Ảnh hưởng đại dịch và việc chính phủ tăng chi tiêu đang làm giảm tác động từ chiến dịch tăng lãi của các ngân hàng trung ương.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã chạy đua hạ nhiệt lạm phát với tốc độ phi thường trong năm qua, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Áp lực giá cả ở các nước giàu vẫn cao bất chấp lãi tăng mạnh.
Trên lý thuyết, lãi suất tăng sẽ làm chậm lại các hoạt động kinh tế, do nó khiến việc đi vay đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng sẽ phản ứng bằng cách giảm chi tiêu, đặc biệt là các khoản giá trị lớn như mua nhà hay mua xe. Các doanh nghiệp cũng đối mặt với chi phí tăng, khiến họ phải giảm đầu tư. Về lâu dài, doanh thu và lợi nhuận có thể đi xuống, kéo theo giá cổ phiếu.
Vậy tại sao tăng trưởng và lạm phát hiện vẫn chưa chậm lại? Theo WSJ, phần lớn lời giải thích nằm ở những tác động "kỳ lạ" của đại dịch và độ trễ trong việc chờ "liều thuốc" tăng lãi suất phát huy tác dụng. Ngoài ra, thị trường lao động thắt chặt cũng thúc đẩy tăng lương và tiêu dùng.
Đầu tiên, bản chất của cuộc suy thoái năm 2020 là do đại dịch. Vì thế, sự phục hồi sau đó đã làm giảm tác động thông thường từ tăng lãi suất. Năm 2020 và 2021, Mỹ và các chính phủ khác đã hỗ trợ tài chính hàng nghìn tỷ USD cho các hộ gia đình. Bản thân người dân cũng tiết kiệm được một số tiền đáng kể, do đại dịch làm gián đoạn thói quen chi tiêu thông thường. Chưa kể, lãi suất rất thấp khi ấy giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có vốn vay rẻ.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay trong những tháng gần đây. Các gia đình vừa có tiền tiết kiệm, vừa có thu nhập tăng bền vững. Doanh nghiệp thì tiếp tục tuyển dụng do thiếu lao động sau đại dịch.
Tom Barkin, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) chi nhánh Richmond, nói rằng có rất nhiều yếu tố từ trong đại dịch đang góp phần chống lại tác động tiêu cực của lãi suất tăng. Ôtô và xây dựng - hai ngành vốn nhạy cảm với lãi suất - là ví dụ.
Tình trạng thiếu chip do gián đoạn chuỗi cung ứng mùa dịch dẫn đến thiếu ôtô để bán. Người mua vì thế sẵn sàng trả cao hơn để sắm xe hơi.
Còn trong lĩnh vực xây dựng, tuyển dụng tăng liên tục trong 12 tháng qua. Thiếu hụt công nhân là nút thắt trong chuỗi cung ứng, làm thời gian hoàn thành một ngôi nhà ở Mỹ cũng kéo dài hơn.
Ngành xây dựng tại Mỹ hồi phục do lượng nhà đang được rao bán ở mức thấp lịch sử. Nhiều người mua nhà đã hưởng lãi suất thấp lúc trước không muốn đổi nhà trong giai đoạn lãi suất cao này.
Thông thường, việc Fed tăng lãi suất buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp đang mắc nợ phải kiềm chế chi tiêu, vì sẽ tốn nhiều tiền hơn để trả nợ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng không vay nhiều trong hai năm qua (do được viện trợ và thay đổi thói quen chi tiêu mùa dịch). Thực tế, các khoản thanh toán nợ hộ gia đình chỉ chiếm 9,6% thu nhập khả dụng trong quý I, dưới mức thấp nhất được ghi nhận từ năm 1980.
Thứ hai, chi tiêu chính phủ cũng thúc đẩy tăng trưởng, khiến các cú sốc được giảm nhẹ hơn dự kiến. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã đẩy khu vực này vào suy thoái nhẹ trong mùa đông năm ngoái. Tuy nhiên, họ đã tránh được kịch bản suy thoái sâu mà một số nhà phân tích đã dự báo. Các chính phủ châu Âu khi đó cam kết hỗ trợ chi tiêu lên tới 850 tỷ USD.
Năm nay, giá dầu và khí đốt giảm cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người tiêu dùng bớt tốn kém hơn và niềm tin tăng lên, từ đó giảm áp lực lên ngân sách chính phủ. Giá một thùng dầu đã giảm gần một nửa trong năm qua, từ khoảng 120 USD xuống dưới 70 USD. Giá này thậm chí thấp hơn mức trước khi xung đột Ukraine nổ ra đầu năm 2022.
Việc Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch đã hỗ trợ hoạt động cho nhiều đối tác thương mại của nước này. Và khi tăng trưởng yếu, Bắc Kinh tháng này lại tiếp tục đưa ra các biện pháp kích thích mới.
Tại Mỹ, chính sách tài khóa mang lại nhiều sức mạnh hơn cho nền kinh tế trong năm nay. Gói cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, do Tổng thống Joe Biden phê duyệt năm 2021, vẫn đang giải ngân. Năm ngoái, hai đạo luật cũng được thông qua, cung cấp hàng trăm tỷ USD để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo và bán dẫn.
Thứ ba, cần có thời gian để việc tăng lãi suất tác động đến nền kinh tế, làm giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh lần đầu tiên tăng lãi suất vào tháng 12/2021. Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lần lượt nâng lãi suất vào tháng 3/2022 và tháng 7/2022.
Theo một số ước tính, hai phần ba số lần tăng lãi suất của Fed trong chu kỳ này chỉ có tác dụng "nhả ga". Tức là chỉ một phần ba có tác dụng "hãm phanh" nền kinh tế. Kết quả là chính sách hạn chế tăng trưởng chỉ có tác động trong 8-9 tháng, theo Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho rằng tác động sắp tới của việc Fed tăng lãi suất sẽ là một mối nguy hiểm vô hình có thể khó nhận ra. "Nếu bạn tăng 500 điểm cơ bản (5%) trong một năm, liệu có tảng đá khổng lồ nào lơ lửng trên đầu sẽ rơi xuống không?", ông đặt vấn đề.
Dario Perkins, CEO công ty nghiên cứu TS Lombard, cho biết lãi suất tăng đang làm chậm tốc độ tăng trưởng theo những cách không rõ ràng. Chẳng hạn, các nhà tuyển dụng cắt giảm các vị trí không tuyển được người, hoặc các công ty từ bỏ việc mở rộng hoạt động. "Thoạt nhìn thì có vẻ chính sách tiền tệ chẳng có tác dụng, nhưng thực tế là có", ông nói.
Lãi suất tăng đang có tác động trái chiều đến nền kinh tế. Ví dụ, tại Mỹ, hoạt động tuyển dụng diễn ra mạnh mẽ, nhưng số giờ làm việc trung bình đã giảm trong tháng 5. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng trong những tuần gần đây, lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.
Tuy nhiên, giá năng lượng và hàng tạp hóa giảm đã giúp giảm lạm phát của Mỹ xuống 4% trong tháng 5, từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ hè năm ngoái (khoảng 9%), theo Bộ Lao động. Số lượng mặt hàng tăng giá cũng giảm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng trung ương có thể đã không đủ mạnh tay để hạ nhiệt kinh tế. Ví dụ, ECB tăng lãi suất cơ bản lên 3,5% trong tháng này, nhưng lãi vẫn âm khi được điều chỉnh theo lạm phát. Nhiều nhà kinh tế vẫn dự báo có suy thoái trong 6 -18 tháng tới, do các đợt tăng lãi suất trước đây hoặc tiếp theo.
Các ngân hàng trung ương vẫn còn lo lắng với lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động). Chỉ số này hạ nhiệt chậm hơn nhiều so với CPI nói chung và phản ánh tốt hơn về lạm phát trong tương lai.
Tuần trước, các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Anh đều đã tăng lãi suất để giải quyết tình trạng lạm phát dai dẳng. Canada và Australia gần đây cũng nối lại việc tăng lãi sau thời gian tạm dừng.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cuối tuần trước cảnh báo việc giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương có thể khó hơn dự kiến. Lạm phát cao càng kéo dài, khả năng mọi người điều chỉnh hành vi càng lớn.
Với kịch bản đó, các ngân hàng trung ương có thể phải gây ra một cuộc suy thoái mạnh hơn để đưa lạm phát về mục tiêu. "Chặng cuối trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ có thể là thách thức lớn nhất", tổ chức này kết luận.
Nguồn: VnExpress
-
Bầu Đức: "Tiền vào như nước" nhờ nuôi bò
-
Cần loại bỏ nhà đầu tư thiếu năng lực khỏi Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm
-
Bộ Tài chính: “Bán 246 xe công, thu 390 triệu đồng là không chính xác”
-
Tottenham - Monaco: Thay sân đổi vận
-
Thêm bằng chứng rõ ràng cho thấy Son Ye Jin và Hyun Bin đang bí mật hẹn hò?
-
Địa chỉ mua thuốc khử trùng chuồng trại gà hiệu quả, giá tốt
-
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: `Tôi không chỉ đạo bóp méo số liệu thống kê`
-
Ngắm vẻ hầm hố của chiếc AEV Ram Prospector XL
-
Chiêu trò "đồng 500.000 có ma" của các taxi dù
-
Ăn quả này ngang uống 8 ly rượu, bỏ ngay kẻo rước ung thư