 triệu đồng

ngày 03/11/2014

Ngày đầu tiên trong tháng 11, giá vàng SJC đã tiếp tục giảm mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bị đẩy lên mức 5,24 triệu đồng/lượng.
 
Ngày 1/11, Tập đoàn DOJI công bố giá mua bán vàng miếng SJC xuống 36,34-35,38 triệu đồng. Trong khi đó, giá niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tiếp tục giữ quanh mức 35,29-35,41 triệu đồng.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC miền Bắc mua vào 35,29 triệu đồng/lượng, bán ra 35,43 triệu đồng/lượng. So với hôm đầu tuần, mỗi lượng vàng hiện tại giảm trên 300.000 đồng, sau khi đã giảm 200.000 đồng/lượng trong tuần trước, và là mức giá thấp nhất kể từ trung tuần tháng 6.

Giao dịch vàng dường như sôi động hơn nhờ mùa cưới đang đến
So với giá vàng thế giới quy đổi, mức chênh của giá vàng SJC đã tái lập đỉnh 5,24 triệu đồng mỗi lượng, tính theo tỷ giá Ngân hàng Vietcombank ngày 31/10, chưa kể thuế và phí. Sức ép giảm giá đối với giá vàng trong nước đang chủ yếu đến từ thị trường vàng quốc tế.

Tuy nhiên, do biên độ giảm của giá vàng trong nước nhỏ hơn, nên chênh lệch giữa hai thị trường ngày càng được nới rộng. Mức chênh lệch gần 5,24 triệu đồng/lượng đã cao hơn rất nhiều mức chênh 4,1 triệu đồng/lượng hồi đầu tuần.

Giá vàng giảm mạnh đã giúp cho các giao dịch trên thị trường vàng trong nước có phần sôi động hơn. Hoạt động giao dịch vàng trong nước đối với phân khúc hàng trang sức đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, lý do có thể là do mùa cưới đến và mức giá vàng ổn định dưới 36 triệu đồng/lượng trong suốt một tháng qua.

Trong khi đó, hoạt động giao dịch vàng miếng thì thấp hơn so với thời gian trước. Các chuyên gia đến từ Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng ảnh hưởng từ sự trượt dốc của thị trường thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục giảm xuống, vì vậy đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư và người dân mua vào đợi giá lên bán chốt lời.

Giá vàng thế giới phiên 31/10 đã chính thức phá ngưỡng đáy 3 năm và rơi về vùng thấp 1.170 USD, bởi các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan thúc đẩy đà tăng của đồng USD. Hơn thế nữa, sắc xanh đang tràn ngập trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khiến cho kim loại quý mất hoàn toàn sức hấp dẫn của mình.

Đặc biệt, vàng giảm giá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố kết thúc gói nới lỏng định lượng QE3 vào hôm 29/10 và tỏ ra tin tưởng vào đà phục hồi kinh tế của Mỹ, bất chấp dấu hiệu suy giảm tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sau phiên họp 2 ngày, quan chức FED cho biết sức khỏe của nền kinh tế đang ngày càng cải thiện, hỗ trợ đáng kể cho thị trường lao động.

Theo các số liệu công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống và GDP của nước này trong quý 3 tăng 3,5%, cao hơn dự báo. Giới quan sát cho rằng những tuyên bố này có thể là tín hiệu FED sắp tăng lãi suất, sau khi cơ quan này nhận xét sự trì trệ trên thị trường lao động đang giảm dần.

“Sự thay đổi quan điểm này ám chỉ lãi suất sẽ tăng sớm hơn dự đoán. Rõ ràng, tin này đã gây bất lợi cho giá vàng”, Bill ONeill tại quỹ đầu tư LOGIC Advisors nhận xét.

 
Tuy nhiên, việc cơ quan này không nói rõ thời điểm tăng lãi suất đã khiến vàng bị bán tháo. Cùng với đó, đồng USD mạnh lên cũng là một trong các yếu tố gây áp lực lên thị trường.

Trong khi nhu cầu đầu tư còn ảm đạm từ trước tuyên bố của FED, SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới sắp có tháng bán ra mạnh nhất năm, khi dự trữ đã giảm tới 26,3 tấn trong tháng này.

“Những thông tin này làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng với tư cách kênh đầu tư an toàn. Ngoài ra, lạm phát toàn cầu thấp trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh cũng khiến vàng không phát huy được vai trò kênh đầu tư chống lạm phát số 1. Chưa kể, đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép giảm giá không hề nhỏ đối với kim loại quý”, các chuyên gia nhận xét.

Dù thực tế vàng đang bị bán tháo, nhưng về triển vọng giá kim loại quý trong thời gian tới, ông Axel Merk – Chủ tịch kiêm Giám đốc Đầu tư tại Merk Funds vẫn lạc quan cho rằng kim loại quý sẽ được hỗ trợ trong dài hạn do FED nói lãi suất sẽ được duy trì thấp thêm một thời gian đáng kể nữa sau khi chấm dứt QE.

Theo VTC News

{fcomment}