Tôi yêu phố núi

ngày 09/03/2021

Ngày chúng tôi yêu nhau, đất nước đã lặng yên tiếng súng. Anh vừa tốt nghiệp đại học sau khi xuất ngũ. Buổi đầu làm quen, người đầu tiên anh kể tôi nghe là mẹ. Anh nói rằng, mẹ anh là người phụ nữ hiền hậu chất phác, suốt đời chỉ biết quãng đường từ nhà ra cánh đồng rồi ra chợ. Người luôn chấp nhận mọi thiệt thòi, hết lòng vì chồng con. Bởi vậy, anh thương mẹ hơn hết thảy mọi người. Tôi yêu anh và chẳng biết từ bao giờ tình cảm về mẹ của anh đã truyền sang tôi, nó chắt lọc bằng thời gian, bằng những điều tôi cảm nhận được từ mẹ.

Buổi đầu về làm dâu của mẹ, vốn nhút nhát yếu đuối, chưa quen chặng đường dài, tôi lạc lõng giữa bao người. Tháng 8 mà trời vẫn nóng, giữa bao nhiêu bà con họ hàng mà mẹ cứ đứng bên quạt cho tôi khiến tôi đến ngại.

Quê mẹ miền trung du đẹp lắm. Nhà tôi tựa vách núi hướng nhìn ra cánh đồng, xa nữa là dòng sông trôi lơ đãng. Thường thì buổi sáng mọi người ra vườn trồng và chăm sóc rau giống. Chiều chiều, mẹ tôi quẩy đôi quang gánh lên núi cắt giàng về đun. Những buổi vợ chồng tôi cho cháu về thăm nhà, cơm trưa xong mẹ tôi vội hôn lên má thằng cháu nội rồi lên núi kiếm củi... Thương mẹ, không biết bao nhiêu lần chiều buông, trước khi trở về Hà Nội chúng tôi nhìn lên những ngọn núi loang loáng bóng mây mà không biết cái dáng nhỏ bé hao gầy của mẹ tôi đang dưới bóng mây nào giữa dãy núi trùng điệp kia!? Chúng tôi nhắc nhau chào mẹ. Cơn giông kéo sập bầu trời xuống thấp mà lòng canh cánh không biết mẹ đã xuống núi chưa?

Ngày tôi sinh cháu đầu lòng, thời kỳ mới xóa bao cấp nên cái gì cũng thiếu. Mẹ tôi nào gà, nào gạo mang ra chăm sóc con cháu, vậy mà hễ có ai đến chơi, bà thường trốn trong phòng vì ngại. Mình nhà quê, các bác ấy nom lịch sự thế biết nói gì mà xuất hiện! Chuyến đi xa nhà đầu tiên của mẹ là thăm bà con ở TP. Hồ Chí Minh. Khi ra sân bay đón mẹ trở về, vừa thấy bóng con cụ đã huơ nón gọi thật to:

- Con ơi, đây rồi!

Chưa kịp hỏi gì, mẹ ném ngửa cái nón xuống sàn cười hể ha:̉

- Mẹ bố nó, tiền nào của nấy. Sướng thật! Các cô ấy cứ chăm sóc mình như vua. Ra khỏi cửa máy bay vẫn còn chào!

Hình ảnh mẹ và chiếc nón xoay tròn dưới sàn đôi lúc làm se thắt lòng tôi. Chẳng biết đến bao giờ những người nông dân như cha mẹ tôi không còn lạc lõng trên bất cứ phương tiện giao thông nào.

Thú vui của mẹ là được đọc kinh. Mẹ thường đọc tôi nghe kinh thập ân, về kiếp luân hồi con người và những điều nhân quả. Có lẽ bởi niềm tin nơi cõi Phật đến tuyệt đối đã giúp mẹ tôi thành người đàn bà nhẫn nhịn, hiền lành ít nói chỉ biết lầm lũi với công việc.

Bà nội chồng tôi đẹp lão và minh mẫn. Bảy mươi tuổi mẹ tôi vẫn “làm dâu” cho đến trước ngày cụ quy tiên chưa một lần mẹ làm cụ trái ý phật lòng.

Bên mẹ, tôi thấy lòng thanh thản. Mẹ dắt tôi lãng đãng trở về những tháng ngày nhỏ dại của anh, nơi có những cánh đồng ngạt ngào hương lúa. Tôi mường tượng trước mắt mình mùi nồng khói bếp, mùi ngai ngái rơm rạ. Những trò trẻ trâu và đôi chân nhỏ xíu của anh thuở nào cũng biết dậy sớm chạy theo chiếc xe cải tiến của mẹ. Mọi người bảo ngày xưa mẹ đẹp lắm. Thời gian đã phủ kín nét xuân và để lại những vết hằn sâu như thuở ruộng nơi khóe mắt. Có ai đó bảo mẹ tôi đần dại!? Còn tôi thầm cảm ơn sự hiền hậu bao dung của mẹ.

Mẹ là chiếc cầu nối tình yêu tôi với quê hương làng xóm, giúp tôi gần gũi hơn với mọi người, biết trân trọng hơn những gì mình đang có.

Các bạn ạ, khi viết ra những dòng suy nghĩ về mẹ tôi thấy lòng ấm lại như đang được sống trong miền cảm xúc bình yên. Bởi tất cả những gì mến thương mẹ dành cho chúng tôi, tôi muốn sẻ chia cùng các bạn. Mẹ tôi là người nông dân thuần khiết hiền lành chân chất như bao bà mẹ nông thôn Việt Nam, không thích những ồn ào nơi phố thị. Chỉ trọn đời yêu tiếng gà gáy sau lũy tre làng, tiếng rì rầm buổi chợ sớm, tiếng cuốc chắc nịch cắm vào đất và cái mùi nồng của giọt mồ hôi lẫn trong mùi rơm rạ.

Tôi biết sau phố núi mẹ vẫn dăm ba lần đổ lạc ra phơi để chờ đợi niềm vui vợ chồng con cái chúng tôi dẫn nhau về thăm cha mẹ.

Bây giờ đang mùa con nước, chẳng biết dòng sông Thương quê tôi nước có dâng cao mấp mé mặt đê? Đã có lần tôi đứng bên cầu ngắm con nước chảy đôi dòng - Dòng trong, dòng đục. Phải chăng là sự vô tình hay thế trời sắp đặt mà tôi cứ ngẫm dòng sông như lòng mẹ. Dòng trong là tình yêu thương mẹ dành cho mọi người, dòng đục là nỗi vất vả đắng cay mẹ nhận về mình tất cả...

Chúng tôi yêu phố núi, nơi có mẹ chờ mong.

DS. Hoàng Kim Dung

Nguồn SK&ĐS