Thủy điện ở Tây Nguyên xả lũ, bà con Phú Yên trở tay không kịp

ngày 03/12/2021

Tỉnh Phú Yên vừa trải qua trận lũ lịch sử, mực nước lũ bất ngờ dâng cao, cướp đi tính mạng, tài sản của nhân dân. Nhiều thủy điện ở thượng nguồn Sông Ba xả lũ, khiến cho người dân tỉnh Phú Yên bị động, bất ngờ.

Đã đến lúc các địa phương cần phối hợp xây dựng bản đồ ngập lụt toàn lưu vực sông Ba để hạ du chủ động hơn.

Sau 4 ngày từ lúc nước lũ tràn về, cuộc sống của nhiều hộ dân vùng ngập lụt ven sông Ba vẫn chưa trở lại bình thường, nhiều người cố nhặt nhạnh chút tài sản còn sót lại sau mưa lũ. Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh khi nước lũ bất ngờ dâng cao vào chiều tối 30/11. Trận lũ này muộn hơn so với những năm trước. Người dân vùng hạ lưu sông Ba cho biết, có nghe thông báo xả lũ nhưng không kịp thời, bà con trở tay không kịp. Nhiều khu vực bị ngập sâu 3-4 mét, người dân đành bỏ lại nhà cửa, tài sản, gia súc để chạy thoát thân.

Hơn 11.000 người dân tỉnh Phú Yên được đưa đến nơi an toàn.

“Có thông báo xả lũ nhưng người dân không biết ngập bao nhiêu? Cứ thấy nước dâng dâng lên, mình có đồ là lo dọn đồ. Khi xả lũ, tự nhà nào nhà nấy lo chứ không ai lo được hết. Lũ quá mạnh, chảy như thác, nhanh lắm, trở tay không kịp. Xả thì phải thông báo 1-2 ngày để bà con còn dọn dẹp, sắp xếp. Từ trên cao mà cứ xả xuống dưới này, dân thiệt hại, ai đền sự thất thoát đây?”- bà Đàm Thị Ái Tuyết, ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa bức xúc.

Từ sáng sớm 30/11, nhiều Nhà máy thủy điện trên Tây Nguyên đồng loạt xả lũ xuống sông Ba. Trong đó, 2 thủy điện Đắk Srông, Krông H’năng chảy qua tràn, xả với lưu lượng hơn 10.000m3/giây. Cùng với các hồ thủy điện khác xả lũ cộng lượng mưa cực lớn trên lưu vực, sông Ba hứng một lượng nước khổng lồ. Ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, Thủy điện sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng trong bậc thang nên khi lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống quá lớn, Công ty xin phép lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên xả lũ vì hồ Sông Ba Hạ không còn khả năng chứa nước. Theo đó, từ 8-15h ngày 30/11, Thủy điện sông Ba Hạ liên tục tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du từ 4.000m3/giây lên 9.400m3/giây. Với lưu lượng xả lớn như vậy hạ du sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên ngập lụt nặng nề.

Thủy điện Sông Ba Hạ trên sông Ba xả lũ.

"Khu vực sông Ba mưa rất lớn, một số hồ thủy điện mưa rất lớn, một số hồ thủy điện như Krong Năng, Buôn Tusa…các hồ xả trên 7.000 m3/ giây, do đó, lượng nước về sông Ba Hạ rất lớn. Thực hiện quy trình liên hồ chứa, chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh, hồ Sông Ba Hạ từ 15h cho phép xả mức 9.000m3/giây, sau đó, cứ 30 phút giảm 1.000m3 đến 18h để tránh triều cường, đỉnh triều cường lúc 19h30”- ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ giải thích.

Được biết, Hồ chứa của Thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có 150 triệu m3, trong khi trong 24 giờ, lượng lũ từ 2 thủy điện Đắk Srông và Krông Hnăng đổ về hồ chứa này lên đến 600 triệu m3. Lượng nước về nhanh và quá lớn đã hạn chế chức năng cắt lũ của hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Phú Yên.

Sơ tán người dân tránh lũ ở Phú Yên.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, do mưa to nên 2 thủy điện phía trên xả lũ với lưu lượng cực lớn trong khi lưu vực của thủy điện Sông Ba Hạ này cũng có mưa rất lớn hơn 400mm. Để đảm bảo an toàn hồ đập, buộc lãnh đạo tỉnh phải cho xả lũ tăng dần. Tỉnh Phú Yên rất bất ngờ vì lượng nước từ các hồ thủy điện phía trên hồ chứa Sông Ba Hạ đổ về mà địa phương không nhận được thông tin từ chủ các hồ chứa. UBND tỉnh Phú Yên sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công Thương tăng cường cơ chế giám sát việc xả lũ của các hồ chứa nước trên toàn lưu vực sông Ba. Ông Trần Hữu Thế đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu xây dựng thêm các hồ chứa trên bậc thang sông Ba để tích nước cắt lũ khi cần thiết. Theo ông Trần Hữu Thế, khi có thêm các hồ chứa này, mỗi hồ giữ lại một lượng nước nhất định, thời gian xả về hạ du vì thế sẽ giãn ra, giảm áp lực ngập lụt cho hạ du.

“Lưu lượng mưa ở các tỉnh Tây Nguyên quá lớn, các hồ thủy điện ở các tỉnh Tây Nguyên trên sông Ba đã xả lũ hàng loạt, nhiều hồ xả từ 3000-4000m3/giây. Việc xả làm cho thủy điện Sông Ba Hạ trên lưu vực là một hồ vốn không có bụng chứa, không có sức chứa cho nên gần như nhận được bao nhiêu phải xả bấy nhiêu. Đã gây ra bất ngờ cho chúng tôi trong việc này. Chúng tôi cố gắng điều hành linh hoạt, cố gắng tối đa nhất việc đảm bảo an toàn cho hạ du”- ông Trần Hữu Thế cho biết.

Ngay trong tối 30/11, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai chỉ đạo các Nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, cắt giảm lưu lượng xả lũ để giảm thiệt hại cho hạ du. Ngay sau đó, các hồ chứa đã giảm một phần xả lũ, hạn chế thiệt hại cho tỉnh Phú Yên. Được biết, tại các tỉnh Tây Nguyên đang có nhiều thủy điện ở các bậc thang khác nhau nhưng chỉ có 6 thủy điện có dung tích phòng lũ và có cửa van điều tiết, còn lại tất cả thủy điện khác trên cùng lưu vực sông Ba đều là thủy điện điều tiết tràn tự do.

Kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại tỉnh Phú Yên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn.

"Địa phương cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi rất chặt chẽ để điều tiết lượng nước về phía hạ lưu. Đảm bảo giảm thiểu thiệt hại tốt nhất. Ví dụ như ở Phú Yên đã phải theo dõi cả thủy triều để vận hành xả lũ. Khi thủy triều dâng cao buộc phải giảm xả lũ xuống"- ông Trần Quang Hoài cho biết./.

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/thuy-dien-o-tay-nguyen-xa-lu-ba-con-phu-yen-tro-tay-khong-kip-909196.vov