Gen X đang trở thành 'thế hệ lạc lõng' nơi công sở?

ngày 19/09/2022

Cụm từ 'hoang đảo ký giả' (Scriberia) xuất hiện trong bộ phim Inventing Anna để chỉ những nhân sự tuổi đời cao, có thâm niên, lặng lẽ làm việc tại tòa soạn và chẳng mấy ai biết đến họ.

Đây tưởng như chỉ là một hình ảnh giả lập trên phim, nhưng trên thực tế, nhân sự Gen X tại nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh này bởi các định kiến về tuổi tác.

Bình đẳng mọi thứ chỉ trừ độ tuổi?

Là một trong những lực lượng lao động có tuổi đời, tuổi nghề cao nhất tại doanh nghiệp, nhưng Gen X lại đang đối mặt với mối lo lắng về “chỗ đứng” tại công ty, đặc biệt là khi Gen Z, Gen Y nổi bật bởi sự năng động và tiếp thu công nghệ nhanh chóng.

Theo Generation, quá trình “khủng hoảng thất nghiệp” của thế hệ X đã manh nha từ trước đại dịch và COVID-19 đã khiến vấn đề này diễn biến phức tạp hơn. Gen X buộc phải gồng gánh nhiều hơn để tìm kiếm và giữ việc vì gặp rào cản tuổi tác. Theo thống kê gần đây của AARP, có gần 80% người lao động lớn tuổi ở Mỹ cho biết họ bị phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc. Đây là tỉ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 2003.

Thay vì tự hào về tuổi đời và tuổi nghề, thế hệ X đang phải đối mặt nhiều định kiến về tuổi tác nơi công sở.

Gánh chịu những bất công về tuổi tác từ xã hội, thế hệ X còn phải đối mặt với các đánh giá đầy định kiến khác. Nhiều doanh nghiệp mặc định những người trên 45 tuổi có kỹ năng làm việc không tốt bằng lực lượng lao động trẻ mặc dù hiệu suất công việc là như nhau.

Những định kiến này không chỉ tồn tại trong quan điểm của nhiều doanh nghiệp, mà ngay cả với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn tại công sở cũng có cùng suy nghĩ. T.P (24 tuổi, nhân viên văn phòng) bày tỏ quan điểm: “Với mình, các anh chị thế hệ X thường có tính cách cứng nhắc, quy củ nên mình rất ngại giao tiếp, ngay cả khi cần trao đổi công việc”.

Làm việc trong giai đoạn chuyển đổi số nên việc bị “đóng khung” vào những định kiến nhất định khiến thế hệ X bất đắc dĩ trở thành một cá thể lạc lõng nơi “hoang đảo”. Như một hệ quả tất yếu, tiến độ công việc của họ vận hành không trơn tru, đồng nghiệp cả nể, cấp trên dè chừng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Có thể thấy một nghịch lý là những nhân lực gen X tuy có đủ kinh nghiệm, kỹ năng để làm chủ công việc trong các vai trò khác nhau. Nhưng các định kiến về tuổi tác khiến thế hệ này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong thị trường việc làm toàn cầu cùng sự trỗi dậy của gen Z.”

Hướng đi nào cho Gen X?

Có lợi thế là một trong những nhân sự thấu hiểu doanh nghiệp và nắm rõ các quy trình làm việc nhất, thế hệ X trên thực tế là thế hệ có thể trở thành mentor (người cố vấn) toàn diện cho các lớp nhân sự khác.

Bà Hương gợi ý: “Thế hệ X có thể phát triển theo hướng trở thành mentor, truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho các nhân sự trẻ. Việc này giúp nhân sự Gen X có cơ hội trau dồi kỹ năng định hướng và thể hiện giá trị riêng của mình. Đồng thời còn giúp củng cố khối nhân sự vững mạnh cho doanh nghiệp. Có thể nói, trở thành cố vấn giống như để lại một di sản cho các thế hệ mai sau khi Gen X đã nghỉ hưu hoặc chuyển giao công việc”.

Để làm được điều này, cần sự hợp tác từ cả nhân sự Gen X và sự tạo điều kiện của doanh nghiệp.

- Đối với Gen X

Với tuổi đời và tuổi nghề lâu năm, Gen X có nhiều kinh nghiệm và góc nhìn đa chiều để đưa ra giải pháp, tư vấn cho các đồng nghiệp trẻ tuổi. Để phát huy điều đó, Gen X có thể áp dụng một số phương pháp khi làm việc để trở thành một “mentor” đúng nghĩa:

+ Đặt câu hỏi để hướng nhân sự trẻ tự tìm kiếm câu trả lời.

+ Thay vì áp đặt quy tắc làm việc, nên đưa ra gợi ý và góc nhìn để các nhóm nhân sự hiểu rõ và hợp tác làm đúng.

+ Thoải mái chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm thực tiễn để cùng “đồng đội” rút kinh nghiệm.

+ Ở vị trí của người quản lý cấp cao, Gen X có thể chủ động cải tiến các quy chuẩn, quy trình làm việc quan trọng nhằm giúp các thế hệ hợp tác trơn tru và hiệu quả hơn.

Trở thành cố vấn toàn diện vừa giúp Gen X phát triển và trau dồi bản thân, vừa đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp:

Bà Hương cho biết: “Doanh nghiệp có thể khuyến khích thế hệ X phát triển và tạo ra nhiều giá trị cho công ty thông qua việc “tận dụng" kinh nghiệm của nhóm nhân sự này. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa training nội bộ và trao quyền “đứng lớp” cho nhân sự Gen X, từ đó tạo cơ hội để họ khẳng định vai trò và giá trị của mình với lớp nhân viên nhỏ tuổi. Ngoài ra, các giải thưởng tôn vinh sự cống hiến và năng lực của Gen X sẽ là món quà khuyến khích tinh thần hiệu quả”.

Để giúp thế hệ X biến nơi hoang đảo thành bệ phóng ươm mầm tài năng, ngoài việc chính bản thân họ phải tự nỗ lực phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành một mentor tuyệt vời, sự đồng hành từ lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ là sự ủng hộ tinh thần rất lớn cho nhân sự gen X tiếp tục tiến bước.

Nguồn: baodautu.vn