Trồng hoa tết: Người vui, kẻ buồn

ngày 05/01/2022

Trong khi nhà vườn trồng hoa cúc, hoa mai… lo không có đầu ra thì nông dân trồng hoa lan tết lại cho biết đang 'cháy hàng'.

Chi phí sản xuất, gieo trồng, chăm sóc tăng cao cùng những mối lo lắng về đầu ra sản phẩm khiến người trồng hoa tết tại TP.HCM thấp thỏm lo âu.

Người trồng hoa… đau đầu

Mọi năm, ông Đoàn Văn Viễn (ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) thường trồng hơn sáu công đất (hơn 6.000 m2) để trồng các loại hoa cúc vạn thọ, sống đời, mào gà, mã đình hồng… mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhưng mùa tết năm nay ông chỉ trồng khoảng ba công đất nên sản lượng hoa giảm mạnh. “Sợ trồng mà bán không hết, lại đem vứt bỏ thì trắng tay” - ông Viễn lo lắng.

Người trồng hoa tết tại TP.HCM vẫn đang ngóng chờ thương lái. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo khảo sát của chúng tôi, giá hoa cúc được nhà vườn dự tính bán 75.000-85.000 đồng/chậu; dạ yến thảo, mào gà và hướng dương 45.000 đồng/chậu; dừa cạn 25.000-30.000 đồng/chậu...

Trong khi đó, chi phí phân bón, vật tư phục vụ cho việc trồng hoa lại tăng mạnh, đặt ra bài toán nan giải cho người trồng hoa. “Tôi rất đau đầu về bài toán giá hoa. Nếu tăng giá bán hoa thì sẽ khó cho thương lái, khó cho người tiêu dùng và không có người mua. Nếu không tăng thì người trồng hoa lỗ” - ông Viễn phân trần.

Mang nỗi lo như ông Viễn, ông Trịnh Thế Dao (phường Thới An, quận 12) cũng phải giảm sản lượng hoa gieo trồng, chỉ còn 5.000-6.000 chậu hoa các loại như dạ yến thảo, mào gà, cúc vạn thọ…

Ông Dao bộc bạch: “Không chỉ tôi mà nông dân trồng hoa năm nay đều lo lắng ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhận thấy thị trường khá trầm lắng nên đã chủ động giảm sản lượng gieo trồng. Riêng vườn hoa tết của gia đình tôi giảm hơn 40% sản lượng so với năm ngoái. Thêm vào đó, do giống không tốt nên tỉ lệ cây chết mất 30%”.

Không chỉ giảm sản lượng, theo ông Dao, người trồng hoa tết tại TP.HCM còn đối mặt với chi phí gieo trồng, phân phối tăng cao. “Có những mặt hàng tăng 100% như phân urê mọi năm chỉ 9.000-10.000 đồng/kg thì nay lên 20.000 đồng/kg. Đây là mức tăng rất cao đối với người trồng hoa trong các năm gần đây” - ông Dao nói.

Cánh đồng cúc mâm xôi tại làng hoa Sa Đéc. Ảnh: HD

Chờ thương lái

Đang chăm sóc hơn 1.500 chậu cúc, nhà vườn Minh Kha (quận Gò Vấp) cho biết vẫn đang ngóng chờ thương lái từng ngày. Bởi mọi năm, đầu tháng 12, các loại hoa trong vườn đã có thương lái đặt cọc giữ hàng hết nhưng năm nay chỉ lác đác vài thương lái tới hỏi thăm.

“Nhiều người mua cho biết phải tầm 15 tháng Chạp trở đi họ mới vào xem hoa và nghe ngóng thị trường để đặt hàng chứ không dám bao tiêu trước như mọi năm” - đại diện nhà vườn này nói.

Nhà vườn này cũng cho hay hiện nay nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vẫn đóng cửa nên nhu cầu mua hoa trang trí giảm. Đối với khách lẻ, sau nhiều tháng thu nhập bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 cũng khiến họ bớt chi tiêu cho hoa cảnh ngày tết.

Không chỉ các loại hoa chậu chờ thương lái, những vựa mai tết cũng đứng ngồi không yên vì ế khách thuê và mua mai. “Mọi năm, từ tháng 11 âm lịch tôi đã ngưng nhận đơn cho thuê mai, tập trung vào chăm các cây mai con bonsai để bán tết theo các đơn đặt hàng cũng như bán lẻ. Vậy mà năm nay đã gần tết nhưng lượng khách đặt mua và thuê mai vẫn rất ì ạch. Có những khách quen nhiều năm nay cũng ngưng thuê mai, khách hàng công ty thì giảm giá tiền thuê xuống” - chủ vườn mai Hoàng Quân ở TP Thủ Đức nói.

Vẫn theo ông Quân, mọi năm khách hàng đại gia thường thuê những cây mai có giá trị từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng thì năm nay họ chỉ lựa chọn phân khúc 200-400 triệu đồng. Bên cạnh đó, lượng khách hàng hỏi thuê, mua lẻ giảm 90% so với năm ngoái. Điều này khiến nhà vườn đứng trước nguy cơ lỗ.

Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/trong-hoa-tet-nguoi-vui-ke-buon-1037372.html