Đòi mua sân bay Phú Quốc, tập đoàn T&T của bầu Hiển mạnh cỡ nào?

ngày 12/03/2015

T&T là tập đoàn quá nổi tiếng ở Việt Nam nhưng chỉ đến khi T&T đòi mua sân bay Phú Quốc nhiều người mới giật mình đặt ra câu hỏi tiềm lực của T&T mạnh tới đâu.

Nổi danh nhờ xe máy Tàu và bóng đá


Tập đoàn T&Tvừa đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải bán lại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho họ. T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm. Trước đó, T&T cũng gây chú ý khi đòi mua cảng Quảng Ninh.

T&T là tập đoàn quá nổi tiếng ở Việt Nam nhưng chỉ đến khi T&T đòi mua sân bay Phú Quốc nhiều người mới giật mình đặt ra câu hỏi tiềm lực của T&T mạnh tới đâu.

T&T là tập đoàn gắn liền với tên tuổi bầu Hiển và câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội.

Năm 1993, bầu Hiển thành lập Công ty TNHH T&T, tiền thân của Tập đoàn T&T với ngành nghề chủ đạo: Kinh doanh và sản xuất các sản phẩm điện tử, điện máy của các hãng như: Panasonic, Nation, …

6 năm sau đó, trong giai đoạn 1999 – 2000, bầu Hiển thành lập Công ty TNHH T&T Hưng Yên, đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất các sản phẩm linh kiện, động cơ xe máy với quy mô lớn nhất Việt Nam vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

bầu hiển
Bầu Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn T&T

Trong bản giới thiệu, T&T chỉ được phác họa vài dòng cơ bản như vậy nhưng trên thực tế, T&T “hoành tráng” hơn nhiều khi “làm mưa, làm gió” ở thị trường miền Bắc với xe máy Tàu. Có khoảng thời gian dài, các dòng xe rẻ tiền như Lifan, Hongda, Loncin, sau này là Lisohaka tràn ngập đường phố.

Xe máy Tàu mang về cho bầu Hiển rất nhiều tiền nhưng lại không tạo dựng thương hiệu cho công ty của ông. Nói đến Lifan, Hongda, Loncin thì ai cũng biết nhưng không nhiều người biết đến T&T. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi bầu Hiển thành lập CLB Bóng đá T&T Hà Nội, tiền thân của CLB Hà Nội T&T sau này.

Bằng tiềm lực tài chính mạnh, niềm đam mê bóng đa và sự quyết liệt trong công việc, bầu Hiển đã biến T&T Hà Nội vốn không được đánh giá cao bằng một đội bóng phủi sớm trở thành một “ông lớn” của V-Leguge đầy khốc liệt.

Có thể thấy, bầu Hiển giàu có nhờ xe máy Tàu và nổi danh nhờ bóng đá.

Dồn sức cho tài chính và bất động sản

Xe máy Tàu “làm mưa, làm gió” trong một thời gian rồi “nhường chỗ” cho các thương hiệu lớn của thế giới như Honda, Yamaha, Piaggio,… Vì thế, hiện tại, xe máy Tàu không còn nằm trong danh mục đầu tư của bầu Hiển nữa. Nhưng bóng đá thì vẫn song hành cùng bầu Hiển dù bóng đá không trực tiếp “đẻ” lợi nhuận cho bầu Hiển.

Tuy nhiên, bóng đá góp phần rất lớn vào thành công của T&T khi giữ vai trò quan trọng là đánh bóng thương hiệu. Vì thế, bầu Hiển vẫn không ngừng đổ tiền vào bóng đá. Thế nhưng, số tiền bầu Hiển rót vào bóng đá không thấm vào đâu so với bất động sản và tài chính.

Trong mảng tài chính, quý 1/2007, T&T đã tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Số vốn góp của Tập đoàn T&T tạiNgân hàng SHB đến nay là 620 tỷ đồng.

Quý 2/2007, T&T chi 123 tỷ đồng góp vốn thành lập và là cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Tháng 8 năm 2007, với tư cách là cổ đông sáng lập, T&T góp 16,5 tỷ đồng thành lập Công ty Cổ phần quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF).

Ngoài ra, T&T còn hợp tác cùng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và một số đối tác khác thành lập Công ty Bảo hiểm SHB – Vinacom (SVIC). Tập đoàn T&T đã tham gia góp 15 tỷ đồng trong tổng số 300 tỷ đồng vốn điều lệ của SVIC.

Trong mảng bất động sản, quý 4/2007, T&T cổ phần hoá Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Bất động sản T&T thành Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp T&T (T&T Land) tăng tổng số vốn điều lệ của Công ty này lên mức 100 tỷ đồng.

Năm 2009, T&T góp vốn thành lập Công ty Cổ phần đầu tư đô thị BEST&T. Năm 2010, T&T dành 50 tỷ cùng Công ty cổ phần CK Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư MCO Việt Nam thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và khu đô thị T&T-MCK với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.

vĩnh hưng T&T
Dự án Vĩnh Hưng của T&T bị người dân tố gây sụt lún nhà dân

Các công ty bất động sản có vốn góp của T&T đã thực hiện các dự án ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An,…

Ngoài bóng đá, tài chính, bất động sản và xe máy, T&T còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như khoáng sản, đồ uống, nhựa,… Sau nhiều lần tăng vốn, tới năm 2014, vốn điều lệ của T&T là 2.400 tỷ đồng.

Nếm “trái đắng” với tài chính, bất động sản

Dồn dập đầu tư vào các ngành nóng là tài chính và bất động sản nhưng do “đến sau” nên T&T không ít lần phải nếm “trái đắng”.

Dù không đến mức khuynh gia bại sản như một số đại gia địa ốc khác nhưng ở mảng bất động sản, tập đoàn T&T đã nhiều lần phải đau đầu. Tháng 9/2014, dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân, huyện Tĩnh Gia trị giá 51 triệu USD của T&T bị UBND tỉnh Thanh Hóa gửi công văn đốc thúc đẩy nhanh tiến độ.

Nếu T&T không có khả năng thực hiện được các yêu cầu, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét quyết định chấm dứt dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Cũng trong thời gian đó, dự án Hỗn hợp dịch vụ, thương mại và căn hộ T&T Vĩnh Hưng của tập đoàn T&T bị đình chỉ thi công do không có giấy phép xây dựng. Trước đó, người dân tố việc thi công dự án khiến nhà các hộ dân xung quanh bị lún, nứt.

Ở mảng tài chính, SHB là một trong những ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất. Thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng SHB chỉ đạt khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị khác trong cùng hệ thống.

Chính vì vậy, cổ phiếu SHB giao dịch rất ảm đạm và đứng dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) trong suốt thời gian dài.

Công ty chứng khoán SHS cũng không khá khẩm hơn nhiều. Thậm chí, quý 4/2014, SHS còn lỗ 20,77 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch 10/3, SHS đứng giá ở mức 9.800 đồng/CP, cũng thấp hơn mệnh giá.

Nguồn VTC News