Tham gia ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

ngày 03/03/2022

Ngày 3-3, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham gia ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự tọa đàm.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá: Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong công an nhân dân, với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đối tượng đấu tranh đa dạng, phức tạp; lĩnh vực, địa bàn hoạt động rộng; lực lượng này được huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu để cơ động nhanh, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình... nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Quang cảnh tọa đàm.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc tọa đàm.

Mặt khác, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự của nước ta như: Xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh)... đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật CSCĐ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều. Các đại biểu tập trung thảo luận về vị trí, chức năng của CSCĐ. Theo Điều 3 dự thảo luật: CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, các đại biểu còn làm rõ thuật ngữ Biện pháp vũ trang.

Theo Điều 2 dự thảo luật, giải thích từ ngữ Biện pháp vũ trang là một biện pháp của lực lượng công an nhân dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu đề nghị nên chỉ rõ nội hàm của Biện pháp vũ trang. Không nên nêu Biện pháp vũ trang là biện pháp của lực lượng công an vì theo Luật Biên phòng, biện pháp vũ trang cũng được lực lượng biên phòng sử dụng.

Các đại biểu cơ bản nhất trí các trường hợp được sử dụng Biện pháp vũ trang của lực lượng CSCĐ như trong dự thảo. Tuy nhiên, cần bổ sung một số trường hợp khác mà lực lượng CSCĐ được sử dụng biện pháp vũ trang như: Trấn áp các hoạt động gây rối, bạo loạn của bọn cầm đầu quá khích; trấn áp bọn chủ mưu, cầm đầu các vụ bạo loạn có vũ trang; trấn áp các hoạt động vũ trang của địch và tội phạm nguy hiểm…

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/tham-gia-y-kien-ve-du-thao-luat-canh-sat-co-dong-687608