Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững: Vai trò tiên phong của doanh nghiệp

ngày 21/08/2015

(DĐDN) – Tại cuộc họp gần đây bàn về chiến lược và định hướng của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VN (VBCSD) giai đoạn 2015 – 2020, các chuyên gia một lần nữa khẳng định cùng với những mục tiêu phát triển chung của Quốc gia về tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp được xem là một nhân tố quan trọng, góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững ở VN.

vaitrotienphong13a
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lắng nghe Thạc sỹ Nguyễn Quang Vinh – Phó tổng thư ký VCCI – Tổng thứ ký VBCSD giới thiệu với về tầm nhìn kinh doanh bền vững của VBCSD tại Diễn đàn phát triển bền vững doanh nghiệp VN lần thứ 2 tháng 5/2015.

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, một trong những mục tiêu mà VN đang hướng tới là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị tăng cao.

Điểm tựa từ Nghị quyết 19 năm 2014, 2015

Theo Thạc sỹ Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký VCCI – Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, bên cạnh kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã hướng tới phát triển kinh tế bền vững với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. VCCI được giao nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh, chương trình phát triển bền vững, áp dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, thực hiện tốt TNXH của doanh nghiệp...

Trong kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, VBCSD có nhiệm vụ thúc đẩy rộng rãi “cuộc cách mạng” DN đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững trên cả nước, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn. Xây dựng mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, quản lý và thị trường dịch vụ phục vụ tăng trưởng xanh… Trong đó phải kể tới nhiều doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Viettel, TBS, Hoàng Anh Gia Lai… đang đi đầu trong tiến trình này.

Trên thực tế, VBCSD đang đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh ở VN. Ngay trong năm 2015, VBCSD đã xây dựng dự án nâng cao năng suất cho doanh nghiệp VN sẽ được triển khai từ 2016 – 2020.

“Tuy nhiên, nếu chỉ một mình Chính phủ thì sẽ khó thực hiện được phát triển bền vững, mà cần có sự nỗ lực của doanh nghiệp. Tức là có “điểm tựa” thì phải có cả “đòn bẩy” thì mới có thể thành công trong quá trình này”, ông Vinh nói.

Cùng với các hoạt động của VBCSD, số liệu từ Bộ KH – ĐT cho thấy, đã có 16/63 tỉnh, thành xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, lồng góp khía cạnh đầu tư xanh. Trong đó, các Bộ Công Thương, NNPTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, giao thông… cũng đang xây dựng kế hoạch hành động cho ngành mình.

Theo đại diện của Bộ KH-ĐT, một trong những thách thức là VN cần có 30 tỷ USD để cho chiến lược từ nay tới 2020, trong đó 70% từ khu vực tư nhân, cần 2-6% GDP để khôi phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, với cách thức năng lực còn hạn chế nên việc đánh giá ưu tiên tăng trưởng xanh từng ngành, địa phương để đưa ra cụ thể. Hơn nữa, hiện cũng đang thiếu các chính sách để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ khí hậu quốc tế. Ngay bản thân lĩnh vực này cũng khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy việc tăng cường chính sách hỗ trợ là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp có thể làm gì?

Ông Florian Beranek – Chuyên gia trưởng về trách nhiệm xã hội của UNIDO tại VN cho rằng, ngoài việc thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ gồm: xóa đói giảm nghèo; đạt phổ cập giáo dục; thúc đẩy bình đẳng giới giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe cho bà mẹ; phòng chống HIV, sốt rét; đảm bảo bền vững về môi trường; thiết lập các quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích con người. VN cần thực hiện thêm các mục tiêu khác để phát triển bền vững, chẳng hạn vấn đề nhân quyền cũng như phát triển kinh tế. Đặc biệt vấn đề phát triển kinh tế doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.

VBCSD đang nhận được nhiều sự kỳ vọng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp kinh doanh xanh hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững ở VN.

Với DN, cần thực hiện 10 nguyên tắc của tổ chức Hiệp ước Toàn cầu (Global Compact) là điểm khởi đầu, tuy nhiên các mục tiêu phát triển bền vững còn đi xa hơn thế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng một cách toàn diện Bộ hướng dẫn của Tổ chức hợp tác phát triên kinh tế dành cho các tập đoàn xuyên quốc gia, tiêu chuẩn ISO26000 là tiêu chuẩn hướng dẫn toàn diện nhất thời điểm hiện tại về trách nhiệm xã hội… Từ những nhận thức trên, ông Florian Beranek cho rằng các doanh nghiệp nên điều chỉnh phương pháp tiếp cận hướng các quan điểm và hành động tổng thể để tìm ra phương pháp dễ hiểu, mang trở lại văn hóa cũ của sự mình bạch và tin tưởng đến các doanh nghiệp, cũng như thừa nhận vai trò quan trọng của “hợp đồng xã hội” giữa khối doanh nghiệp và Nhà nước.

Theo ông Lưu Văn Tân – Giám đốc chương trình phát triển ngành sữa của Frisland Campina, điều quan trọng là các bên tham gia chuỗi giá trị không ai sẽ phải chịu thiệt thòi. Chính phủ, các tổ chức quốc tế…cần gắn kết để tạo ra sự cộng hưởng, ví dụ một trong những mục tiêu thiên niên kỷ có phần phát triển bền vững ở khu vực nông thôn, cho người nghèo gần giống chương trình nông thôn mới của Chính phủ. Ở bình diện quốc tế, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững thế giới hiện là một đối tác quan trọng của VN để thực hiện tầm nhìn kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp, có 50/200 doanh nghiệp đang tham gia nhóm làm việc về cụ thể hóa tầm nhìn 2050 và chương trình hành động 2020, trong đó có các nhân tố quan trọng về nguồn nước, năng lượng, môi trường, kinh doanh cùng người có thu nhập thấp, báo cáo bền vững, sản xuất sạch hơn, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, minh bạch và liêm chính trong kinh doanh…

Để thực hiện thành công các định hướng mà Chính phủ đã đề ra, VBCSD đang nhận được nhiều sự kỳ vọng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp kinh doanh xanh hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững ở VN.

Quốc Anh

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp