Siết room để chặn nguy cơ thao túng

ngày 13/01/2020

Phần lớn thị phần ví điện tử đang nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà đầu tư có nản lòng?

Liên quan đến dự thảo quy định tỷ lệ vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại trung gian thanh toán là 49% (dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP), bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, giới hạn trên sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, phát triển tiềm năng nền kinh tế số và tài chính toàn diện của Việt Nam.

Tương tự, ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF cũng cho rằng, quy định trên sẽ gây trở ngại tới chuyển đổi số trong nước và làm nản lòng các nhà đầu tư, khiến Việt Nam mất đi cơ hội để thành tâm điểm đổi mới toàn cầu trong lĩnh vực này.

Các nhà đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cân nhắc lại việc áp dụng hồi tố yêu cầu tuân thủ giới hạn sở hữu nước ngoài. Trong trường hợp Chính phủ lựa chọn áp dụng mức giới hạn sở hữu nước ngoài, thì sở hữu nước ngoài tại thời điểm đạo luật được thông qua sẽ không bị hồi tố và không phải thoái vốn theo quy định về hạn mức của luật (dự thảo đưa ra quy định hồi tố).

Theo đánh giá của các chuyên gia, phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài về “room 49%” là dễ hiểu, bởi đây là thị trường màu mỡ mà họ đang nhắm tới và đây cũng là lĩnh vực gần như đang bị khối ngoại ôm trọn thị phần.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, việc hạn chế room chỉ ảnh hưởng đến cơ hội chiếm lĩnh thị trường thanh toán của khối ngoại, chứ không ảnh hưởng đến phát triển tiềm năng kinh tế số của Việt Nam hay thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết: “Thanh toán chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong ngành tài chính - ngân hàng cũng như trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, hạn chế room sở hữu 49% tại trung gian thanh toán nước ngoài không có nghĩa là nền tài chính của Việt Nam bị cản trở trong con đường số hóa. Tôi cũng không nghĩ rằng, việc hạn chế room sẽ khiến dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực này sút giảm. Nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty họ rót vốn tại thị trường Việt Nam, nên quy định hạn chế room trước mắt có thể khiến dòng vốn đầu tư bị chững lại, song với tiềm năng của thị trường thanh toán Việt Nam, chắc chắn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ vẫn tăng mạnh”.

Nguy cơ bị thao túng là có thật?

Một vấn đề khác là, nếu xét về giá trị giao dịch, doanh số thực hiện qua ví điện tử chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé so với doanh số giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Việc siết một lĩnh vực thanh toán với thị phần còn nhỏ bé như vậy có đáng không?

Các công nghệ tài chính mới, các fintech xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng quy định còn rất thiếu. Chính vì vậy, NHNN phải ban hành các biện pháp để bảo vệ an ninh tài chính trong nước. Tôi cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc khống chế tỷ lệ tối đa 49% là hợp lý. Tuy nhiên, trong xu thế mở cửa, bên cạnh đẩy nhanh xây dựng hệ thống thanh toán nội địa và hoàn thiện thể chế pháp lý, NHNN cũng cần có lộ trình để nới lỏng room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại trung gian thanh toán

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Trả lời câu hỏi trên của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc siết room sở hữu mà NHNN đưa ra không phải dựa vào thị phần của trung gian thanh toán với thanh toán quốc gia, mà chủ yếu dựa vào những rủi ro mà lĩnh vực này có thể gây ra, bởi nếu rủi ro xảy ra có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống.

“Cơ sở quản lý của NHNN dựa vào rủi ro, chứ không phải dựa vào thị phần. Các công ty chiếm thị phần nhỏ so với thị trường, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn thì vẫn cần phải hết sức thận trọng”, ông Hiếu nói.

Theo NHNN, nguyên nhân khiến cơ quan này đưa ra room 49% là để tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán, bảo đảm vai trò chủ động của doanh nghiệp trong nước, quan trọng hơn là để bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính và an ninh tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như toàn bộ thị phần ví điện tử hiện đã nằm trọn trong tay doanh nghiệp ngoại. Hiện cả nước có 32 trung gian thanh toán với gần 30 ví điện tử thì 5 ví lớn đã nắm tới hơn 90% thị phần. Đáng nói, tại 5 ví này, tỷ lệ sở hữu thật của nhà đầu tư ngoại đều đã trên 50%, thậm chí lên tới 90%.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên hoàn chỉnh khung pháp lý về fintech, việc áp dụng room sở hữu có thể cân nhắc từng lĩnh vực, từng thời điểm. Còn trong trường hợp vẫn áp dụng, cần lường trước hiện tượng lách luật, đặc biệt là hiện tượng mượn cá nhân trong nước đứng tên cổ phần, để giám sát và xử lý chặt chẽ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một công ty kiểm toán đa quốc gia cho rằng, ở Việt Nam có hàng trăm chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài, có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng không đáng ngại, vì các quy định quản lý trong lĩnh vực ngân hàng rất chặt chẽ. Nhưng với fintech, do các quy định còn lỏng lẻo, nên dễ phát sinh nhiều rủi ro.

Trên thực tế, hoạt động quản lý ví điện tử ở Việt Nam thời gian qua nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến bảo mật, nguy cơ về gian lận, rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài, tiếp tay cho các giao dịch bất hợp pháp… Đây chính là lý do NHNN muốn siết chặt quản lý lĩnh vực này.


Nguồn: Báo Đầu Tư