Vẫn "nóng" chuyện lựa chọn băng tần cho mạng 4G

ngày 07/06/2013

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), việc lựa chọn băng tần cho mạng di động băng rộng (mạng LTE 4G) trong thời gian tới phải dựa trên nguyên tắc như: được nhiều nước ủng hộ, công nghệ chín muồi… để giá thành thiết bị rẻ hơn và phù hợp với người dùng Việt Nam.

4g

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, việc phát triển các hệ thống thông tin vô tuyến luôn gắn liền với công tác hoạch định chiến lược về tần số, nghiên cứu công nghệ.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Quản lý tần số phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại” tổ chức ngày 5/6/2013. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi về định hướng quy hoạch tần số, định hướng công nghệ, dịch vụ hạ tầng thông tin vô tuyến. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ giúp các chuyên gia quản lý tần số, viễn thông Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về thị trường di động, vô tuyến băng rộng, sử dụng hài hòa tần số trên thế giới và khu vực cũng như tiềm năng, định hướng phát triển trong những năm tới.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, một số nguyên tắc mà Cục theo đuổi trong việc lựa chọn băng tần phù hợp cho di động bao gồm: tăng cường công tác dự báo để từ đó tính toán xem Việt Nam cần bao nhiêu băng tần để phát triển và khi nào sử dụng băng tần thông qua việc dự báo tăng trưởng di động. Bên cạnh đó, băng tần mà chúng ta sử dụng phải được nhiều nước ủng hộ và phổ biến trên thế giới, khi đó giá thành thiết bị sẽ rẻ hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể lựa chọn các phương án băng tần là: băng tần 700 MHz sau khi có sự quy hoạch PTTH, tái sử dụng những băng tần đang sử dụng cho mạng GSM (CDMA 850 MHz, GSM 900 MHz, 1800 MHz), băng tần mới như 2 GHz hay 1,5 GHz.

Do di động băng rộng đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới và Việt Nam nên đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ về việc bổ sung, chuẩn bị băng tần cho di động băng rộng trong thời gian tới. “Cục Tần số cho rằng, những băng tần có ưu thế về vùng phủ sẽ quan trọng hơn như 2 GHz hay 1,5 GHz. Tuy nhiên, việc lựa chọn băng tần nào phải căn cứ vào thời điểm khi công nghệ đã chín muồi và dựa trên tiêu chí băng tần nào được nhiều nước ủng hộ hơn”, ông Tuấn nói.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sự phát triển của dịch vụ trên các thiết bị di động đang đặt ra thách thức đối với hạ tầng thông tin hiện tại và đòi hỏi về tốc độ đường truyền ngày càng cao. Việc phát triển các hệ thống thông tin vô tuyến luôn gắn liền với công tác hoạch định chiến lược về tần số, nghiên cứu công nghệ, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận phổ tần số vô tuyến điện và công nghệ mới, hướng đến cung cấp cho thị trường các dịch vụ vô tuyến tiềm năng lớn. “Do đó, Hội thảo sẽ tạo nên một diễn đàn để các nhà quản lý, doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp thiết bị có cơ hội trao đổi về định hướng quản lý tần số, định hướng công nghệ và dịch vụ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng kết luận.

NK - ICT News

{fcomment}