Thực hiện Luật Đất đai 2013, nhìn từ Bình Thuận - Bài 1: Nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ để trở thành nội lực

ngày 26/06/2019

Khu vực đất phân lô bán nền mới hình thành trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai theo đúng nhiệm vụ được Trung ương giao cho địa phương cụ thể hóa; tổ chức tuyên truyền hiệu quả pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Nhưng báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại Bình Thuận, đặc biệt liên quan tới doanh nghiệp cổ phần trên địa bàn.

Lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất

Kết quả kiểm toán tại Bình Thuận cho thấy, một số đơn vị cổ phần hóa không thực hiện được nghĩa vụ tài chính do địa phương chậm làm các trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất và huy động nguồn thu cho ngân sách địa phương không kịp thời. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận chưa phối hợp với các đơn vị thuê đất để hoàn thiện các thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất; chậm thực hiện ký hợp đồng thuê đất khi đã có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do đất đai có nguồn gốc rất đa dạng; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; việc thể chế hóa còn chậm, chưa thật đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan chưa nghiêm. Công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn kém hiệu quả; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Hơn nữa, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế.

Điển hình như vụ việc Công ty Du lịch Bình Thuận trước khi chuyển sang Công ty cổ phần đã được UBND tỉnh xác định giá trị lợi thế về địa lý để xác định giá trị doanh nghiệp của 4 khu đất. Theo đó, UBND tỉnh đã thuê Công ty thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, tuy nhiên còn thiếu xác định giá trị lợi thế về vị trí địa lý của khu đất Cơ sở giặt ủi tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết với diện tích 2.780 m2, dẫn đến khả năng xác định không đúng giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cổ phần hóa trước năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đều không kiểm tra thực tế và trình UBND cấp tỉnh, không rà soát hiện trạng sử dụng đất chuyển hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển từ Công ty nhà nước thành Công ty cổ phần theo quy định.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, hàng năm Sở đều thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, như kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đức Linh và thị xã La Gi; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai đối với các dự án nông, lâm nghiệp (2 đơn vị), các dự án du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp (2 đơn vị); Công ty Cổ phần Thái Vân (Bắc Bình), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thắng Linh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Hải (Hàm Tân); Công ty Cổ phần Cát Vân, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Danh Việt (Hàm Tân). Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai 8 đơn vị, với tổng số tiền 37 triệu đồng...

Sở cũng đã tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Chi cục Quản lý đất đai, Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn; kiểm tra, xác minh việc sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích trên đất nhận khoán thuộc địa bàn xã Hàm Thạnh, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam của 11 hộ công nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm Nghiệp Bình Thuận. Ngoài ra, Sở kiểm tra việc chấp hành (các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4; các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A địa bàn huyện Bắc Bình); việc sử dụng đất của Công ty Cổ phần Xây dựng Phát triển hạ tầng Bình Thuận tại Xưởng cơ khí 1/5 thuộc khu phố 6, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết.

Về giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượt người đến phòng tiếp công dân của Sở là 58 lượt/82 người, trong đó lãnh đạo Sở tiếp 7 lượt/10 người. Nội dung công dân đến thắc mắc là các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với Dự án Khu dân cư Hùng Vương 2, Sông Dinh 3, đường Lê Duẩn… Các vấn đề thắc mắc, phản ánh của công dân đều được giải thích cụ thể và hướng dẫn gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền.

“Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai hiệu quả; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Hơn nữa, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...”, ông Hồ Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN