Thực tập sinh sang Nhật: Đi làm hay đi học?

ngày 15/06/2022

Việc định hướng ngay từ đầu cho người lao động về những gì đang chờ họ ở Nhật Bản sẽ quyết định thành công của một thực tập sinh cả về kiến thức, kỹ năng và tiền bạc

Theo thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 4 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 14.489 người, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản, chiếm đến 61% với 8.848 lao động. Số lượng lao động sang Nhật Bản trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng đột biến khi việc đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người lao động (NLĐ) Việt sang Nhật chịu nhiều thiệt thòi, phải chấp nhận làm việc vì không được đổi chỗ làm… chỉ vì họ là thực tập sinh (TTS)!

Định hướng cho tương lai

Không như các thị trường lao động ngoài nước khác, chương trình TTS kỹ năng tại Nhật Bản có nhiều điểm riêng nhưng về bản chất cũng là chương trình đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Đa phần NLĐ tham gia chương trình với mục đích tìm kiếm công việc tốt hơn, cho thu nhập cao hơn so với làm việc ở trong nước. Nhưng mục tiêu chính của nhiều NLĐ là để rèn thêm tiếng Nhật, học hỏi kinh nghiệm làm việc và văn hóa lao động từ Nhật Bản để xây dựng sự nghiệp về sau.

Hành trình làm thực tập sinh rất quan trọng trong sự nghiệp của những lao động trẻ

Sau một thời gian tìm hiểu chương trình, chị Tạ Ngọc Linh (27 tuổi, quê Thanh Hóa) quyết định nghỉ làm công nhân để đăng ký đi Nhật làm TTS cho một nhà máy sản xuất linh kiện ôtô tại Nhật Bản. Khi tìm đến một công ty phái cử tại Tân Bình (TP HCM), chị Linh được tư vấn rất rõ ràng về các bước từ đào tạo tiếng, học văn hóa cho đến công việc, nơi ăn ở và mức thu nhập khi sang đến Nhật.

"Tư vấn giải thích rõ cho tôi về chương trình TTS kỹ năng của Nhật cũng như những được và mất khi tham gia chương trình này. Khác với đi Đài Loan (Trung Quốc) hay đi Hàn Quốc, đi Nhật là dạng vừa học vừa làm, đúng với định hướng của tôi là muốn trở thành quản lý sản xuất trong tương lai. Vì vậy tôi chọn đi làm TTS và kỳ vọng sẽ học được nhiều điều từ xứ sở mặt trời mọc" - chị Linh bày tỏ.

Trong khi đó, đang là TTS năm thứ 2 ngành nông nghiệp tại tỉnh Aichi (Nhật Bản), Nguyễn Ngọc Đức (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết công việc hằng ngày của mình là thu hoạch, đóng gói bắp cải cho một nông trại. Đức cho biết khi chưa sang đây cứ nghĩ công việc này đơn giản vì bản thân cũng là con nông dân. Tuy nhiên, khi đi làm mới thấy có sự khác biệt rất lớn từ cách trồng, chăm sóc đến thu hoạch và vận chuyển nông sản của Nhật Bản.

Khi được hỏi thu hoạch được gì từ công việc này, Đức trả lời: "Ở đây ai cũng như ai nếu cùng một vị trí công việc. Họ trả lương cho mình làm và dạy cho mình cách làm nông nghiệp hiện đại, tỉ mỉ và chuyên nghiệp ở nhiều khâu. Chịu học hay không là do bản thân từng TTS. Nếu chịu khó học tập, nghiên cứu thì có thể làm mới bản thân".

Liệu có thiệt thòi?

Nhiều người cho rằng dành ra 3 năm chỉ để làm TTS là thiệt thòi cho NLĐ bởi họ làm việc rất nhiều nhưng nhận về chẳng được bao nhiêu.

Trao đổi về vấn đề này, bà Vương Thị Thùy Dương - tư vấn viên một công ty phái cử lao động tại quận Tân Phú, TP HCM - cho rằng với một lao động phổ thông chưa có bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp gì mà có thể sang Nhật để có mức thu nhập khoảng 30 đến 38 triệu đồng mỗi tháng thì thiệt thòi ở chỗ nào?! Nếu chịu khó làm việc, biết chi tiêu hợp lý thì mỗi tháng NLĐ có thể có dư tối thiểu 25 triệu đồng.

Chưa kể khi về nước, cơ hội việc làm sẽ rất cao và mức thu nhập cũng tương xứng nếu so với những lao động cùng xuất phát điểm vẫn cứ làm công nhân tại Việt Nam. Bà Thùy Dương cũng cho biết nếu có bằng kỹ sư từ bậc cao đẳng trở lên thì rõ ràng sang Nhật là đi làm đúng nghĩa và hưởng mức thu nhập tương xứng với người Nhật. Nhưng là lao động phổ thông thì việc Nhật tạo ra chương trình TTS là giải quyết được cả những vấn đề căn cơ của NLĐ, đó là: vừa học vừa làm vừa có mức thu nhập ổn định và một tương lai tươi sáng hơn.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và Chuyên gia (Suleco), cho rằng việc định hướng ngay từ đầu cho NLĐ về những gì đang chờ họ ở Nhật Bản sẽ quyết định thành công của một TTS cả về kiến thức, kỹ năng và tiền bạc. Công ty phái cử cần chọn những công việc phù hợp cho từng TTS để họ phát huy được khả năng, sở thích, sở trường của mình nhằm chuẩn bị cho các bước tiếp theo sau khi hoàn thành hợp đồng tại Nhật. Ngoài ra, chọn những nghiệp đoàn, đối tác uy tín tại Nhật để gửi TTS đến học tập, làm việc cũng là cách để bảo vệ TTS.

"Chương trình TTS tại Nhật rất phù hợp cho lao động trẻ Việt Nam. Một khi đã tường tận về chương trình, được tư vấn, đào tạo bài bản trước khi xuất cảnh và hiểu rõ nhiệm vụ của một TTS thì việc thiệt thòi hay bị phân biệt đối xử không bao giờ xảy ra. Ngược lại, phần được là rất lớn, rất có ý nghĩa cho tương lai của NLĐ” - bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Suleco, khẳng định.

Nguồn: nld.com.vn